KHÁI QUÁT TƯ TƯỞNG PHẬT HỌC VUA TRẦN NHÂN TÔNG TRONG CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ

THÍCH THANH ĐẠT*

Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là ông vua thứ ba đầu triều Trần[1] sinh trong hoàng tộc có truyền thống mộ Phật[2], từ nhỏ ông đã được theo học Phật pháp với người thân trong gia đình[3], thường ăn chay trì giới[4], đã trốn đi xuất gia, nhưng không thành[5], phải lên ngôi vua từ (1279-1293); có công trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi (năm1285 và 1288). Sau ông xuất gia trên núi Yên Tử, lấy pháp hiệu Hương Vân Đại Đầu đà, hoằng đạo 9 năm (1299 – 1308), lập ra Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm, đời sau tôn Ngài là Phật, có ảnh hưởng sâu rộng trong lòng dân tộc Việt Nam.

Ngài đã để lại nhiều tác phẩm, có nội dung phản ánh cả việc đời việc đạo, trong đó có bài phú Cư trần lạc đạo được xem là cốt tủy trong việc tu hành. Về ngữ văn Ngài dùng ngôn ngữ thuần Việt là chữ Nôm; tuy nhiên lối văn cổ lại nhiều từ ngữ, khái niệm Phật học, điển tích Phật giáo và những hình tượng miêu tả ẩn dụ đến nay không còn thông dụng, … Ở đây, tác giả căn cứ vào bản Quốc ngữ của thiền sư Thích Nhất Hạnh, mạo muội phân loại các câu cú, có nội dung tương đồng, quy nạp vào trong ba phạm trù chính: giải – hành – nguyện[6]. Các phạm trù này, dựa theo sự tu học của Ngài, cụ thể ngay từ nhỏ khi học đạo với người thầy là Tuệ Trung Thượng sĩ, Ngài đã có những thắc mắc, nghi vấn về việc ăn chay, giữ giới, rồi cuối cùng, Ngài được giảng giải và ngộ ra bản pháp, thốt lên: “Ta bỗng nhiên thấy được lối ngộ nhập bèn vén áo thờ”[7]. Như vậy, tuệ học – giải ngộ của vua đã được khai mở rất sớm. Sau đây, xin lược trích một số câu, đoạn để minh chứng cho sự trình bày trên.

  1. Về giải

Hội thứ 2: Biết vậy! Miễn được lòng rồi; chẳng còn phép khác. Gìn tính sáng, tính mới hầu an; nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác. Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương; dừng hết tham sân, mới lảu lòng mầu viên giác. Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.

Hội thứ 3: Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc; sơn lâm chẳng cóc, họa kia thực cả đồ công.

Hội thứ 4: Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật, Tổ Tây Đông; chứng thực tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc. Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca; cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di Lặc. Chuyển tam độc mới chứng tam thân; đoạn lục căn nên trừ lục tặc.

Hội thứ 5: Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội; lãy tam huyền, nông tam yếu, một cắt một ma. Vậy mới hay: Bụt ở cong nhà; chẳng phải tìm xa. Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt; đến cốc hay chỉn Bụt là ta.

Hội thứ 6: Thực thế! Hãy sá vô tâm, tự nhiên hợp đạo. Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm; đạt một lòng thì thông tổ giáo. Nhận văn giải nghĩa, lạc lài nên thiền khách bơ vơ; chứng lý tri cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo. Han hữu lậu han vô lậu, bảo cho hay the lọt duộc thưng; hỏi đại thừa hỏi tiểu thừa, thưa thẳng tắt lòi tiền tơ gáo. Nhận biết làu làu lòng vốn, chẳng ngại hề thời tiết nhân duyên; chùi cho vặc vặc tính gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo.

Hội thứ 8: Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ; phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cốc.

  1. Về hành

Hội thứ nhất: Mình ngồi thành thị; nết dùng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính; nửa ngày rồi tự tại thân tâm. Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý; thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.

Hội thứ 2: Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay; vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc. Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quí nửa thiên cung; dầu hay mến thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.

Hội thứ 5: Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể; cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.

Hội thứ 6: Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân; học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo. Vàng chưa hết quặng, xá tua chín phen đúc chín phen rèn; lộc chẳng còn tham, miễn được một thì chay một thì cháo. Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm; ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.

Hội thứ 8: Chưng ấy: Chỉn xá tua rèn; chớ nên tuyệt học. Lay ý thức chớ chấp trằng trằng; nén niềm vọng mựa còn xóc xóc. Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu; săn hỷ xả, nhuyến từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc. Rèn lòng làm Bụt, chỉn xá tua một sức giồi mài; đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc. Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay; trọng Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc. Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo; rất thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi lọt lọc.

  1. Về nguyện

Hội thứ 3: Nguyền mong thân cận minh sư, quả bồ đề một đêm mà chín; phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đơm bông.

Hội thứ 5: Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận; ơn Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha.

Riêng Hội thứ 7: Nói đủ cả GIẢI – HÀNH – NGUYỆN

GIẢI – HÀNH: Vậy mới hay: Phép Bụt trọng thay; rèn mới cốc hay. Vô minh hết bồ đề thêm sáng; phiền não rồi đạo đức càng say. Xem phỏng lòng kinh, lời Bụt thốt dễ cho thấy dấu; học đòi cơ tổ, sá thiền không khôn chút biết nay. Cùng căn bản, rửa trần duyên, mựa để mấy hào ly đương mặt; ngã thắng tràng, viên tri kiến, chớ cho còn họa trữ cong tay. Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước; cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tính thức thuở nay.

Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo; mến đức cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.

NGUYỆN – HÀNH

Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận; đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay. Nghĩa hãy nhớ, đạo chăng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo; miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay. Đặc biệt Hội thứ 9 và 10 thuần nói về GIẢI

Hội thứ 9:

Vậy cho hay: Cơ quan tổ giáo, tuy khác nhiều đàng, chẳng cách mấy gang. Chỉn sá nói từ sau Mã Tổ; ắt đã quên thuở trước Tiêu Hoàng. Công đức toàn vô, tính chấp si càng thêm lỗi; khuếch nhiên bất thức, tai ngu mảng ắt còn vang. Sinh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ; thân bồ đề, lòng minh kính, bày dơ mặt vách hành lang. Vương lão chém mèo, lại trẩy lòng ngừa thủ tọa; thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng.

Chợ Lư Lăng gạo mắc quá ư, chẳng cho mà cả; sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang. Phá táo cất cờ, đạp xuống dấu thiêng thần miếu; Câu Chi day ngón, dùng đòi nếp cũ ông ang. Lưỡi gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, trước nạp tăng no dầu tự tại; sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt hượm sá nghênh ngang. Đưa phiến tử, cất trúc bề, nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn; xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang.

Thuyền tử rà chèo, dòng xanh chửa cho tịn tẩy; Đạo Ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái quàng. Rồng Yển lão nuốt càn khôn, ta xem chỉn lệ; rắn Ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt giang. Cây bách là lòng, thác ra trước phải phương Thái bạch; bính đinh thuộc hỏa, lại trở sau lỗi hướng thiên cang. Trà Triệu lão, bánh Thiều dương, bầy thiền tử hãy còn đói khát; ruộng Tào khê, vườn Thiếu thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang. Gieo bó củi, nẩy bông đèn, nhân mang mới nết; lộc đào hoa, nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang.

Hội thứ 10:

Tượng chúng ấy: Cốc một chân không; dùng đòi căn khí. Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông; há cơ tổ nay còn thửa bí. Chúng Tiểu thừa cốc hay chửa đến, Bụt sá ngăn Bảo sở hóa thành; đấng Thượng Sĩ chứng thực mà nên, ai ghẽ có sơn lâm thành thị. Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao; chiền vắng am thanh, chỉn thực cảnh đạo nhân du hý. Ngựa cao tán cả, Diêm Vương nào kể đứa nghênh ngang; gác ngọc lầu vàng, ngục tốt thiếu chi người yêu quý. Chuộng công danh, lồng nhân ngã, thực ấy phàm ngu; say đạo đức, dời than tâm, định nên thánh trí. Mày ngang mũi dọc, tướng tuy lạ xem ắt bẳng nhau; mặt thánh lòng phàm, thực cách nhẫn vàn vàn thiên lý.

Phần cuối là bài kệ:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.

Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch;

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

Đây là lời kết, chỉ rõ sự tu Phật pháp bất ly thế gian giác. Nghĩa là: Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, đói đến thì ăn mệt ngủ liền, trong nhà có báu thôi tìm kiếm, đối cảnh vô tâm hỏi chi thiền. Như vậy:

                           Tùy duyên mà tự tại

                            Bởi nhận rõ bản lai

                           Nên không còn trở ngại

Như trên đã trình bày, trong 10 hội, ta thấy các phạm trù phần lớn được phản ánh xen kẽ, chỉ có hội thứ 9 và 10 là nói chuyên về Giải. Tuy nhiên, ba phạm trù GIẢI – HÀNH – NGUYỆN đều có mối liên quan mật thiết với nhau không thể tách rời trong việc tu tập; từ nhận thức đến thực hành, từ thực hành tới mục đích, cụ thể: Từ tiệm tu tiệm ngộ – tiệm tu đốn ngộ; đốn ngộ tiệm tu – đốn tu đốn ngộ. Qua bài phú này, còn cho thấy sự thâu tóm tất cả giáo lý Tiểu thừa – Đại thừa cũng như trong các pháp môn tu tập của các tông phái như: Thiền Tông, Duy Thức Tông, Tịnh Độ Tông, Luật Tông và cả các tông giáo khác như Đạo giáo, Khổng giáo và văn hóa bản địa đương thời. Thật là bậc toàn giác, dung nhiếp mọi tư tưởng, xứng danh Phật hoàng được cả dân tộc tôn sùng.

Cuối năm 1299, Nhân Tông từ bỏ hoàng cung lên núi Yên Tử xuất gia, tu theo hạnh đầu đà, lấy pháp hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà. Phạm trù: Là khái niệm hàm chứa chung nhất, khó xác định trong khuôn khổ một lý thuyết nói riêng hay ngành khoa học nào đó nói chung. Phạm trù được dùng trong việc hệ thống hóa kiến thức qua quá trình nhận thức, trong đó chúng đóng vai trò ấn định tên cho đề mục. Phạm trù ghi giữ các lớp kiến thức, các giai đoạn và các yếu tố của quá trình nhận thức, vì thế nó thuộc về hệ thống quản lý kiến thức. Phạm trù cho phép liên hệ bất cứ kiến thức nào với triết học và ngược lại, liên hệ triết học đến bất kỳ lĩnh vực kiến thức nào.

* Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội

[1]Trần Thái Tông (1225-1258), Trần Thánh Tông (1258-1272), Trần Nhân Tông (1278-1293), Trần Anh Tông (1293-1314),Trần Minh Tông (1314-1329)…

[2] Xem Khóa hư lục của Trần Thái Tông

[3] Tức Trần Tung – Tuệ Trung Thượng sĩ – Anh của Mẹ vua

[4] Sách Tam tổ thực lục ghi: Năm 21 tuổi Nhân Tông lên ngôi hoàng đế, nhưng nguyện vọng của ông vẫn thiết tha với đạo, trong giấc ngủ ông còn mơ thấy Đức Phật ngự trên toà sen… Không những thế, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày rất đạm bạc, chay tịnh, thường dùng hoa quả rau xanh, không dùng thịt cá, nên thân thể gầy yếu đến nỗi Thánh Tông trông thấy con thương khóc, nói: “Ta nay già rồi, trông cậy một mình con, nếu con như vậy thì thịnh nghiệp của tổ tông biết làm thế nào ? ”

[5] Sách Tam tổ thực lục cho biết: “Vào giờ Tý một đêm kia, vua vượt thành ra đi, định vào núi Yên Tử, nhưng khi vào đến chùa Tháp, núi Đông Cứu thì trời vừa sáng, lại vì quá mệt nên phải vào nghỉ trong tháp. Vị Tăng chùa ấy thấy vua tướng mạo khác thường, liền đem thức ăn lên mời. Ngày hôm đó, Thái hậu đem chuyện ấy thuật lại đầy đủ với Thánh Tông. Thánh Tông sai quần thần đi tìm khắp bốn phương, bất đắc dĩ vua phải trở về”.

[6] Theo Từ điển Phật học Hán – Việt, Giải có hai nghĩa: 1. Nghĩa là thích, tức thích nghĩa văn để trừ bỏ nghi ngờ, còn gọi là giải thích hoặc giải nghĩa; 2. Nghĩa là tri giải, tức là do việc nhìn ra nghĩa lý mà hiểu sâu sắc. Nói giải là để đối lại với hành, như nói tín giải, lĩnh giải, ngộ giải, liễu giải…; Hành là tạo tác của thân, khẩu, ý; Giải hành là tri giải (hiểu rõ) và tu hành; Hành nguyện là hành động của thân và ý nguyện của tâm, hai tướng này trợ giúp nhau làm nên việc lớn; Nguyện, theo Pháp giới thứ đệ, quyển Hạ “tự chế lòng mình gọi là thể. Chí cầu mong làm được gọi là nguyện.

[7] Xem Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục

Bình luận
Tin cùng chuyên mục