Phật Tích – Dấu ấn đầu tiên của Phật giáo Ấn Độ truyền vào Việt Nam
TT. TS. THÍCH ĐỨC THIỆN
Cách Hà Nội 25 km về phía Bắc, nằm ngang chân núi Tiên Du, còn gọi là Lạn Kha hay Phật Tích thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, chùa Phật Tích giữ vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, cùng với chùa Dâu thành lập nên trung tâm Luy Lâu – Trung tâm phật giáo đầu tiên của Việt Nam mà theo các học giả nghiên cứu là có trước hơn cả trung tâm Lạc Dương và Bành Thành của Trung Quốc.
Sách cổ kể về câu chuyện nhà sư Ấn Độ Khâu Đà La (Kalacarya) vào thế kỷ thứ 2 SCN tới lập am tu hành tại núi Phật Tích, dùng mật chú cầu mưa thuận gió hoà cho người dân Việt cho thấy chùa Phật Tích ngay từ đầu Công nguyên đã nằm trong địa bàn diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ. Nơi đây còn ghi lại dấu chân truyền đạo của nhiều nhà sư Ấn Độ như thế kỷ thứ 5 SCN có nhà sư Đạt Ma Đề Bà (Dharmadeva) tu theo Thiền tông, sau này các nhà sư Ấn Độ đã theo con đường tơ lụa vào Trung Quốc rồi đến Phật Tích như ngài Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) và thành lập nên dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi vào năm 580 tại Giao Châu.
Trung tâm giáo dục Phật giáo lớn
Lịch sử phật giáo Việt Nam cũng ghi lại rằng từ thế kỷ thứ 5 và thứ 6 SCN tại khu vực núi Tiên Du – Phật Tích đã là một trung tâm giáo dục Phật giáo lớn. Phật Tích là nơi hội tụ của nhiều dòng thiền Phật giáo: Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường… Đời Tuỳ (589-617) đã có chùa dựng trên núi Tiên Du là nơi Pháp Hiền thiền sư thuộc dòng Tì Ni Đa Lưu Chi tu tập thiền định tại đây. Theo sách Đại Nam Thiền uyển truyền đăng thì đệ tử của Vô ngôn Thông là Cảm Thành thiền sư trụ trì trên núi Tiên Du đã hoả thiêu xá lợi thầy và dựng tháp trên núi ngày 12 tháng giêng năm
Bảo Lịch thứ 2 nhà Đường (826). Sang đời Lý (1010- 1225), triều vua Thái Tôn (1028- 1053) có Thiền Lão thiền sư cùng với thiền tăng là Cứu Chỉ (1067) cùng thuộc phái Vô Ngôn Thông tu khổ hạnh trên núi Tiên Du suốt 6 năm không xuống núi, tiếng đồn tới kinh thành Thăng Long và vua Thái Tôn mấy lần tới thăm chùa. Vua Lý Thánh Tông đã cho xây Viện Từ Thị Thiên Phúc tại núi Tiên Du thờ Phật Di Lặc và lệnh xuất hàng chục tẤn đồng đúc tượng và chuông năm 1041, đến năm Long Thuỵ Thái Bình thứ 4 (1057) Lý Thánh Tông lại cho dựng ở sườn phía Nam núi Tiên Du một ngọn Bảo tháp cao 10 trượng (42 m) và tạc một pho tượng Phật bằng đá ngự trên toà sen cao 5 thước (2m10), Nhà vua còn cho dựng hàng trăm toà nhà và đặt pháp hiệu cho chùa là Vạn Phúc Tự. Đến đời vua Lý Thần Tông, năm 1129 vua khánh thành 8 vạn 4 ngàn bảo tháp bằng đất nung đặt tại Phật Tích.
Chùa Phật Tích không những là một trung tâm giáo dục Phật giáo lớn mà sang thời Trần (1225- 1400), Phật Tích còn là một trung tâm chính trị văn hoá của Đại Việt. Vua đã cho xây một thư viện lớn gọi là Viện Lạn Kha tại Phật Tích và cử danh nho Trần Tôn làm viện trưởng. Năm Quý hợi niên hiệu Xương Phù(1383), thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã tập hợp và sáng tác tác phẩm “Bảo Hoà dư bút” tại cung Bảo Hoà ở chùa, năm sau, năm Giáp Tý (1384), Ngài đã cho tổ chức thi Thái học sinh tức là thi Tiến sỹ trên quy mò toàn quốc tại chùa Phật Tích.
Sự linh thiêng và chứng nghiệm tâm linh
Đột khởi giữa chốn bình điền kề bên sông nước, núi Phật Tích tỏ ra là một nơi tụ khí linh địa. Tuy không cao lắm, nhưng Phật Tích có cảnh trí u nhã, bề thế, phía sau có núi Bát Vạn cao rộng, dãy Nguyệt Hằng (tục gọi núi Chè) đột ngột hùng vĩ làm hậu chẩm, phía trước có dòng Ngưu giang lượn quanh chân núi, rồi vòng vèo trong cánh đồng sâu, xa hơn chút nữa là dòng sông Thiên Đức. Sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng núi Tiên Du là một trong những núi thiêng của xứ An Nam và đã được tế tại Giao đàn cùng với núi sõng của Trung Quốc. Núi thiêng lại được tô vẽ bằng những ao rồng (Long trì) và đầu rồng tại giếng ngọc (Long tỉnh) càng làm cho phong thuỷ của Phật Tích – Tiên Du trở thành nơi đắc địa và là nơi quy tụ các danh tăng và hiền tài. Các danh tăng đời thứ 10 phái Vô Ngôn Thông như Tín Học thiền sư, Tĩnh Không thiền sư, Đại Xã thiền sư, Tĩnh Lực thiền sư, Trí Bảo thiền sư đều đến chùa núi Tiên Du theo học Cao tăng Đạo Huệ. Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi có thiền sư là Thiền Nham đời thứ 13. Phật Tích cũng là trụ sỏ của Thiền phái Trúc Lâm, các vua nhà Trần thường đến tu tập và du ngoạn, hằng năm đãi tiệc yến vào tiết Trùng dương tại chùa. Các nhà thơ, nhà văn hoá lớn của dân tộc như Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh đã cảm hứng những tác phẩm tuyệt tác về Phật tích như Nhật Tịch Bộ Tiên Du Sơn Tùng Kính …
Đặc biệt là chùa Phật Tích ngày nay còn gìn giữ được di hài xá lợi của Thánh tổ Chuyết Công Hoà thượng. Vào đầu thế kỷ 17 Ngài cùng học trò xuất sắc của mình là Minh Hành thiền sư đến chùa Khán Sơn ở kinh thành Thăng Long nhưng nghe danh tiếng chùa núi Lạn Kha – Tiên Du bèn đến lập am thiền và trụ trì chùa Phật Tích. Phật Tích vì vậy là trụ sở đầu tiên của thiền phái Lâm Tế tại Việt Nam. Thiền sư nguyên họ Lý tên là Thiên Tộ, trùng danh với vua Lý Anh Tông và có cùng công quả với chùa Phật Tích nên mọi người cho rằng Ngài là hậu thân tái sinh của vua Lý Anh Tông. Ngài hoá thân vào ngày Vu Lan Rằm tháng Bảy năm Giáp Thân niên hiệu Phúc Thái tức 1644 để lại nguyên nhục thân xá lợi trong tư thế ngồi thiền kiết già, các học trò đã phủ sơn tạo tượng và thờ trong khám rồng tại Nhà thờ Tổ của chùa và nhân dân trong vùng hàng năm tưởng nhớ Thánh Tổ cúng giỗ Ngài vào ngày sinh nhật mồng Hai tháng Hai âm lịch.
Sự hội nhập văn hoá
Về Phật Tích chúng ta có thể bắt gặp ở nơi đây trên nền tảng của văn hoá Đông Sơn của người Việt có dấu Ấn của văn hoá Trung Hoa, của văn hoá Phật giáo Ấn Độ và Champa…. Nằm sâu trong núi, ẩn hiện trong mỗi tảng đá, lùm cây là những câu chuyện cổ tích huyền thoại không bao giờ phai nhạt cho ta thấy được sự dung hoà, hội nhập giữa Đạo Phật, Đạo Nho, và Đạo Lão làm nên một tư tưởng đồng nguyên tạo sức mạnh cho tư tưởng Việt Nam của thời kỳ Lý – Trần vàng son trong lịch sử. về Phật Tích giữa cảnh sắc – không nơi cửa thiền tĩnh lặng mà vẫn phảng phất, bồng bềnh hương vị chốn thần tiên. Mãi mãi đi vào huyền thoại và ẩn dấu nơi đây trong những chùm hoa Mẫu đơn thắm đỏ nằm nép mình bên những tảng đá mồ côi về câu chuyện tình mộng mơ giữa chàng quan huyện Từ Thức và nàng tiên Giáng Hương…vẫn còn đó bàn cờ tiên trên đỉnh Tiên Du để rồi núi thiêng được gọi bằng cái tên Lạn Kha để ghi lại câu chuyện chàng tiều phu Vương Chất mải xem thế cờ Tiên mà cán rìu bị mục…
Những câu chuyện thần tiên đã dệt nên lễ hội xem hoa Mẫu đơn chùa Phật Tích để ngày xuân du khách lễ Phật và gửi gắm ước vọng của mình vể một cuộc sống an lạc thanh bình giữa chốn nhân gian trần thế! Văn hoá Phật giáo đã bén sâu vào nơi đây để trở thành tên làng, tên xã…vẫn còn đó Tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh hàng ngàn năm tuổi trong vị thế là một báu vật của quốc gia. Tượng Phật Tích là một pho tượng Phật có một không hai ở Việt Nam xét về cả hai phương diện tâm linh và nghệ thuật điêu khắc và đã trở thành trường phái nghệ thuật Phật Tích trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Tượng chim thần Gandhura đầu người mình chim cho thấy dấu Ấn của văn hoá Chăm pa. Hai hàng linh thú bằng đá bao gồm Sư Tử, Voi, Tê Giác, Trâu, Ngựa và những chạm khắc trên các chân tảng, những di vật còn lại của ngôi chùa cổ xưa cho thấy dáng dấp của văn hoá cung đình nơi thâm nghiêm này và có học giả đã mạnh dạn phỏng đoán rằng biết đâu có lăng mộ của các vị vua nhà Lý ở nơi đây còn chưa phát hiện! Vườn tháp đá cổ xưa với hơn 40 ngọn tháp ghi lại nơi đây dấu Ấn của Tổ tổ truyền thừa của một chốn Tùng lâm Phật đạo.
Phật Tích ngày nay – Nét truyền thống trong lòng xã hội hiện đại: Trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1946 chùa Phật Tích bị phá huỷ hoàn toàn. Ngày nay trong không khí đổi mới của quê hương đất nước, được sự quan tâm của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của các Bộ, ngành trung ương, UBND Tỉnh Bắc Ninh, huyện Tiên Du, chùa Phật Tích đang dần dần được khôi phục. Với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, nhân dân thôn Phật Tích và Phật tử xa gần, công cuộc trùng tu tôn tạo năm 1987 đã tạo dựng được ngôi Tam Bảo, Nhà thờ Hậu, Nhà thờ Tổ và Nhà thờ Mẫu. Từ năm 1991, Lễ hội Khán Hoa Mẫu đơn truyền thống vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán được khôi phục và tổ chức long trọng tại chùa vẫn giữ được những nét truyền thống từ ngàn xưa. Đặc biệt là ngôi Quán âm Viện, Trung tâm tu tập Phật Tích được khánh thành năm 2005 tạo ra một không gian sinh hoạt tâm linh tu tập, đồng thời cũng tạo tiền đề cho công cuộc đại trùng tu và khôi phục Phật Tích trong một vài năm tới nhằm đưa Phật Tích trở về với vai trò là trung tâm giáo dục Phật giáo lớn của Việt Nam.