Du ký về những ngôi chùa vùng biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX
Vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, các tác phẩm văn học du ký viết về các vùng biển đảo, duyên hải Việt Nam bao quát hầu hết các phương diện chủ quyền và lịch sử văn hóa dân tộc, trong đó đặc biệt chú ý đến đời sống tâm linh Phật giáo và hình ảnh các ngôi chùa.
Tác phẩm du ký liên quan đến các chuyến du ngoạn tâm linh, thăm viếng cảnh quan và tìm hiểu lịch sử các ngôi chùa, gặp gỡ các sư tăng và chúng sinh đệ tử, nhận diện các di sản vật thể trong chùa và chiêm nghiệm lễ hội chùa thực sự là những giá trị tinh thần vô giá gắn với địa – văn hóa vùng biển đảo và duyên hải. Có thể ghi nhận đội ngũ tác giả tiêu biểu viết du ký ghi chép về các ngôi chùa và đời sống Phật giáo có Trần Trọng Kim, Đông Châu [Nguyễn Hữu Tiến], BA B.J., Phạm Mạnh Phan, Vĩnh Phúc, Đông Hồ, Nguyễn Văn Kiểm, Bạch Liên, Mộng Tuyết, Trúc Phong, v.v… Việc giới thiệu khái lược du ký về các ngôi chùa vùng biển đảo, duyên hải này sẽ được trình bày theo trình tự thời gian và theo hướng từ Bắc vào Nam, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.
Như là một nghịch lý, học giả Trần Trọng Kim khi từ huyện duyên hải Móng Cái (Quảng Ninh) sang Đông Hưng (Quảng Tây – Trung Quốc) đã quan sát, xác nhận và đi sâu phân tích hiện tượng thờ tự có tính lịch sử nơi xứ người: “Ở Đông Hưng có đền thờ Quan Công, có đền thờ bà Thiên Hậu, có nhà thờ đạo Thiên Chúa, nhưng không có chùa thờ Phật (NHS nhấn mạnh). Ở đấy có cái đền thờ Mã Viện làm trên cái đồi đối với Hổ Sơn bên ta. Đền ấy làm như hình con sư tử hay là con hổ gì đấy, nghĩa là ở trên cao thì có hai cái cửa sổ tròn, tức là hai con mắt nhìn ra nước ta, dưới một tí thì có một cái cửa tròn thật to, tức là miệng con hổ. Ở đàng sau có cái tháp cao độ 5, 6 thước Tây, đấy là cái đuôi. Đứng bên ta trông sang, hay là đàng xa trông lại, thì cũng có phần to lớn, nhưng đến gần đền xem thật là tồi tàn lắm (…). Ở trên bàn thờ thì thấy có một ngôi tượng bằng trạc đứa bé lên 10 tuổi nhưng trông cũng thô chuyết lắm. Tượng ấy ngồi chân phải đạp lên cái tượng bé bằng đứa trẻ độ hai tháng, nằm sấp, ngẩng đầu lên và thè lưỡi ra. Cái tượng ấy một tay cầm thanh quất giơ lên, một tay hình như nắm lấy tóc cái tượng nhỏ. Người ta nói rằng đấy là người Khách có ý làm Mã Viện đạp chân lên người An Nam. Ở dưới bộ tượng ấy lại có một tượng nữa cũng làm y như bộ trên, nhưng mười phần chỉ nhỏ bằng ba bốn phần mà thôi” (1)…”
Một học giả khác, nhà Hán học Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến cũng đến vùng biển Quảng Yên – Quảng Ninh và cùng chúng bạn đi thuyền chơi trăng. Tên ngôi chùa ở đây được điểm danh cùng những bãi cát, ghềnh, kẽm trong đêm trăng biển thơ mộng: “Trong khi đêm khuya, bóng trăng khi mờ khi tỏ, mấy anh em bảo nhau đem rượu ra để thưởng ngoạn cái cảnh đêm ở trên mặt bể, trông ra dưới bóng trăng suông thấy các ngọn núi đá chập chồng vòng quanh, nước thủy trào khi lên khi xuống, không biết được rằng thuyền đã đi được bao nhiêu đường đất, mà ta đã vượt qua được mấy vạn trùng non nước rồi! Chỉ thấy tên lái đò trỏ bảo rằng: Kia là đò Lá, cống Mương, kia là bãi cát Trương Mô, kia là Hòn Một, kia là Bẩy Giếng, về quá phía trong kia là ghềnh Phướn, kẽm Chùa; trông về phía trước kia là cặp Bìm Bìm, ông Lã Vọng. Lại quá ra nữa là ông thầy Têu, bà Thanh Lảnh. Đó đều là những tên kênh tên núi, mà người mình trông thấy cái hình trạng nó như thế nào thì đặt ngay tên nôm nó là như thế, kể ra thiên hình vạn trạng sao cho xiết được”(2)…
Chùa Hộ Quốc – Đảo Phú Quốc
Vào một ngày mùa thu tháng Tám 1935, vợ chồng ký giả BA B.J. cùng vợ chồng một người bạn rủ nhau từ cửa biển Hải Phòng đi thuyền qua Cát Hải – Hạ Lý – Hiền Hòa – Lục Độ – Hòa Hy đến Trân Châu – Bến Đám – Cát Bà, sau đó viết thiên du ký Một cuộc hành du nối dài suốt nửa cuối năm 1936 trên tạp chí Khoa học do nhà nông học Nguyễn Công Tiễu làm chủ bút. Trước khi đến làng Trân Châu, BA B.J. gặp một ngôi chùa nhỏ: “Qua cổng chùa, qua mấy mẹt hàng bán diêm, thuốc, vài củ khoai, củ từ, Không biết mua gì được, chúng tôi đi thẳng. Cái đồi ấy giồng giọt tốt nhưng không có nước đọng. Cỏ mọc chỉ sát mặt đất. Gần chân núi mới có cây con, phần nhiều là ổi. Chân núi dốc hẳn xuống chứ không làn làn. Vài con trâu đẵm trong một cái vũng mà nước đương chẩy ra bãi. Cao hơn đầu chúng tôi, một tảng đá chìa ra ngoài đến một trượng”(3)…
Trong bài Kỷ niệm Sầm Sơn, Thư ký tòa soạn Tri tân tạp chí Phạm Mạnh Phan phác vẽ cảnh “Sầm Sơn huyền ảo” và xác định Độc Cước chính là một ngôi chùa: “Sầm Sơn! Cả một bài thơ đẹp và mơ mộng! Sầm Sơn với non nghìn biệt thự xây rải rác ở các nơi theo một kiến trúc đặc biệt tối tân đã quyến rũ bao khách phương xa tấp nập… Sầm Sơn với trái núi đá quanh co khấp khuỷu, với chùa Độc Cước, với hòn Trống Mái, với bãi biển rộng rãi bao la đã là nơi tụ họp của biết bao trai tài gái sắc, đã là chỗ hẹn hò của biết bao trái tim đa cảm!”(4)… Xét về cội nguồn, Độc Cước là một vị thần, vừa là nhân vật biểu tượng vỡ ra từ thần thoại vừa được truyền thuyết hóa, cổ tích hóa và nơi đây được duy danh là đền Độc Cước(5). Về sau này, nhiều yếu tố Phật giáo và sự phối thờ Phật theo phương thức hỗn dung Nho – Phật – Đạo đã khiến đền Độc Cước tích hợp thêm tín ngưỡng cầu an và tính thiêng của tinh thần Phật giáo.
Đặt trong tầm quan sát rộng lớn, bài điều tra Một tuần ở đảo Hoàng Sa có ý nghĩa như một tác phẩm du ký công vụ của Vĩnh Phúc kể về những ngày đến thăm, kiểm tra quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và các điểm đảo Boisée (Phú Lâm), Drummond (Duy Mộng), Pattle (Hoàng Sa) và ngang qua các đảo Robert (Hữu Nhật), Duncan (Quang Hòa) do nhà nước Việt – Pháp đương thời quản lý… Bài viết không mô tả một ngôi chùa nào nhưng đã nói tới đền miếu, tượng thờ gắn với tâm thế tôn giáo, tín ngưỡng: “Trưa hôm sau tàu mới đỗ trước đảo Patle. Đảo nầy cũng bé nhỏ hơn đảo Boisée, nhưng quan hệ hơn là vì nó nằm gần bờ bể Đông Dương nhứt. Cũng như ở ba đảo kia, đảo nầy không có cây to. Ngọn đèn phare đặt về phía tây đảo, thắp bằng hơi đá (acétylène), sáu tháng phải ra thay một bận. Cách đó chừng 100 thước có một cái miếu nhỏ; sau miếu lại có một tượng đá hình người đàn bà chắp tay trước ngực. Tượng cao chừng 1m50, chạm trổ rất đẹp”(6)…
Xuôi về phươngNam, hai ký giả nhà giáo Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm trong Cảnh vật Hà Tiên đã có nhiều trang nói đến cảnh quan, đặc điểm ngôi chùa và đời sống Phật giáo. Trước hết là một số quan sát, nhận xét khái lược về những chùa Ông Tổ, Tiểu Tô Châu, Tiêu Tự:
“Bờ Đông Hồ, ngay Sở Kiểm lâm, cả mấy chục chiếc ghe củi đậu thay phiên nhau, chờ ghi sổ sách. Đường Đông Hồ đi vòng theo doi đất. Dừa trồng nhiều, nước nhấp nhô theo bậc đá rất đẹp. Có xóm Cây Da, Cốc Mù, chùa Ông Tổ gần hư sập, nhà công sở làng Mỹ Đức, rồi đến bến đò và chợ…
Chùa Trường Sa Lớn
Mé sông bên kia là bãi Kim Dữ, mấy lùm cây dương, cây bần, cây mấm rất nhiều, lá xanh tha thướt, có trận mưa nhỏ nhỏ, lá cây đẹp thêm. Ở ngoài là mũi Kim Dữ ngang Pháo Đài, ngoài nữa là mấy cồn cát. Đi về tay trái có mấy sở ruộng mới vỡ, sát mé nước có một rặng cây, ở trong có mấy gốc cây đã đốt, dừa nước dừa gáo không hiếm chi. Hàng dừa gáo mọc liên tiếp nhau cả vài trăm thước, là lề đường lộ đi Hòn Chông, Rạch Đùng. Đi lần thêm về mé tay trái là bến đò xe hơi và xóm Tô Châu. Sau xóm có núi Tiểu Tô Châu. Eo núi, có ngọn dương ngọn dừa một ngày một cao them. Chỗ đó là sân chùa. Canh khuya đêm gió nghe nhà sư gõ mõ vang râm để thức tỉnh lòng người đắm chìm bể khổ…
Quanh theo Hà Tiên, núi nho nhỏ thì nhiều. Núi nào cũng có vườn tiêu, họa cỏ, hay là danh mộc, lắm cây tốt đẹp. Trên chót núi, có nơi có chùa, có nơi lập vườn chuối, vườn thơm, có trồng xoài mít, có cây sơn chà, có bông huỳnh mai… Chiêu Anh Các cất ở lối trước chùa Tiêu Tự. Đền đài và cung điện của quan Tổng binh đại đô đốc ở về phía tả chùa ông Quan Đế, nhưng không được chắc là chỗ nào. Sau chùa còn dấu vết bờ tường ngày xưa, chỗ cao một thước, chỗ sát mặt đất, chỗ cao bảy, tám thước, bề dày gần một thước và đúc toàn đá trứng rất kiên cố. Tường rong đóng đen mà các cạnh hãy còn bén lắm… Cảnh hoàng hôn ở đây chưa kém cảnh nào: tiều phu về nhà, ngư ông gác mái, trống chùa ai đánh thì thùng”(7)…
Hai ký giả đi sâu đặc tả vẻ đẹp giếng chùa Ông trong hệ thống các loại giếng nước ngọt ở châu thành Hà Tiên: “Ao sen là một ao nước trước Trung Nghĩa Từ, sen mọc rất nhiều. Ao hình bán nguyệt, chừng 200 thước bề quanh. Ao vừa sâu vừa lớn. Ông Mạc Cửu đào ra để nuôi cá, thả sen và để giữ cho đủ thế non thế nước gần ngôi mộ vậy. Cách ao chừng mươi thước là đền thờ ngài. Bề sâu chừng năm, sáu thước, bề rộng hơn một tòa nhà. Chung quanh có hàng rào cây nẹp tre đi vòng theo. Phía nam có chừa hai khoảng, mỗi bên có nấc thang đá. Ngoài lại có tường đá xây cao lên 5 tấc, đặng chận nước dơ trên đường chảy xuống. Trước ao, ngay cửa ngõ Trung Nghĩa Từ có trồng hai cây điệp, bóng mát sum sê, tàn cao tán rợp… Ở đời con người không gạo không cơm còn chịu nổi, chứ không nước thì phải chết. Ao này chín, mười năm cạn một lần, như năm 1916 đã cạn, phải vét lại, năm 1926 lại cạn nữa. Nước ít thì thiên hạ dùng nước giếng chùa Ông, giếng Cai Quít, giếng Tượng, giếng Cai Mến. Giếng Cai Quít ở bờ đồn nhỏ, giếng Cai Mến ở gần Rạch Vượt. Tên Quít và tên Mến là tên tục hai người cai trong cơ lính, khi trước cất nhà ở gần giếng vậy. Giếng chùa Ông và giếng Cai Mến có nhiều chất vôi, nước đục đục, nấu cháo rất ngon”…
Cảm nhận về vùng ven biển Hà Tiên có nhiều núi đá, nhiều hang động, hai ký giả đặc tả cảnh quan cũng như bộc lộ cảm xúc khi chiêm nghiệm, suy tư trước thế giới tự nhiên và những gì con người tạo lập:
“Cùng nhau xuống chân núi, đi trở về mặt chánh đông, xa trông lên lưng chừng núi một cây bông điệp tròn xoe như cây tán bằng lụa hồng che mát một góc núi. Cỗi lớn cành dài, lá xanh bông thắm, có vẻ thướt tha, có chiều xinh xắn, phiêu nhiên trên cảnh không gian. Người thổ dân chỉ cho biết chỗ cây điệp ấy có cửa động, có nhà sư ở, bèn đưa đường lên coi. Kịp lên đến nơi mới biết tên động là “Bích Sơn Thanh Khê động”. Vừa vô đến cửa động thì:
Thoảng bên tai mấy tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Anh em đứng lại tâu niệm một chút cho thần hồn trong trẻo, tâm trí nhẹ nhàng, theo tiếng chuông mà tiêu dao ở những bè từ bến giác. Một ông bạn đứng bên cạnh se sẽ nói rằng: “Vô đến đây rồi trong lòng như không còn vương vấn đến việc gì nữa, lại như quên cả thân mình”.
Cho hay giọt nước cành dương,
Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên.
Vô động thì “buổi kinh ngọ” của nhà sư cũng vừa dứt, được nhà sư thừa tiếp vui vẻ. Chùa thờ những tranh Phật bán ở các tiệm Khách, chớ không có tượng nặn, trông cái quang cảnh cũng biết là chùa nghèo. Động thì bằng thẳng trong trẻo, không có gì là khuất khúc, dị kỳ, chỉ bên tả có cái thạch thất, trong có bức vách đá ngăn làm hai phòng, sẵn cái hang nhỏ làm nẻo thông, nhà sư lấy làm mật thất; đàng sau chùa có cái hang xuyên qua bên hữu động, sâu thăm thẳm, có suối nước là lạ mà thôi, nghĩ ngợi một lúc, vây lại trà bánh, nhân hỏi chuyện mới biết nhà sư vì tê tái tấm lòng, chán chê cuộc thế, mà “đem mình gởi chốn am mây”, là môn sanh họ Lão, Trang mà không phải con cháu họ Cồ Đàm. Mé nam động này lại có một cái động nữa. Thuyền trà cạn nước hồng mai, nhân có mấy chú tiểu bên ấy đến chơi mới biết, nhờ đưa về động. Đường đá, ngõ rêu, gốc cây, bụi cỏ, mỗi nét đều có chiều việt thế, phi phàm, vô trần, bất tục, mặn nhìn một vẻ một ưa. Một chập đến nơi động thênh thang quang đãng lắm. So với hai động trước thì rộng rãi sáng sủa hơn nhiều. Trong có chùa nhưng sư đã đi vắng nên mấy chú tiểu cũng chểnh mảng, không thấy hương đèn, không nghe chuông mõ gì”…
Đến đoạn cuối cùng là việc cung cấp những tri thức lịch sử, kết hợp nguồn tài liệu sách vở với hoạt động điền dã, trải nghiệm du ngoạn, du lịch, ghi chép những điều tai nghe mắt thấy mà đi đến kiến giải:
“Sách Nam Kỳ địa dư chí có một đoạn chép rằng: cách Vân Sơn (tức Thạch Động thâu vân) năm dặm về phía bắc có núi “Bạch Tháp Sơn” là do ông Huỳnh Long hòa thượng ở Qui Nhơn vân du phi tích đến đấy… Kịp xem hình thế động thì có thể tin Bạch Tháp Sơn là cửa động này được, vì cái diễn đài ở giữa động vừa nói trên kia là tạc trên hình cái “tháp trắng”. Nếu lấy hình mà đặt tên thì hai chữ Bạch Tháp đem gọi cửa động này cũng đúng lắm. Thế là núi này đã có vấn vít của cổ nhân vậy, tưởng nên điểm qua màu nhân vật mà tô cho non nước, để gợi lòng kim cổ cần thêm phát huy ra tư tưởng cho thêm mối cảnh tình với cuộc tráng du.
Huỳnh Long chân nhân pháp danh là Bạch Vân hòa thượng, lịch sử của cụ cũng khá cho là cái lịch sử ly kỳ, là cái lịch sử bán tiên bán tục. Cụ là người Tàu, nhân lúc Mãn Thanh sang chiếm nhà Minh, cụ giữ tiết không thần phục nhà Mãn mà phải vượt biển qua Nam, cũng có cái mục đích “thà là mặt khuất hơn là lòng đau”. Cụ bắt đầu sang ở Qui Nhơn; ở đó cụ mới đem thanh khâm đổi lấy cà sa mà chịu lễ tam qui. Cụ sở dĩ phải đội lấy cà sa cho ra phết ông sãi là để cho bề cụ mặc dầu nay đây mai đó, còn cụ chịu lễ tam qui là ý giả cụ nghĩ đã không có cái thủ đoạn xoay trở bổ cứu được cuộc đời thì cũng không dan díu với đời làm gì nữa cho chột dạ đau lòng, thôi thì “thân này gửi với cỏ cây cũng vừa”, để tiêu dao với tuế nguyệt là hơn. Cụ vân du cũng nhiều nơi, nhưng cụ không ở lâu chỗ nào cả, mãi sau cụ nghe ông Mạc Thiên Tích là người một hội một thuyền với cụ, ở Hà Tiên có lập cái “Chiêu Anh Các”, cụ bèn tìm tới, thế là cụ đã nghiễm nhiên là một vị trong “thập bát anh” ở Chiêu Anh Các vậy. Vì cảm tình với người tri âm tri kỷ mà rồi từ đó cụ không thể dứt hẳn cuộc đời được, vì Chiêu Anh Các là chỗ ông Mạc Thiên Tích chiêu tập những văn hào thi bá mà cũng kiêm cả chí sĩ anh hùng, là một nơi thi đàn mà cũng là một nơi hổ trướng. Trong lúc ấy có khi cụ hăng hái mà bàn luận một cái vấn đề gì về binh cơ quốc sự mà cũng có khi cụ nghêu ngao thong thả ở góc núi đầu non, hoặc là ngồi định tâm ở một nơi tĩnh thất nhàn đàn.
Thế là bấy giờ cụ kiêm cả hai cái sự nghiệp nhà tham mưu và nhà thiền sư vậy. Cho mới biết con người ta ở đời nếu chỉ biết có một cái chủ nghĩa yếm thế, giữ cái mục đích an nhàn để mặc kẻ đời thì cũng là hư, và chỉ biết có một cái chủ nghĩa lăn lóc mài miệt với cuộc đời, chìm đắm trong vòng danh lợi thì cũng là tục, kiêm cả hai cái chủ nghĩa ấy mới sẽ là con người đủ tư cách vậy”…
Trên nền tảng cảm quan Phật giáo vùng duyên hải, biển đảo, tác giả đi đến suy nghiệm, suy tư về đời người, về sự còn mất, về lẽ hưng vong, hướng đến các giá trị nhân văn và con đường giải thoát:
“Châu Nham còn đó, Bạch Tháp còn đây, kẻ lên chơi ngày nay không sao cầm được tấm lòng “cảnh cũ người xưa”, nhưng cái lòng hoàỉ cổ ở một chỗ thuyền môn thạch động thì trong trí chỉ có chút cảm phục tưởng tượng đến cái tâm thuật cao siêu, cái vận sự tiêu sái của nhà sư, vẫn khác với cái lòng hoài cổ ở một nơi “ngõ cũ lâu đài, dấu xưa xe ngựa”, phải ngậm ngùi cho cuộc tồn vong, đau đớn cho cái hưng phế. Cái sự nghiệp của dật sĩ cao nhân bao giờ cũng vẫn siêu thoát thanh cao, cái không khí ở cửa chùa rừng tía bao giờ cũng trong trẻo, nhẹ nhàng, thì cổ nhân có gì cho mình phải đau đớn, cảnh có gì cho mình phải ngậm ngùi, họa là cổ nhân có đau đớn, cảnh có ngậm ngùi cho mình thì có. Cho nên lúc ở động đi ra, trong mình thấy nhẹ nhàng như không, không phải như những khi từ giã một nơi thành hư mộ cũ nào, phải tần ngần đứng lặng, bước đi một bước dây dây lại dừng, như có một mối vô hình gì nó buộc người ta không sao dứt được.
Cho mới biết những nơi tĩnh tự nhàn am là những lá từ phàm trong khổ hải, kẻ ở đời cũng phải biết lợi dụng. Ký giả đi chơi ngày nay cũng vì một cái mục đích ấy. Giã sư giã cảnh thì đã tà tà bóng ngả về tây; đến đường cái quan xe ngựa ra về thì trời đã bảng lảng bóng hoàng hôn”…
Thêm một điều thú vị, nữ sĩ Bạch Liên với du ký Chơi xuân ở Hà Tiên trong hình thức thư từ “Gởi cho bạn Hồng Thiên – Nha Trang” cũng đắm say với “Trăng gió Đông Hồ, biển trời Nam Phố, hoa cỏ Bình San, đá cây Thạch Động” và kể chi tiết chuyện người thật việc thật chốn thiền môn:
“Còn 3 cây số nữa tới Hà Tiên, tôi không lo, tiện đường hãy vào viếng Thạch Động trước đã. Đứng dưới lộ xe dòm lên thì thấy trên đồi có một tảng đá lớn giống hình nền nhà, trên có một hòn non giống hình mâm xôi đơm vụn, chất lên trên nền ấy. Ngó bộ lắc lẻo không chắc, tôi tưởng dại: Nếu có trận giông to ắt phải ngã lăn ra từng mảnh. Nhưng dễ không, đã do tay thợ Tạo làm ra tuy mảnh khảnh như vậy chớ sá gì một trận giông to mà đến ngã sao?
Đương ngắm nghía, may gặp người đi đường, đón lại hỏi thăm xem ngả nào lên động. Theo lời họ nói thì có đường cho xe hơi chạy lên tới chân động, rồi đi bộ chừng vài ba chục thước là tới cửa động. Khi xe vừa ngừng liền thấy sư ông ra đón tiếp, chừng ấy mới hay trong động có chùa Phật. Bước vô cửa động trong lòng khỏe khoắn nhẹ nhàng, vô trong chừng nào lại càng mát mẻ chừng ấy. Nhờ có ni cô dẫn đường và chỉ rõ chỗ lên thiên đàng; chỗ hình Phật mới tượng, lại cắt nghĩa sơ những sự tích và những người đi viếng cảnh. Trong động có chỗ gọi là “Huyền Không” tương truyền rằng chỗ đó là đường lên thiên đàng. Lại có đường xuống địa phủ, nhưng bây giờ đã lấp lại rồi. Nghe ni cô nói chuyện, thỉnh thoảng tôi lại mỉm cười. Ni cô thật là một cô vãi ăn nói hoạt bát, cử chỉ lanh lẹ, ra vẻ tân thời. Cô vui vẻ thuật sơ lai lịch cô vào đây tu. Nhân đó tôi mới biết cô vào đây trót mười năm rồi, và trước kia cô là người rất mực phong lưu, đã từng lịch duyệt thế tình, sau vì chán mùi đời nên đành đem mình làm bạn với cửa không hôm sớm.
Mải nói chuyện giông dài mà quên thuật cho bạn nghe những cảnh sắc ở trong động. Nhờ có hai chỗ trống thông lên trời nên có ánh sáng vào động, cũng có chỗ tối thui phải đốt đèn. Ở ngoài động mình xem hình thế thì nhỏ, nhưng vô trong lại rộng bạn ạ. Giữa động có cất một ngôi chùa vuông vắn chừng bốn thước tây, chỗ đó là chánh điện. Trong có thờ cốt Phật và nhiều bài vị cũng như các chùa khác, chung quanh có nhiều bàn thờ của các ông, bà nào trước kia có cúng chùa, hoặc tiền bạc, đất cát. Trước chánh điện có cửa thông ra phía đường lộ nhà nước, bước khỏi bốn nấc thang thì đứng trên sả đá re ra ngoài, dòm xuống thấy con đường nhỏ mà cong queo, hai bên những ruộng và núi non, cây cối, xem rất đẹp”(8)…
Từ đây nữ sĩ Bạch Liên tỏ ý chê trách những người thiếu ý thức đã bôi vẽ lên vách động, mặt khác tức cảnh sáng tác bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, từ đó tạo nên tiếng nói “liên văn bản” và hiện tượng giao thoa thể loại, đan xen hình thức thi ca trong một bài văn xuôi du ký:
“Sau khi xem rồi, vào lễ Phật, lễ xong đi vòng ra cửa chính, chỗ mới vào lúc đầu. Ngang qua mấy chục đá thông xuống gần cụng đầu, chực nhìn lên thấy nó còn dính trên mấy tảng đá lớn một ít. Lại sợ dại, thầm nghĩ: Đâu rồi thình lình nó rớt xuống làm sao? Chung quanh trong động chỗ nào đá cũng lô nhô lẫm chẫm, lại thêm tên họ các người đi viếng cảnh viết đầy trên vách đá. Viết bằng phấn trắng cũng có, bằng mực Tàu mực Tây cũng có, thôi đầy rẫy không sót chỗ nào. Tôi đang đứng sững sờ, nửa say vì cảnh, nửa nghĩ chuyện đời, bỗng có vật gì bám chặt vào vai tôi rất nặng, giật mình ngó lại thì ra nhà tôi bảo đi.
Nãy giờ vào động mất hai mươi phút đồng hồ mà xem chưa mãn nhãn, song không thể ở nán lại được vì còn phải đi Hà Tiên đặng kiếm chỗ ngụ. Sau lời từ giã nhà sư, tôi bước ra khỏi cửa xuống tới nấc thang chót còn nghe văng vẳng tiếng chuông chùa. Tôi tiếc cảnh này quá, đứng ngó ngoái lại, thấy cô vãi dòm xuống chúm chím cười, bất giác nhớ câu: Tới đây mến cảnh mến người,/ Tuy vui đạo Phật chưa nguôi lòng trần… Thật là đúng với tấm lòng của mình lúc bấy giờ vậy. Nhân vì thưởng cảnh rồi xúc động đến tâm hồn, nên cũng đề thử một bài thơ chơi. Chỉ hiềm vì thi tứ của tôi non nớt thật thà, không được dồi dào hồn hậu như của nhiều nhà thi sĩ khác!…
Mơ ước lâu nay đã toại nguyền,
Qua chơi Thạch Động thuộc Hà Tiên.
Huyền không, Phật nổi nằm trong núi,
Thạch nhũ, Tiên sơn đứng dựa triền.
Bác ái tiếng chuông vang cửa động,
Từ bi giọng mõ vội nhà thiền.
Tang thương mấy độ ai hay chẳng,
Cảnh sắc ngày nay vẫn tự nhiên!”…
Như một sự hô ứng, nữ sĩ Mộng Tuyết trong du ký Chơi Phú Quốc đã đi thuyền qua Hàm Ninh – Dương Đông – Giếng Tiên – Suối Đá rồi đến thăm ngôi chùa biển, quan sát và cảm nhận chùa biển trong phối cảnh sinh thái biển đảo thơ mộng, thanh bình: “Chiều đi chơi chùa Quảng Tế. Chùa này là một nơi ưu thắng ở Dương Đông. Chùa cất trên một ngọn đồi cao ở bên mặt biển. Quanh chùa dọn dẹp sạch sẽ lắm, từ con đường nhỏ cho đến bậc đá thềm đều có trồng hoa cỏ. Trong vườn chùa đủ các thứ cây ăn trái, lúc nào cũng có bóng cây mát rợp. Chủ chùa là một bà vãi già trắng trẻo, khuôn mặt hiền lành phúc hậu, vô tư lự mà sống một cách thản nhiên trong cái hoàn cảnh thần tiên êm ái… Đứng trước chùa trông xuống là xóm rẫy. Thỉnh thoảng một túp nhà lá ẩn trong đám cây xanh. Rẫy ở đây phần nhiều trồng cau và dừa; thân cây cao vút, trên ngọn tỏa một chùm lá dài tha thướt, xây tròn buông rủ xuống. Đứng trên cao xa trông xuống nó có một vẻ đẹp là lạ. Đàng xa tít một rặng núi màu lam nhạt… Phía sau chùa là mặt biển. Chiều, mặt trời sắp lặn. Ánh nắng phản chiếu đỏ rực một góc trời, mấy đám mây sáng rực rỡ lửng lơ trên lưng chừng trời trông như những hòn núi cẩm thạch. Chúng tôi từ trên đồi vừa ngắm cảnh vừa đi lần xuống bãi cát. Từ trên đồi xuống bãi phải đi qua một đám cỏ, thỉnh thoảng có mấy cụm hoa nhỏ và mấy bụi tranh. Cụm hoa bụi tranh ấy khi ở xa trông như mặt biển có điểm mấy cù lao chiu chít” (9)…
Liền trong năm này lại có Trúc Phong trong du ký Tết chơi biển kể chuyện nhóm “Học trò Trí Đức học xá” gồm chín người bạn đã có năm ngày đi chơi tết bằng thuyền qua các đảo Kim Dữ – Hòn Tre – Hòn Đước – Hòn Ông – Hòn Bà Hòn Rể – Hòn Nghệ – Hòn Son – Hòn Mâm Xôi – Hòn Heo – Hang Tiền – Hòn Chong – Ba Hòn Đầm – Hòn Đụng (cách bến Đông Hồ – Hà Tiên chừng vài mươi cây số) và mô tả cảnh chùa bình dị giữa nơi ngàn trùng sóng nước:
“Ở Hòn Nghệ, ngoài 10 cái gia đình theo đạo Cao Đài, còn một chỗ có kẻ theo đạo Phật tu hành. Ấy là cái “lầu chuông”. Nói “lầu chuông” đừng tưởng tượng rằng đấy là một cái nhà lầu nhân tạo, trong có một quả chuông khổng lồ. Không, không phải thế. Thực là một cái đồi đá to, thật cao, ở xa trông giống như hình một quả chuông.
Chính là chỗ ấy, mà sáng hôm chúng tôi len lỏi lên xem. Lên xem phải mệt nhọc lắm. Chỗ thờ Phật, phải trèo dốc qua đèo đôi ba lượt. Đường đi có chỗ còn chặt hẹp vừa một người qua được, có chỗ cũng rộng rãi khang trang, tưởng chừng như đang ngồi ở giữa một cái thành bằng đá. Cây cỏ lưa thưa. Một ngọn gió thoảng qua, lá cây thì thầm. Lòng tưởng như mình không phải con của trần thế, mà đã lạc vào một cái cảnh trí thần tiên nào. Len lỏi trên con đường hang dốc: cỏ, cây, đá, thân thể có mệt thật, nhưng tinh thần được vui lắm, quên hẳn những nỗi bận lòng, mệt trí hằng ngày, chỉ chăm chút cho tới nơi cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Bây giờ chúng tôi lên tới điện. Chỗ này đất bằng, có núi bao la mặt sau, một mặt trước ngó ra biển. Quang cảnh thực là bát ngát. Cảnh thật đẹp nhưng hiềm vì cái điện mới cất: ngói, gỗ, hãy còn mới và hai người tu ở đấy: một bà vãi già với mội ông thầy chùa còn trẻ không có vẻ gì là đồ đệ của họ Thích già. Ăn nói còn màu mè, chùa chiền còn chưng dọn sửa sang cho sáng sủa sang trọng, vẻ tục mùi tiên lẫn lộn. Núi ở ba mặt, sau có đường đi đến tận ngoài trông ra biển. Nước biển thật trong, ở trên cao độ 20 thước mà còn thấy được bóng con cá lượn dưới nước”(10)…
Đến đoạn kết là những suy tư, liên tưởng về nhân duyên trong một chuyến du hành, về lẽ đạo tình đời, về thực tại cuộc sống và những buồn vui thế sự:
“Ngọn lửa ở đống củi khô phản chiếu, để tôi trông rõ cặp mắt lờ đờ mơ mộng của chị Ái Ngọc. Chị ấy đang vơ vẩn nhớ một chuyện gì. Đêm lạnh trăng mờ, cảnh khơi gợi cho tấm lòng đa cảm ấy những mối tình tứ say sưa. Thường dưới thuyền, hay trên bãi, chị ấy nói chuyện hiều hơn cả bạn đồng du. Cái vui tính chuyện nhiều vốn sẵn có ở con người phong nhã ấy. Thế mà đêm nay chị dũng cảm, cũng buồn, cũng bàng hoàng ngơ ngẩn trước cái cảnh phảng phất mơ màng, đang cái giờ thần tiên êm ái ấy.
Mà âu đó cũng là thường tình nhân loại, dầu người vui tính đến đâu, cũng vẫn riêng một nỗi buồn kín đáo, chỉ gặp ngoại cảnh xúc động là phát tiết ra ngoài rồi mới trở lại được với cái tính tự nhiên vui vẻ. Lấy triết lý mà nói, lấy con mắt bi quan mà xem thì trên cuộc đời đìu hiu vắng vẻ, gió sớm mưa chiều này, mỗi lần nghĩ đến, ai là người khỏi phát sinh một mối thê lương trù trướng! Kiếp phù sinh, đời linh lạc, nhiều khi lòng cũng đã nhủ lòng, nhưng cái đêm nay, cái đêm khêu gợi ra mối bồi hồi cảm khái:
Như thỏa, như vui,
Như sầu, như chạnh.
Hỏi khách:
Vì đâu mà vui,
Cớ sao mà chạnh!
Đọc câu thơ kia rồi mình tự hỏi mình, thực không biết được nỗi buồn từ đâu cả”…
Nói riêng về bộ phận du ký đề cập đến các ngôi chùa và văn hóa Phật giáo trên các vùng biển đảo, duyên hải Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX theo nhiều gam màu, mức độ đậm nhạt khác nhau nhưng đều thể hiện rõ vai trò, dấu ấn chủ thể tác giả trên ba phương diện chính yếu: Ý thức về chủ quyền biển đảo, phản ánh truyền thống đời sống tâm linh người dân nước Việt và cảm nhận về vẻ đẹp cảnh quan của các vùng sinh thái biển đảo tổ quốc(11)… Cho đến ngày nay, các ngôi chùa nơi đầu sóng ngọn gió trên các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết, Phan Vinh cũng như trên khắp các vùng biển đảo, duyên hải cả nước chính là sự tiếp nối cội nguồn truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời cũng là điểm tựa sức mạnh tinh thần của quân, dân vùng biển đảo trong việc khẳng định và giữ vững chủ quyền đất nước.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn
__________
(1) Trần Trọng Kim: Sự du lịch đất Hải Ninh. Tạp chí Nam phong, số 71, tháng 5-1923, tr.383-384.
(2) Đông Châu: Chơi vịnh Hạ Long. Nam phong Tạp chí, số 82, tháng 4-1924, tr.322-327.
(3) BA B.J.: Một cuộc hành du. Khoa học, số 142, ra ngày 1-12-1936, tr.674.
(4) Phạm Mạnh Phan: Kỷ niệm Sầm Sơn. Tri tân tạp chí, số 69, tháng 10-1942, tr.14-15.
(5) Xin xem Lê Như Bình: Bài học bảo vệ biển đảo qua truyện cổ Sự tích đền Độc Cước. Nghiên cứu Văn học, số 6-2016, tr.133-140.
(6) Vĩnh Phúc: Một tuần ở đảo Hoàng Sa. Tràng An báo (Huế), số 345, ra ngày 9-8-1938, tr.1+4.
(7) Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm: Cảnh vật Hà Tiên. Nam phong tạp chí, số 150-154, tháng 5 đến 9-1930. Các đoạn trích dẫn sau đều theo tài liệu này.
(8) Bạch Liên: Chơi xuân ở Hà Tiên (hai kỳ). Công luận, số 6506, ra ngày 5-4-1934, tr.5. Đoạn dẫn tiếp sau in cùng số báo này.
(9) Mộng Tuyết: Chơi Phú Quốc (hai kỳ). Nam phong tạp chí, số 198, tháng 4-1934, tr.440-443.
(10) Trúc Phong: Tết chơi biển. Nam phong tạp chí số 207, tháng 11-1934, tr.194-200. Đoạn dẫn tiếp sau in cùng số báo này.
(11) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: – Thể tài du ký trên Tạp chí Nam Phong. Nghiên cứu văn học, số 4-2007, tr.21-38.
– Vai trò chủ thể tác giả trong du ký về các vùng biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Nghiên cứu Văn học, số 8-2014, tr.3-18.