Văn hóa Phật giáo và xã hội hài hòa: Thúc đẩy xã hội phát triển hài hòa thông qua tín ngưỡng
Tín ngưỡng là “linh hồn” trong đời sống tinh thần con người, cũng là bộ phận cấu thành quan trọng của một xã hội hài hòa
Bởi, sự hài hòa của xã hội không chỉ là sự giàu có về mặt vật chất, mà quan trọng hơn cả là sự giàu có trên mặt tinh thần; chỉ khi văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần đạt được sự phát triển đồng bộ, mới có thể xây dựng được xã hội hài hòa thực sự. Văn hóa tinh thần của con người chủ yếu là chỉ cho sự lành mạnh trong tâm lý và sự nâng cao phẩm đức tư tưởng. Trong khi đó, “tín ngưỡng” chính là giáo dục tăng cường phẩm đức tư tưởng và hướng dẫn sự lành mạnh tâm lý của con người có hiệu quả trực tiếp nhất.
Cho nên, “tín ngưỡng” không chỉ là tín ngưỡng trong ý nghĩa tôn giáo, mà còn là một hình thức giáo dục phẩm đức tư tưởng xã hội hiệu quả nhất. Nếu chúng ta khéo biết vận dụng “tín ngưỡng” một cách hiệu quả để nâng cao và làm tăng thêm phẩm đức tư tưởng của con người, thì sẽ có tác dụng tích cực to lớn cho việc xây dựng xã hội hài hòa. Bài viết sẽ trình bày thông qua bốn điểm tinh thần của Phật giáo: Một là thực hành ngũ giới – bỏ xấu theo tốt; hai là tu tập Tứ nhiếp pháp – phục vụ xã hội; ba là từ, bi, hỉ, xả – lợi ích chúng sinh; bốn là tinh thần lục hòa – tiêu chí của sự hài hòa.
MỞ ĐẦU
Xây dựng xã hội hài hòa là mục tiêu chính của các nước hiện nay, xu hướng chung của cộng đồng quốc tế. Theo đà phát triển xã hội, đời sống vật chất của con người mặc dù đã được nâng cao, song xã hội hiện nay đang tồn tại lại không hòa bình, phát sinh tai nạn và chiến tranh liên miên, sinh mệnh con người lúc nào cũng bị uy hiếp, đe dọa. Do vậy, việc xây dựng một xã hội hài hòa đối với chúng ta ngày nay là cực kì quan trọng. Nhưng “xã hội hài hòa” là một khái niệm mang tính đa nguyên (nhiều thực thể trong đó) và nhiều phương diện (nhiều mặt, khía cạnh), không phải chỉ dùng một chế độ, chính trị, văn hóa, vật chất nào đó, hoặc thậm chí dùng vũ lực để có thể đạt tới, mà là đòi hỏi sự “hài hòa” chung của các phương diện và lĩnh vực của xã hội mới có thể đạt được. Điều càng quan trọng hơn là sự “hài hòa” này không chỉ là sự ổn định, an toàn có thể biểu đạt trên bề mặt hiện tượng, mà đòi hỏi sinh khởi tư tưởng hòa bình trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau từ nội tâm bên trong chúng ta. Chỉ có xây dựng nên sự tin cậy lẫn nhau giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia; xây dựng nên ý thức hài hòa giữa con người với tự nhiên, giữa con người với xã hội, chúng ta mới có thể xây dựng nên một “xã hội hài hòa” thật sự và ý nghĩa.
Mà “tín ngưỡng” được coi là một loại văn hóa tinh thần xa xưa và truyền thống, có thể tạo ra ảnh hưởng rất lớn đối với ý thức tâm lý con người. Con người nương vào “tín ngưỡng” để tịnh hóa tâm hồn của mình, đào thải một số tâm lý hoặc tư tưởng, tình cảm thâm căn cố đế của mình, nâng cao phẩm đức, thông qua việc tịnh hóa tâm linh xây dựng nên sự hài hòa của xã hội. “Tín ngưỡng” là giáo dục xã hội mang tính quốc tế, không phải là một tín ngưỡng tôn giáo thuần túy trong một ý nghĩa nào đó nữa.
Đặc biệt là tín ngưỡng của Phật giáo chứa đựng văn hóa Phật giáo và giáo dục tư tưởng vô cùng phong phú, con người thông qua giáo dục văn hóa Phật giáo uyên thâm sâu sắc ấy, thúc đẩy, phát triển phẩm đức tư tưởng và hoàn thiện giáo dục đạo đức xã hội. Chỉ có sự nâng cao tố chất đạo đức của con người và sự gia tăng giáo dục đạo đức, mới có thể xây dựng nên một xã hội hài hòa thực sự toàn diện.
Ví dụ, một tín đồ Phật giáo trước hết phải phụng hành ngũ giới, mà tư tưởng chủ yếu của ngũ giới chính là hạn chế con người không nên làm những việc hại người lợi mình, lấy điều này thể hiện phẩm đức chỉ ác dương thiện của Phật giáo. Thứ đến, cần phải tu tập Tứ nhiếp pháp lục độ, mà tinh thần chủ yếu của Tứ nhiếp pháp lục độ ở chỗ dạy dỗ con người cần phải vô tư phụng hiến, lấy điều này biểu đạt, nói lên tín đồ Phật giáo không phải tự tư tự lợi mà là tinh thần phục vụ cộng đồng; cuối cùng là dưỡng thành phẩm đức cao thượng từ bi hỉ xả, mà tinh thần chủ yếu của từ bi hỉ xả trong Phật giáo là phổ độ chúng sinh, lấy điều này thể hiện tinh thần đại vô úy (không sợ hãi) lợi ích chúng sinh của Phật giáo.
Ngoài ra, tinh thần lục hòa của Phật giáo cũng là tượng trưng cho sự hài hòa, Phật giáo lấy tinh thần lục hòa này xây dựng nên Tăng đoàn hài hòa. Từ đây có thể thấy, tinh thần “tín ngưỡng” trong văn hóa Phật giáo đối với việc xây dựng một xã hội hài hòa ngày nay chắc chắn có tác dụng thúc đẩy phát triển rất to lớn.
THỰC HÀNH NGŨ GIỚI – BỎ XẤU THEO TỐT
Phật giáo mặc dù có rất nhiều giới điều, nhưng cơ bản nhất vẫn là ngũ giới (năm giới), tức không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu [1]. Tác dụng tích cực của năm giới này đối với sự hài hòa của xã hội ít nhất trên ba phương diện: Một là tính trách nhiệm xã hội; hai là quan niệm đạo đức luân lý; ba là ý thức ngay thật. Do sự phát triển của kinh tế thị trường và sự gia tăng ý thức kinh tế của con người, mặc dù đời sống vật chất đạt đến sung túc, nhưng đời sống tinh thần của họ trái lại ngày càng rỗng tuếch. Rất nhiều người chỉ biết thu lấy lợi ích từ xã hội, mà bỏ qua trách nhiệm của mình với xã hội; do sự quyến rũ, cám dỗ của đồng tiền và danh dự, con người đã quên đi luân lý đạo đức: tình thân, tình bạn; biến thành kẻ chỉ biết đuổi theo lợi ích, không màng đến chuyện khác, ngay cả lục thân (sáu người thân: cha, mẹ, anh, em, vợ, con) cũng không nhận, đã đánh mất luân lý đạo đức tối thiểu nhất: sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa người với người. Càng nghiêm trọng hơn là có người còn vì “danh” và “lợi”, mà dùng mọi thủ đoạn, a dua nịnh hót, thậm chí thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đút lót – nhận hối lộ, mất đi ý thức chân thành cơ bản nhất trong việc giao tiếp qua lại giữa người với người.
Thiết lập xã hội hài hòa cần phải ổn định môi trường, giúp xã hội có trật tự. Gia đình là tế bào của xã hội, sự hài hòa của xã hội dĩ nhiên bắt đầu từ sự hài hòa trong gia đình. Điều này đòi hỏi con người cần phải gánh vác trách nhiệm, thực hiện nghĩa vụ hết mình với gia đình và xã hội. Xã hội ngày nay rất đề cao tinh thần trách nhiệm của gia đình và xã hội. Tục ngữ nói: “Gia hòa vạn sự hưng” (家和萬事興/Gia đình hòa thuận thì mọi việc đều hưng thịnh), chỉ có gia đình nhỏ an bình hài hòa mới có thể xây dựng được đại gia đình xã hội hài hòa.
Giới “bất thâu đạo” (không trộm cắp) trong năm giới của Phật giáo chính là thể hiện ý thức trách nhiệm của tín đồ nhà Phật với xã hội. Phật giáo yêu cầu mọi người cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội, cần phải quên mình vì người, giúp đỡ người khác, phổ độ chúng sinh, không phải những thứ của mình thì không được chiếm lấy của riêng, không được làm những việc có hại cho người khác, tổn hại lợi ích xã hội. Nếu mọi người, ai ai cũng có tinh thần trách nhiệm này, xã hội chúng ta sẽ không có các vụ án cướp giật, trộm cắp, phá hoại đến sinh mệnh và tài sản của người khác, cũng có thể thiết lập được sự hài hòa của xã hội.
“Bất vọng ngữ” (giới không được nói dối, nói năng xằng bậy) thể hiện ý thức thành thật, trung thực của Phật giáo đối với xã hội. Phật giáo yêu cầu mọi người cư xử với nhau chân thành, giúp đỡ mọi người làm điều tốt, những điều mình không muốn, thì đừng làm cho người khác. Có thành thật mới có thể thiết lập được mối quan hệ hòa hợp, hài hòa và thân thiện. Thành thật là tiêu chí quan trọng của xã hội hài hòa. Xã hội thiếu vắng sự chân thành và thân mật, tất sẽ tạo nên sự căng thẳng và đối lập trong lòng người, khiến con người ngày càng trở nên thờ ơ và lạnh nhạt.
“Bất tà dâm” (giới không dâm dật) thể hiện cái nhìn đạo đức luân lý của Phật giáo. Phật giáo quy định mọi người không được có các mối quan hệ nam nữ không chính đáng ngoài vợ chồng hợp pháp, không chỉ bảo vệ, gìn giữ chung sống hòa thuận giữa vợ chồng, đồng thời cũng xây dựng nên quan niệm luân lý đạo đức xã hội. Không dâm dật bừa bãi không chỉ là tôn trọng lẫn nhau giữa đôi vợ chồng, mà còn là bảo đảm căn bản ổn định gia đình, là bộ phận cấu thành quan trọng của luân lý đạo đức xã hội.
Từ đây đủ thấy, mọi người nếu có thể thực hành theo “năm giới” của Phật giáo, mức tối thiểu nhất có thể mang đến nếp sống lành mạnh cho xã hội như: tinh thần trách nhiệm, luân lý đạo đức, ý thức thành thật, thông qua “năm giới” của Phật giáo, thúc đẩy và hoàn thiện giáo dục đạo đức xã hội. Xã hội chúng ta đòi hỏi mỗi người đều có một phần tinh thần trách nhiệm, cần có tình bằng hữu, tình thân thuộc, cần phải xây dựng ý thức tin tưởng lẫn nhau giữa người với người.
Từ việc thiết lập lý tưởng hài hòa xã hội mà nói, tinh thần trong năm giới của Phật giáo rõ ràng có những ảnh hưởng tích cực đối với xã hội, mà không phải những giới luật ấy chỉ dành riêng cho tín đồ Phật giáo và đi ngược lại với khoa học, giáo dục, chính trị, pháp quy; cái nhìn lệch lạc này được hình thành là do sự nhận thức và lý giải về văn hóa Phật giáo thiếu chính xác. Hy vọng thông qua văn hóa, phương tiện truyền thông, cho đến các hình thức tuyên truyền chính thống liên quan, khiến văn hóa Phật giáo có được những tác dụng tích cực đối với giáo dục xã hội và sự hài hòa xã hội chúng ta.
TU TẬP TỨ NHIẾP PHÁP – PHỤC VỤ XÃ HỘI
“Tứ nhiếp pháp” là tinh thần cơ bản mà tín đồ Phật giáo dùng để tu Bồ tát đạo, cũng là chuẩn tắc hành vi của một tín đồ Phật giáo làm các hoạt động xã hội. Cũng có nghĩa là, được xem là một tín đồ Phật giáo ở trong xã hội này, thì bất luận là lúc nào, ở đâu cũng đều phải lấy “Tứ nhiếp pháp” để đòi hỏi chính mình, vận dụng “Tứ nhiếp pháp” để phổ độ chúng sinh, phục vụ xã hội.
Nội dung “Tứ nhiếp pháp” [2] của Phật giáo chủ yếu là Bố thí nhiếp, Ái ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp, và Đồng sự nhiếp, trong “Tứ nhiếp pháp” này, “Bố thí” là thuộc sự nghiệp phúc lợi xã hội; “Ái ngữ” là thuộc sự nghiệp giáo dục xã hội; “Lợi hành” là thuộc sự nghiệp công ích xã hội; “Đồng sự” là thuộc quản lý xí nghiệp xã hội. Cho nên căn theo “Tứ nhiếp pháp” Phật giáo mà nói, được xem là một tín đồ Phật giáo “phục vụ xã hội” chính là hành Bồ tát đạo. Trong vòng gần hai mươi mấy năm trở lại đây, ở nước ta cùng với sự chu đáo trong chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo, các hạng mục sự nghiệp văn hóa của Phật giáo đã có những bước phát triển nhanh chóng, xây dựng xã hội hài hòa cũng đã có những hiệu quả tích cực.
“Tứ nhiếp pháp” của Phật giáo đối với sự hài hòa của xã hội cũng có tác dụng tích cực trên ba phương diện: Một là sự nghiệp phúc lợi xã hội; hai là giáo dục văn minh xã hội; ba là sự nghiệp công ích xã hội. Từ tinh thần “bố thí” của Phật giáo, chúng ta có thể thấy tác dụng của Phật giáo đối với sự nghiệp phúc lợi xã hội, các đoàn thể trong giới Phật giáo trong và ngoài nước bây giờ, đều vô cùng chú trọng đến phát triển sự nghiệp phúc lợi xã hội, lúc con người phải gánh chịu những thiệt hại thiên tai, mỗi lần như thế thì hầu như đều có sự quyên góp tài vật của đoàn thể Phật giáo. Đến thời điểm này, Trung Quốc đại lục đã có tới trên trăm hội quỹ phúc lợi từ thiện Phật giáo, đóng góp tài vật, giúp nghèo cứu khó, phò nguy cứu khốn, những sự nghiệp phúc lợi đã cống hiến cho xã hội là không thể kể xiết, hàng ngàn, hàng vạn người đã nhận được sự giúp đỡ từ sự nghiệp từ thiện của Phật giáo.
Như đầu năm 2005, khi Đông Nam Á gặp sóng thần, hàng ngàn Tăng nhân của Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Macau, Đài Loan ở dưới tháp Phật Nha, chùa Linh Quang tại Bắc Kinh cử hành long trọng Pháp hội cầu nguyện tiêu trừ tai nạn, đồng thời phát động nghi thức quyên tiền từ bốn chúng đệ tử, ngay tại chỗ này đã quyên góp được số tiền mặt lên tới trên 1.290 vạn Nhân dân tệ (tiền Trung Quốc) [3]. Sự phát triển của sự nghiệp từ thiện Phật giáo, có ảnh hưởng tích cực đối với công cuộc xây dựng xã hội hài hòa của chúng ta.
Tinh thần “lợi hành” của Phật giáo là thể hiện chủ yếu sự nghiệp công ích xã hội. Công ích xã hội chủ yếu là dùng sự nghiệp có thể giúp đỡ tha nhân, xã hội loài người đòi hỏi giữa những con người phải biết giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau. Chính bởi xã hội của chúng ta còn tồn tại rất nhiều người thế yếu lực cô cần có sự giúp đỡ của xã hội, vì vậy đã hình thành nên sự nghiệp công ích xã hội. Mà ở phương diện này, giới Phật giáo đã có những cống hiến nổi bật, ví dụ như “Hội công đức từ tế” [4] Đài Loan, đến nay sự nghiệp từ thiện nổi tiếng trên khắp thế giới, là tổ chức dẫn đầu của sự nghiệp từ thiện Phật giáo.
Trong “Giải thưởng từ thiện Trung Hoa” [5] vào năm 2006, họ cũng có tên trong danh sách. Những điều này đủ để cho thấy sự nghiệp công ích Phật giáo có vai trò to lớn đối với sự hài hòa xã hội. “Ái ngữ nhiếp” của Phật giáo là thể hiện cụ thể giáo dục văn minh xã hội, đối với việc giáo dục đạo đức tư tưởng ngày hôm nay, chúng ta có vai trò hướng dẫn rất lớn, văn minh là một trong những tiêu chí chính của sự tiến bộ xã hội. “Ái ngữ” Phật giáo chủ yếu chính là muốn dùng ngôn ngữ hiền thiện, thân mật, dịu dàng để dẫn dắt người khác, không nói những lời thô ác, chửi rủa và gièm pha tha nhân, nên tán thán công đức của người khác. Tinh thần “đồng sự” của Phật giáo chủ yếu thể hiện qua sự nghiệp phát triển xã hội, có vai trò thúc đẩy rất lớn trong việc quản lý xí nghiệp của chúng ta. Điều quan trọng nhất trong quản lý xí nghiệp là tinh thần xí nghiệp, tinh thần xí nghiệp chính là làm cho công nhân viên đoàn kết nhất trí, để xí nghiệp làm nhiều công đức cho xã hội. “Đồng sự” nhiếp của Phật giáo tức thể hiện sự đoàn kết hòa thuận giữa Tăng đoàn, khiến tinh thần đoàn kết này phát huy tác dụng quan trọng ở trong quản lý xí nghiệp của chúng ta.
Chúng ta có thể xây dựng xã hội hài hòa từ trong tinh thần “Tứ nhiếp pháp” của Phật giáo như trên, vận dụng tinh thần “Tứ nhiếp pháp” của Phật giáo để thúc đẩy tiến trình xây dựng xã hội hài hòa. Như tư tưởng “Nhân sinh Phật giáo” của Đại sư Thái Hư (1889-1947), chính là biểu hiện cụ thể của một xã hội hài hòa, cho rằng mỗi người đều cần phải phục vụ xã hội, mưu cầu lợi ích cho xã hội, lấy nhân cách cá nhân gây ảnh hưởng tốt đẹp đến xã hội, phục vụ nhân quần. Cư sĩ Triệu Phác Sơ (1907-2000), lãnh tụ Phật giáo trác việt, nhà thư pháp kiệt xuất, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng cũng đề xướng tư tưởng “nhân gian Phật giáo” (人間佛教), cho rằng dùng phụng hành ngũ giới, thập thiện tịnh hóa bản thân, nỗ lực tu tập Tứ nhiếp pháp, lục độ làm ích lợi cho chúng sinh.
Trong “Thế giới Phật giáo luận đàn” (Diễn đàn Phật giáo thế giới), Pháp sư Giác Quang (1919-), lãnh tụ tôn giáo Hồng Kông nói rằng [6]: “Phật giáo có trách nhiệm phục vụ xã hội, triển khai từ thiện phúc lợi, thúc đẩy xã hội cứu giúp, Phật giáo tích cực tham gia và thúc tiến sự nghiệp xã hội phát triển, tiếp tục duy trì thâm nhập khai triển sự nghiệp phúc lợi xã hội, không ngừng mở rộng quy mô đến nhiều tầng lớp đều nhận được lợi ích, có vai trò xúc tiến lành mạnh đối với việc đẩy mạnh cứu trợ xã hội, kiến tạo bầu không khí hành thiện toàn dân.”
TỪ BI HỈ XẢ – LỢI ÍCH CHÚNG SINH
“Từ bi hỉ xả” là biện pháp và phương sách hành Bồ tát đạo của tín đồ Phật giáo, cũng là con đường chủ yếu Phật giáo phát huy vai trò đối với xã hội. “Từ” có thể cho chúng sinh niềm vui, “bi” có thể bạt trừ khổ não, “hỷ” có thể làm cho chúng sinh vui vẻ, “xả” có thể xả bỏ phiền não chúng sinh. “Từ bi hỷ xả” gọi là Tứ vô lượng tâm, là nói Bồ tát lấy bốn phương pháp này để cứu độ khổ nạn chúng sinh, khiến chúng sinh có thể thoát ly phiền não đạt được giải thoát thực sự. Nhiệm vụ chủ yếu của Bồ tát ở đời chính là cứu độ chúng sinh ra khỏi bể khổ, Phật giáo cho rằng thế gian – nơi mà chúng sinh đang sinh tồn – là bể khổ sinh tử luân hồi, thì cần phải đạt được giải thoát ra khỏi khổ ải sinh tử, bước tới Niết bàn bờ bên kia. Cho nên “từ bi hỷ xả” là hành động cao thượng làm cho chúng sinh được lợi ích.
Tinh thần “từ bi hỷ xả” này có tác dụng trên ba phương diện đối với sự hài hòa xã hội: Một là có thể làm cho con người phụng hiến lòng yêu thương, giúp đỡ người yếu đuối trong xã hội; hai là có thể làm cho con người có tâm lý lành mạnh, buông bỏ đời sống sầu muộn. Bởi sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và phát triển công nghiệp hiện đại hóa, xã hội xuất hiện hiện tượng phân phối không đồng đều và chênh lệch giàu nghèo. Mặc dù có rất nhiều người đi trên con đường giàu có, sung túc, nhưng còn không ít người vẫn sống trong giai đoạn nghèo khó, cách mức sống tầm trung một khoảng cách nhất định, vẫn cần đến sự giúp đỡ của xã hội và tâm yêu thương phụng hiến. Mà tinh thần “từ bi” của Phật giáo chủ yếu thể hiện ở chỗ phụng hiến vô tư đối với xã hội, đi giúp đỡ tất cả những ai cần giúp đỡ, có một vai trò quan trọng đối với sự hài hòa xã hội.
Hoa Nghiêm Kinh nói: “Thường hành nhu hòa nhẫn nhục pháp, an trú từ bi hỉ xả trung” (常行柔和忍辱法,安住慈悲喜捨中/Thường hành pháp nhu hòa và nhẫn nhục, thì được an trú trong từ, bi, hỉ và xả). Trong Đại trí độ luận cũng nói: “Đại từ dữ nhất thiết chúng sinh lạc, đại bi bạt nhất thiết chúng sinh khổ; đại từ dĩ hỉ lạc nhân duyên dữ chúng sinh, đại bi dĩ li khổ nhân duyên dữ chúng sinh” [7] (大慈與一切眾生樂,大悲拔一切眾生苦;大慈以喜樂因緣與眾生,大悲以離苦因緣與眾生/Đại từ là làm vui cho tất cả chúng sinh, đại bi là cứu giúp khổ nạn của hết thảy chúng sinh; đại từ lấy nhân duyên hỷ lạc cho chúng sinh, đại bi lấy nhân duyên ly khổ cho chúng sinh). Điều này chính là biểu hiện tinh thần cứu đời, từ bi của Phật giáo, lấy tinh thần xuất thế của Phật giáo làm sự nghiệp nhập thế hài hòa xã hội.
Trong sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, áp lực tâm lý của con người ngày càng lớn, rất nhiều người xuất hiện bệnh tâm lý ở mức độ khác nhau, khiến mấy năm gần đây, tâm lý học ở Trung Quốc đột nhiên trở nên “nóng”, tuy vậy vẫn không thể giải quyết căn bản áp lực tâm lý của con người. Thông qua Phật giáo có thể giải quyết nỗi sầu muộn và bất an trong tâm mọi người, giảm bớt áp lực hình thành do căng thẳng trong công việc của con người, khiến tâm tình nhẹ nhõm, đạt được sự hòa dịu ở mức nhất định. Phật giáo thông qua thiền định và tụng kinh để xoa dịu tâm trạng quá căng thẳng của con người, có không ít nhà tâm lý học muốn thông qua lý luận uyên bác thâm sâu của Phật giáo, để hoàn thiện tâm lý học khiến nó có thể đạt được không gian phát triển rộng lớn tại Trung Quốc. Cho nên nói, “tín ngưỡng” có lẽ chính là lương dược tốt nhất cho căn bệnh tâm lý con người.
Từ đây có thể nói, tinh thần từ bi hỉ xả của Phật giáo đối với con người ngày nay quan trọng biết bao, nếu mỗi người đều gìn giữ một nềm tin chánh tín, xã hội chúng ta sẽ càng thêm ổn định hài hòa, đây chính là cống hiến của tín ngưỡng đối với sự hài hòa xã hội. Như những điều trong Kinh Niết Bàn nói: “Vi chư chúng sinh vô lượng lợi ích, thị danh đại từ; dục dữ chúng sinh vô lượng lợi lạc, thị danh đại bi; vu chư chúng sinh tâm sinh hoan hỉ, thị danh đại hỷ; tự xả kỷ lạc thí dữ tha nhân, thị danh đại xả” [8] (為諸眾生無量利益,是名大慈;欲與眾生無量利樂,是名大悲;於諸眾生心生歡喜,是名大喜;自捨己樂施與他人,是名大捨”/Làm cho chúng sinh được vô lượng lợi ích, gọi là đại từ; muốn cho chúng sinh vô lượng lợi lạc, gọi là đại bi; tâm khởi lên niềm hoan hỷ với chúng sinh, là đại hỷ; quên mình vì tha nhân, gọi là đại xả). Đây chính là tinh thần từ bi hỷ xả “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” trong Phật giáo, chúng ta thành thật hy vọng thông qua tinh thần từ bi hỷ xả này của Phật giáo, thúc đẩy tiến trình xã hội hài hòa.
TINH THẦN LỤC HOÀ – TIÊU CHÍ HÀI HOÀ
Tinh thần “Lục hòa” của Phật giáo là phương pháp và phương tiện chủ yếu quản lý Tăng đoàn Phật giáo, cũng là tiêu chí chủ yếu thể hiện xã hội hài hòa. “Lục hòa” của Phật giáo cũng gọi là Lục hòa hợp hoặc Lục hòa kính, tức người tu học Phật pháp thì cần phải thể hiện tình đoàn kết thân mật, kính trọng lẫn nhau.
Một là Thân hòa đồng trú: tức mọi người cùng ở chung với nhau, phải sống chung hòa bình; hai là Khẩu hòa vô tránh: tức khi mọi người cùng làm việc chung với nhau, phải hài hòa không tranh tụng; ba là Ý hòa đồng duyệt: tức mọi người khi cùng làm việc chung với nhau, phải thống nhất tư tưởng; bốn là Giới hòa đồng tu: tức mọi người khi cùng làm việc với nhau, phải thống nhất chế độ; năm là Kiến hòa đồng giải: tức mọi người khi cùng làm việc với nhau, cần quan điểm nhất trí; sáu là Lợi hòa đồng quân: tức mọi người khi cùng làm việc với nhau, thì lợi ích phải chia đều nhau.
Tăng đoàn Phật giáo chính là do thực hành theo phép “Lục hòa kính” này, vì vậy mới có thể hài hòa thanh tịnh. Chúng ta vận dụng tinh thần “Lục hòa” trong Phật giáo vào xã hội hài hòa, nếu như một gia đình có thể thực hành Phật pháp, cùng hành trì Lục hòa kính, thì khiến cho gia đình hài hòa mỹ mãn; nếu như cả xã hội có thể hành theo Phật pháp, cùng hành trì Lục hòa kính, thì có thể khiến xã hội ổn định đoàn kết; nếu như một quốc gia có thể phụng hành Phật pháp, hành trì Lục hòa kính, thì có thể khiến quốc gia giàu mạnh, hòa bình.
Thế giới mà chúng ta sinh sống hiện nay đang bất ổn, nhiều nơi xảy ra chiến tranh, tai nạn – dịch bệnh, sự tranh chấp lẫn nhau giữa người với người, nước này với nước kia, giữa đồng nghiệp và bạn bè… Sự cạnh tranh và chiến tranh như vậy, làm cuộc sống con người trở nên rối ren bất an. Con người kỳ vọng thế giới hòa bình, xã hội ổn định, nhân dân an cư lạc nghiệp, Phật giáo giáo hóa và dẫn dắt người đời thành tâm hướng thiện, chủ trương với tôn chỉ “tịnh hóa thân tâm, lợi lạc hữu tình”, hy vọng thông qua giáo dục tư tưởng Phật giáo để thúc đẩy sự hài hòa xã hội.
Lúc đầu, Đức Phật thành lập Tăng đoàn nói rõ Lục hòa kính, lấy tư tưởng, pháp chế, kinh tế, ngôn ngữ, thân hành, tâm ý làm nguyên tắc dân chủ bình đẳng, xây dựng khí phái bình đẳng của Phật pháp, tinh thần “Lục hòa” này chắc chắn là lương dược tốt nhất. Vì vậy, “Lục hòa” không chỉ là thiết lập nên cơ sở quan trọng của Tăng đoàn, cũng là tìm cầu đạo căn bản của hòa bình thế giới nhân loại.
Gọi là Thân hòa đồng trú, là chỉ trên thân hình phải sống chung hòa bình, giữa đồng sự phải sống hài hòa, không nên tranh đấu, tàn hại lẫn nhau, mà nên giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau, cùng nhau hoàn thành những mục tiêu theo đuổi. Gọi là Khẩu hòa vô tránh, là chỉ trong lời ăn tiếng nói phải ôn hòa nhã nhặn, không gây tranh cãi lẫn nhau. Ngôn ngữ là dùng để truyền đạt và biểu đạt những tư tưởng, suy tư trong cõi lòng mình, là phương tiện nhằm giao lưu, trao đổi giữa mọi người, mà không phải là vũ khí dùng để tranh luận, hủy báng nhau.
Gọi là Ý hòa đồng duyệt, là chỉ trên ý thức tư tưởng cần có ý thức chung, giữa các mối quan hệ qua lại cần có một ý thức ký kết ngầm. Gọi là Giới hòa đồng tu, là chỉ hệ thống điều lệ pháp quy, pháp luật của giới luật cần phải cùng nhau tuân thủ, như thế mới có thể khiến con người đứng trước pháp luật ai ai cũng được bình đẳng. Thông qua hệ thống điều lệ khiến tất cả mọi người tuân thủ chế ước chung. Gọi là Kiến hòa đồng giải, là chỉ trong ý kiến và kiến giải phải đạt được nhất trí, mới có thể khiến xí nghiệp hoặc đoàn thể đạt được sự ổn định, có trật tự. Nếu trong một sự kiện bất kì nào đó kiến giải không thể đạt được thống nhất, vậy thì không thể đồng tâm hiệp lực hoàn thành sự nghiệp. Gọi là Lợi hòa đồng quân, là chỉ trong lợi ích toàn thể công nhân viên phải thực hiện chế độ hưởng theo thành quả lao động bình đẳng.
Tinh thần “Lục hòa ” trong Tăng đoàn Phật giáo được trình bày trên đây, có thể có ba tác dụng tích cực đối với sự hài hòa xã hội: Một là tự giác tuân thủ chế độ pháp quy quốc gia; hai là xây dựng nguyên tắc phân phối hợp lý công bằng; ba là xây dựng ý thức tư tưởng và nguyên tắc hành vi thống nhất. Tiêu chí xã hội hài hòa là đa phương diện, đòi hỏi sự hài hòa các mặt như giáo dục văn hóa xã hội, tư tưởng đạo đức, tôn trọng pháp luật và kỷ luật, văn minh tinh thần, đoàn kết dân tộc. Mà tinh thần “Lục hòa” Phật giáo có thể hướng dẫn con người tự giác tuân thủ pháp luật kỷ cương, là thể hiện cụ thể của giới hòa đồng tu; hình thành nên nguyên tắc phân phối hợp lý công bằng xã hội, là thể hiện cụ thể lợi hòa đồng quân; ý thức tư tưởng và chuẩn tắc hành vi thống nhất, là thể hiện cụ thể của thân hòa cộng trú, kiến hòa đồng giải, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt. Cho nên, có thể nói, tinh thần “Lục hòa” Phật giáo có vai trò tích cực rất to lớn trong việc xây dựng nên xã hội hài hòa.
Kết luận
Những ví dụ đã nêu trên đây cho thấy văn hóa Phật giáo có đầy đủ các mặt tích cực đối với việc kiến thiết nên một xã hội hài hòa, đồng thời cho biết Phật giáo đối với sự ổn định và hài hòa xã hội của chúng ta là vô cùng quan trọng. Ngày nay, con người mặc dù đã đạt được sự sung túc vô cùng lớn lao về vật chất; nhưng trong tinh thần lại trở nên cực kỳ nghèo nàn; trong tâm lý phát sinh những bất thường nhất định. Những hiện tượng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt thường nhật của chúng ta, cũng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường trong xã hội hài hòa.
Chúng ta yêu cầu sức mạnh trên các mặt xã hội và văn hóa, giáo dục khác nhau của các tầng lớp để dẫn dắt, hướng dẫn, trước hết cần phải cải thiện áp lực tâm lý của con người, khiến con người có tố chất tâm lý lành mạnh; sau đó, chỉ dẫn con người cần phải đạt được sự hài lòng về tinh thần, phát huy tư tưởng yêu thương vốn có của con người; chỉ con người có đầy đủ phẩm đức tư tưởng cao thượng, mới có thể đẩy mạnh tiến trình hài hòa xã hội.
Bài viết chính là mong muốn thông qua ý thức “tín ngưỡng” trong tự tâm của mỗi chúng ta, lấy văn hóa Phật giáo tu dưỡng để thúc tiến và xây dựng nên xã hội hài hòa.
TS. Nguyễn Phước Tâm