GIỚI THIỆU LUẬN THÀNH THỰC (p2)

TT.TS.THÍCH GIÁC HIỆP

Phần 1 bài viết: https://khuongviet.com.vn/phat-hoc/kinh-dien/gioi-thieu-luan-thanh-thuc-7352/35/

III. NỘI DUNG LUẬN THƯ

Thành Thực luận tên Sanskrit là Satyasiddhi-tra, có nghĩa là chân thật, ý nghĩa của Thành Thực là sự chân thật của Tứ đế. Và còn có nghĩa nữa là bộ luận này thuyết minh nghĩa lý chân thật của tất cả Tam tạng Thánh điển Phật giáo. Tác phẩm này có tất cả 202 chương được phân chia ra là 5 nhóm, gọi là ngũ tụ. Nói chung luận lấy nghĩa chân thật của Tứ đế: khổ, tập, diệt, đạo làm trọng tâm và phân biệt tất cả các pháp ra thành 3 loại: sắc pháp, tâm pháp, phi sắc phi tâm pháp. Tổng cộng có 84 pháp.

  1.    Phát tụ: phần bài tựa của luận và luận về Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng và nói lý do tạo luận. Phần này cũng có bàn về nghĩa lý của Tứ đế. Có phẩm cụ túc…35 phẩm
  2.    Khổ đế tụ: Luận về khổ của ngũ thủ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Có phẩm sắc tướng… 59 phẩm
  3.    Tập đế tụ: Luận về nguyên nhân của khổ, nghiệp và phiền não. Có phẩm nghiệp tướng…46 phẩm
  4.    Diệt đế tụ: luận về việc diệt 3 loại tâm: giả danh tâm, pháp tâm và không tâm và có thể đạt được cảnh giới niết-bàn. Đây là kiến giải đặc biệt của bộ luận. Có phẩm lập giả danh….14 phẩm
  5.   Đạo đế tụ: phân định về định và trí. Hai loại này là phương tiện để diệt từ khổ để hiển bày niết-bàn. Trong đó trí là không, chân trí là vô ngã. Sau khi diệt trừ được phiền não mới đạt được. Có phẩm định nhân….48 phẩm
Tứ diệu đế còn gọi là Tứ Thánh đế, Tứ chân đế hay Tứ đế

IV. TRIẾT HỌC

Thành Thực chủ trương ngã không (pudgala-nyat) pháp không (dharma-nyat). Do vậy, chủ trương này trái ngược với tông Câu-xá cho rằng ngã không pháp hữu. Theo nghĩa của tựa đề bộ luận thì Satyasiddhi có nghĩa là “thiết lập sự thật”. Vì bản Sanskrit gốc của bộ luận không còn, nên có nhiều câu hỏi có phải Satyasiddhi là từ được dịch chính xác không. Đặc biệt, dùng từ Hán để dịch từ Sanskrit Satyasiddhi còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, cách dịch như thế rất phổ biến và ta xét nội dung chính của tác phẩm thì cách dịch như thế là chính xác nhất. Theo nghĩa trên “thật” liên quan đến giáo lý Tứ đế. Ngài Ha-lê-bạt-ma cho rằng giáo lý Tứ đế là trọng tâm của Tam tạng. Mục đích ngài viết bộ luận này, như ngài giải thích trong chương 36, là để làm sáng tỏ ý nghĩa Tứ đế như là một con đường đưa đến giác ngộ.

Giáo lý Tứ đế đã được những trường phái luận tạng phân tích kỹ, đặc biệt là Nhất thiết hữu bộ. Và giáo lý này được công nhận như là một việc thực hành đưa đến giác ngộ. Ngài Ha-lê-bạt-ma giải thích rõ tinh thần Tứ đế và nhấn mạnh Diệt đế và sự chứng đạt của nó. Như vậy ngài mở đầu cho phong trào mới, đặt trọng tâm vào sự diễn giải triết học, ngược với phân loại truyền thống. Tinh thần này được phát triển rộng trong Đại thừa. Như sự phát triển giáo lý Nhị đế, Tam đế, Đệ nhất nghĩa đế. Theo ngài Ha-lê-bạt-ma, tất cả vạn hữu cuối cùng đi đến Diệt đế, Niết bàn, đây là chân đế. Điều này không có nghĩa trường phái này phủ định tính thông thường và hiện hữu tạm thời của tất cả vạn hữu. Vì sự chú trọng của Ngài về Diệt đế có vẻ như là sự chấm dứt một cách phủ định. Theo cách trình bày tánh không như thế nên tông này thường được cho là “hư vô”. Sự phân loại như thế không đúng vì tuy tông này tìm kiếm sự vượt khỏi thế giới thế tục. Nó đề cập rõ ràng về quan niệm giải thoát, ví dụ như nó phân tích 84 pháp.

1 Nhị đế

Giáo lý của tông này với Tam Luận tông gần giống nhau. Thành Thực quán sát vạn hữu trong vũ trụ thành lập ra nhị môn đó là: (1) Thế giới môn, và (2) Đệ nhất nghĩa môn, tên khác của tên Chân đế và Tục đế như theo cách gọi của Tam Luận tông. Thành Thực tông nhẤn mạnh tánh không của ngã và pháp. Mặc dù chủ trương như thế, họ tin rằng họ đạt được trung đạo giữa sai lầm của thường tồn và hưu vô. Quan niệm của họ về Trung đạo được giải thích bằng Nhị đế, giáo lý đã hình thành từ thời ngài Long Thọ. Nó đóng vai trò quan trọng trong Phật giáo Đại thừa, ở mức độ Tục đế (savti satya), họ chấp nhận sự hiện hữu tạm thời của ngũ uẩn tạo thành cá nhân (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cũng như 84 pháp hiện hữu. Nhưng ở mức độ Chân đế (paramrtha satya), những thứ này được xem là rỗng không, không có tính chất thường tồn. Các nhà phê bình sau này cho rằng Thành Thực tông thật sự không đạt được mục đích Trung đạo của mình, vì họ không đưa ra được sự tương quan giữa Nhị đế trong phạm vi Đại thừa Phật giáo. Họ còn hạn hẹp ở mức độ hiểu biết lý thuyết. Hay nói cách khác họ chỉ dựa vào trí biện luận, chưa hoàn toàn bước vào kinh nghiệm tâm linh.

2  Nhân pháp giai không

Thành Thực luận chủ trương quán nhân và pháp đều không. Quán nhân không nghĩa là quán nhân ngã đều không. Nhân ngã đều do năm uẩn hoà hợp mà thành. Trong thân, tâm của chúng ta và người không có thật thể. Các luận sư tông Thành Thực thường lấy ví dụ cái bình để minh chứng cho nhân, ngã đều không. Ví dụ như cái bình là 5 uẩn, nước dụ cho thật ngã. Nếu cái bình không có nước thì gọi là bình không, trong ngũ uẩn không có thật ngã cho nên gọi chúng là không. Quán pháp không nghĩa là các yếu tố, chất liệu tạo thành nhân ngã đều không có thật thể. Chúng ta có thể lấy ví dụ cái bình, thể chất của nó không thật có. Sắc thân của chúng ta do năm uẩn hợp thành, chúng có những cái tên giả tạm. Chúng ta không tìm thấy được thực thể bên trong của chúng

3.   Phân pháp

Thành Thực phân chia các pháp ra thành 84 loại, 5 vị tương đương với hệ thống phân chia của Câu-xá. Thế nhưng có một vài điểm khác nhau giữa Thành Thực và câu-xá trong sự phân chia như sau:

1.Sắc pháp: có 14 pháp

Ngoài 10 yếu tố cấu thành ngũ căn và ngũ trần, Thành Thực thêm tứ đại: đất, nước, gió, lửa

2. Tâm pháp: có một pháp, giống Câu-xá.

3. Tâm sở pháp: có 49 pháp. Tất cả các phân loại đều giống Câu-xá chỉ trừ có phần “Bất định địa pháp” (aniyata bhmik) Thành Thực thêm 3 pháp: ghét, ưu ngủ, ngủ

4.Tâm bất tương ưng: có 17 pháp. 14 pháp của Câu-xá cộng thêm 3 pháp: Lão, tử, các pháp của người trung bình, phápchưa hiển hiện

5.   Vô vi pháp: hư không, trạch diệt, phi trạch diệt

4.   Ba loại trở ngại

Ba loại trở ngại này ngăn chúng ta đạt giác ngộ

1) Chấp giả danh: Người thường cho rằng giả danh là thật hữu. Để loại bỏ sai lầm này hành giả phải nhận rõ được tính vô thường của các hiện tượng, chúng là sản phẩm của các nhân hợp thành và như vậy chúng không.

2) Chấp pháp: Ngay cả các yếu tố, chúng hình thành các pháp giả tạm, phải được nhận rõ rằng chúng vô thường và không thật hay không có thật chất.

3) Chấp vào không: Mặc dù sự hiểu biết đặc tính không thật của danh và pháp đã đạt được, vẫn còn một khái niệm về không, điểu này cần nên loại trừ để đạt được Diệt đế, Niết bàn.

5. Phân thời giáo

1) Ngũ thời

Thành Thực tông ra đời trong bối cảnh Trung quốc đang bối rối về số lượng kinh điển của Phật giáo, giới học giả cũng như giới Phật giáo không biết đâu là giáo lý nguyên thuỷ, đâu là giáo lý phát triển. Phong trào phán giáo bắt đầu phát triển. Chúng ta có thể nói Thiên Thai tông có hệ thống pháp giáo hoàn thiện và có ảnh hưởng nhất. Hoa Nghiêm cũng có hệ thống phân chia thời giáo của riêng mình. Thành Thực cũng chia thời giáo như sau:

Cả 2 dòng truyền Nam và Bắc đều đồng quan điểm về: (1) Ngũ thời phán giáo, (2) Nhị đế luận.a.   Tam thừa biệt giáo: tức là vì mỗi hạng người mà nói các loại pháp khác nhau, vì Thinh văn nói Tứ đế, vì Bích chi Phật thuyết Thập nhị nhân duyên, vĩ Đại thừa thuyết Lục độ, như kinh A-hàm

b.  Tam thừa thông giáo: giáo lý thông cả 3 thừa, như kinh Bát nhã, Thành Thực

c.   Ức dương giáo: tán dương giáo lý Bồ tát thừa, chê bai giáo lý Thinh văn, như kinh Tịnh Danh, Tư ích

d.  Đồng quy giáo: giáo lý khai 3 thừa cuối cùng đưa đến một Phật thừa, như kinh Pháp Hoa

e. Thường trụ giáo: giáo lý chủ trương Phật tính thường trụ, như kinh Niết-bàn.

2) Tam giáo

a. Đốn giáo: tiêu biểu như kinh Hoa Nghiêm

b. Tiệm giáo: tức Tam thừa biệt giáo (kinh A-hàm), Tam thừa thông giáo (kinh Bát Nhã, luận Thành Thực), ức dương giáo (kinh Tịnh Danh, kinh Tư ích), Đồng quy giáo (kinh Pháp Hoa), Thường trụ giáo (kinh Niết-bàn)

c. Bất định giáo: tiêu biểu như kinh Thắng Man, kinh Kim Quang Minh

6   Lý thuyết về tâm

Luận sư nói rằng diệt 3 loại tâm gọi là diệt đế. Nghĩa là giả danh tâm, pháp tâm và không tâm.

Dùng trí đa văn nhân duyên để diệt giả danh tâm. Giả danh tâm tức tâm chấp trước, chấp ngã

Dùng không trí diệt Pháp tâm. Pháp tâm tức tâm chấp pháp

Dùng Diệt tận định để diệt không tâm. Không tâm tức tâm chấp không

V.   KẾT LUẬN

Có nhiều tranh cãi về nguồn gốc tư tưởng Thành Thực, đa số cho rằng Thành Thực thuộc Kinh Lượng bộ có khuynh hướng Đại thừa. Nội dung luận thư vẫn dựa trên quan điểm Tứ đế truyền thống. Mức độ cao nhất của quá trình tu chứng tâm linh theo chủ trương của Thành Thực là quả vị A-la-hán. Do điểm này nên tông Thành Thực được xem là Tiểu thừa, mặc dù giáo lý của nó rất gần với Đại thừa.

Tài liệu tham khảo

  1. Matsunaga, A. & D. Foundation of Japanese Buddhism, Vol I, Tokyo: Kenkyusha Printing Co., 1974.
  2. Dutt, Nalinaksha., Buddhist Sects in India, Delhi. Motilal Banarsidass Publishers, 1998.
  3. Đại Chánh Tân tu Đại tạng kinh, vol. 32.1646.
  4. Kalupahana, David J., (ed.) Buddhist Thought & Ritual, Delhi: Motilal Barsidass Publishers, 2001.
  5. Trần Thế Hiền, Thành Thực Luận Tam Tâm Tư Tưỏng chi Nghiên Cứu, Đài Loan: Phụ Nhân đại học Triết học nghiên cứu sở, Trung hoa dân quốc 89.
  6. Yoshinori, Takeuchi, (ed.) Buddhist Spirituality: Indian, Southeast Asian, Tibetan, Earty Chinese, Vol. 1, Delhi: Motilal Banarsidass, 1995


(Trích đăng từ Tạp chí Khuông Việt số 1)

Bình luận
Tin cùng chuyên mục