Lễ Vu lan trực tuyến: Đừng nghĩ sẽ không trọn vẹn lòng thành kính

Nhiều người dân và phật tử lo lắng cho rằng không trực tiếp tới các chùa hành lễ sẽ không trọn vẹn lòng thành kính?

Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cho rằng cần có những cách tuyên truyền, vận động nhân dân, phật tử có cách nhìn nhận đúng đắn. Bởi Phật ở trong tâm. Không phải sắm sửa lễ nghi thật lớn mới là lòng thành?

Mùa lễ Vu lan năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc thù khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Trong bối cảnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích tổ chức đại lễ Vu lan trực tuyến, chuyển tâm thiện thành hành động thiết thực.

Tháng 07 hằng năm là tháng Vu lan báo hiếu, lễ hội văn hóa không riêng của phật tử mà của nhân dân nhằm tri ân, báo ân, báo hiếu cửu huyền thất tổ, tri ân anh linh các anh hùng liệt sĩ. Đây là sự kết hợp giữa văn hóa Phật giáo với truyền thống tri ân, báo ân của dân tộc Việt Nam. 

Phật tử có thể đăng ký cầu siêu trực tuyến

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, dịch bệnh này về cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến cục bộ ở một số địa phương, vì vậy tinh thần chung của Hòa thượng, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam là nhắc nhở thực hiện tốt việc phòng, chống dịch.

Ảnh minh họa

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có nơi vẫn tổ chức đại lễ Vu lan nhưng có những tỉnh Giáo hội có văn bản yêu cầu không tổ chức. Khuyến khích các khóa lễ Vu lan, lễ hội Bông hồng cài áo tổ chức dưới hình thức trực tuyến để có mùa Vu Lan trọn vẹn trong bối cảnh chống dịch.

Người dân có thể đăng ký cầu siêu trực tuyến để các chư Tôn đức làm lễ. Như vậy vẫn đảm bảo được nhu cầu tâm linh, đảm bảo sự thành kính và bày tỏ lòng tri ân…”

Báo hiếu thế nào cho đúng trong mùa Vu lan? 

Nhiều người dân và phật tử cũng lo lắng cho rằng không trực tiếp tới các chùa hành lễ sẽ không trọn vẹn lòng thành kính. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cho rằng cần có những cách tuyên truyền, vận động nhân dân, phật tử có cách nhìn nhận đúng đắn. Bởi Phật ở trong tâm. Không phải sắm sửa lễ nghi thật lớn mới là lòng thành.

Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng, không cần lo tổ chức trực tuyến sẽ làm bớt đi sự trọn vẹn về đạo hiếu. Quan trọng nhất là ta có thực tâm thành kính hay không. Vu lan để nhớ công dưỡng dục sinh thành, được thể hiện bằng hành động thiết thực. Người còn cha mẹ hãy yêu thương chăm sóc. Ai mà cha mẹ quá vãng thì dành thời gian tưởng niệm và hành động thiết thực như đăng ký cầu siêu cho cha mẹ trực tuyến hay ủng hộ quỹ phòng chống dịch, cưu mang người khó khăn yếu thế. Đó là cách hồi hướng công đức cho ông bà tổ tiên.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Chính phủ đang tập trung vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, xu hướng thuyết pháp trực tuyến, thực hành bày tỏ nghi lễ trực tuyến cũng là xu hướng văn minh trong tương lai. 

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, phân tích nguồn gốc của lễ Vu lan trong đạo Phật, nhấn mạnh, lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những đại lễ quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Tuần lễ Vu lan vào dịp tháng 07 âm lịch, chính lễ vào ngày rằm tháng 07.

Tinh thần của đại lễ Vu lan trong đạo Phật là dạy con người sống thực hiện việc báo ân – báo hiếu, Phật dạy con người có 04 ân nặng (tứ trọng ân): Ân phụ mẫu sinh thành (ân cha mẹ), Ân thầy bạn dạy răn, Ân quốc gia xã hội, Ân chúng sinh đồng loại.

Như vậy, lễ Vu lan báo hiếu không chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà còn mang tính xã hội, tính giáo dục đạo đức sâu sắc. Lễ Vu lan đã trở thành truyền thống văn hóa thiêng liêng, là ngày lễ có sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam và các nước Á Đông theo Phật giáo. 

Trên thực tế, vào dịp lễ Vu lan, không ít người dâng lễ cúng linh đình, thế nhưng không phải ai cũng hiểu hết đạo hiếu và ý nghĩa báo ân trong mùa Vu lan. Lễ Vu lan tổ chức vào rằm tháng 07 trùng với tết Trung nguyên theo phong tục Trung Hoa là ngày mở cửa ngục (xá tội vong nhân) nên dân gian hay gọi tháng 07 là tháng cô hồn. Vì theo thuyết này vào dịp rằm tháng 07 là dịp mọi người tiến cúng phẩm vật không chỉ cho gia tiên tiên tổ mình mà còn tiến cúng cho thập loại cô hồn (tháng 07 ngày rằm xá tội vong nhân).

Tinh thần này được thể hiện rõ trong văn tế thập loại chúng sinh của đại thi hào Nguyễn Du, một tác phẩm thể hiện hài hòa tinh thần báo ân, báo hiếu của Đạo Phật và tư tưởng hiếu đạo của Đạo Nho. 

Thượng tọa cũng nêu tình trạng một số người ưa cúng lễ rềnh rang, mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã vô tội vạ nhưng lại đối xử với cha mẹ không tốt, thậm chí hắt hủi cha mẹ, ông bà. Đây là sự suy đồi đạo đức, không hiểu đúng tinh thần báo ân báo hiếu của Đức Phật dạy. “Trong kinh Phật dạy: “Dù cho vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi khắp thế gian này cũng không đền đáp được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ…”

Đại lễ cầu siêu ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 tại Học viện Phật giáo tại Hà Nội vừa qua, được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của 500 Tăng Ni sinh, được Cấm túc trong Học viện từ 16/3 AL để phòng chống dịch bệnh.

Đại lễ Vu Lan năm nay, Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội sẽ trang nghiêm tổ chức trực tuyến với sự tham dự của 500 Tăng, Ni sinh và chư Tôn đức. Đây là những Tăng Ni sinh đang thực hiện cấm túc tại HV từ ngày 16/3 âm lịch đến nay để phòng chống dịch bệnh. Đến nay, đã có hàng ngàn phật tử đăng ký.

Chương trình Đại lễ sẽ được phát trực tuyến trên Facebook: Học Viện Phật Giáo Việt Nam Tại Hà Nội  Khuông Việt Online, các Phật tử quan tâm có thể Like, theo dõi facebook để biết thêm nhiều thông tin cũng như chương trình chi tiết về buổi lễ.

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Học viện Phật giáo Việt nam tại Hà Nội

Đc: Xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Tp. Hà Nội

*Gmail: hocvienphatgiaohanoi@gmail.com

*Ngân hàng Vietinbank – Chi nhánh Bắc Thăng Long.

Số tài khoản : 116000144830

*Thầy Thích Đạo Mẫn – Chánh Văn Phòng, SĐT: 0981766899

*Thầy Thích Bản Tường – Trưởng ban Nghi lễ, SĐT: 0989088399

*Sư cô Thích Hạnh Phương – phụ trách tiếp nhận trai phạn cúng dàng, SĐT 0962303145

Năng Lượng

Bình luận
Tin cùng chuyên mục