Du ký viết về xứ Phật Campuchia nửa đầu thế kỷ XX

                                                        PGS. TS. NGUYỄN HỮU SƠN*

  1. Trong giới hạn cụ thể, thông qua thể tài văn học du ký của người Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX, chúng tôi tập trung giới thiệu diện mạo Phật giáo Campuchia thuộc miền hạ lưu tiểu vùng sông Mê Kông. Khác với các công trình khảo cứu chuyên sâu, tác phẩm văn học du ký của tác giả người Việt Nam đều in đậm dấu ấn chủ quan của người viết trong các chuyến đến thăm các ngôi chùa, tham dự lễ hội và nhận xét về tâm thức, lối sống, cảnh quan các ngôi chùa ở Campuchia mà tác giả đã đi qua. Việc nhận diện Phật giáo ba nước qua thể tài du ký nửa đầu thế kỷ XX sẽ được mô tả, xem xét ở từng nước trên ba phương diện chủ yếu: Dấu ấn đời sống tâm linh Phật giáo truyền thống – Cảnh quan các ngôi chùa – Lời bình luận của tác giả.
  2. Lược qua các tác phẩm du ký của người Việt đến xứ Phật Campuchia giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX như J. Trần Kim Kinh với Một buổi chiều nơi cảnh Phật (1930), V. Ng. Ch. với Võ Môn và Tam Cấp (1934), Thế Nhu với Điều tra ở Cao Mên (1935), Vân Thi với Lễ đưa nước hằng năm ở Cao Miên (1935) và Ngó vô phong tục người Cao Miên – Vấn đề phụ nữ (1936), Võ Nhan Cư với Trên mặt nước từ Tân Châu về Nam Vang (1936), Thái Hòa với Mắt thấy tai nghe (Lưu trú Cao Miên) (1939), Tô Tử với Tết ở Nam Vang (1939), Thanh Giản với Lễ cử hành trồng cây Bồ đề tại kinh đô Nam Vang (1939), Ưng Quả với Vũ nữ Chân Lạp (1943),… chúng tôi tập trung giới thiệu, nhận diện lịch sử và đời sống văn hóa – xã hội Phật giáo Campuchia qua năm tác phẩm tiêu biểu của năm tác giả là X. với Đi Nam Vian chơi và J. Đ. với Đi chơi nơi Ruines D’angkor, cả hai đều in trên Nam Kỳ địa phận (1917, 1922); Nguyễn Tiến Lãng với Chơi Angkor (Đế Thiên, Đế Thích – Cao Miên) in trên An Nam tạp chí (1932); Đinh Gia Thuyết với Ông Sãi Cao Miên và Thái Hòa với Chúng tôi đi Cao Miên, đều in trên Đuốc tuệ (1938, 1939)…

2.1. Trước hết, tác giả ẩn danh ký tên X. với du ký Đi Nam Vian chơi đã kể về chuyến du ngoạn cả bằng đường ô tô và tàu thủy: “Vậy tảng sáng sáu giờ tôi đi xe hơi tại Sài Gòn chạy thẳng lên Trảng Bàng, lại tới Gò Dầu Hạ, chở xe hơi qua đò rồi đi thẳng qua Soài Riêng, riết luôn tới Kompong – Trà Béc, sau hết thì tới Banam đúng mười hai giờ trưa. Đường được một trăm năm chục ngàn thước tây. Tới đó có tàu hãng Tây chực sẵn, xuống đi liền năm giờ chiều tới Nam Vian (cũng gọi Nam Vang, Nam Vinh, nay là thủ đô Phnôm Pênh – NHS thêm). Cộng lại đi từ Saigon lên Nam Vian có mười một giờ mà thôi. Thực là mau quá; nghĩ lại ông bà khi trước đi cả tuần cả tháng thì hết sức ngán”[1]

Từ đây tác giả kể về hiện trạng du nhập, tồn tại mới cũ tất cả các giáo phái Phật giáo, Thiên Chúa, Thánh Mẫu và phác thảo sơ lược một vài nét đời sống tinh thần và thực hành Phật giáo nơi đây:

“Thầy sãi, bà vãi, thầy chùa, thầy pháp không biết là bao nhiêu, ra đường ngó thấy thầy sãi ăn mặc đồ thì ngó coi như kiến vàng, trong ổ mới ra đi tứ phía. Tại Nam Vian đi đường nào cũng gặp hoặc là chùa Cao Mên hoặc là chùa các chú, không biết bao nhiêu mà kể. Ngõ nào cũng thấy một chú thầy sãi đi bơ vơ, chỗ lại thấy thiêu đốt xác người chết…

… Sẵn đây tôi sẽ nói sẵn về một vài sự dị đoan Cao Mên. Chùa ở tại đền vua Cao Mên lớn tốt lắm, có hai bụt thần quý trọng vô giá và dưới đất thì lót bạc từ miếng mỏng, song tôi không lấy làm lạ gì, vì vua giàu có muốn tốn hao cách nào cũng được. Tôi lấy làm lạ một sự nầy mà thôi, là xung quanh vách tường chùa thì có vẽ nhiều thù hình; có một cái hình vẽ chỗ gì không biết, mà có đủ hình phạt, ai tội gì thì phạt theo tội nấy. Người mê rượu chè thì có quỷ dộng vô họng một chai lửa, vân vân. Ấy vậy thì đạo Phật nầy cũng dạy ngày sau có chỗ để phạt kẻ có tội như đạo Thiên Chúa dạy vậy.

Tôi thấy có người Cao Miên đang để xác một người chết trên một đống củi mà thiêu ra tro, mùi bay ra nghe muốn mửa, rồi hốt tro đó mà bỏ vô một cái lu để dành, tôi hỏi họ sao không chôn lại thiêu xác cho tiêu mất như vậy, thì họ trả lời bởi sợ ngày sau không ai lo đến xác người chết nữa; thì tôi nhớ đến phận người có Đạo cũng vậy, ta chết rồi biết có ai nhớ đến phần linh hồn ta không, chớ chi ta biết lo trước như vậy cho linh hồn ta như người Cao Miên lo trước cho xác vậy, thì bây giờ ta lo cầu hồn gởi lễ cho thương hầu ngày sau các Đấng lo lại cho linh hồn ta, chớ trông gì con cháu, bà con quen lớn nhớ tới ta đâu”…

2.2. Đến tác giả Công giáo J. Đ. với du ký Đi chơi nơi Ruines D’angkor in liên tục 12 số trên Nam Kỳ địa phận đã mở đầu bằng việc kể về chuyến đi từ Sài Gòn qua Phnôm Pênh rồi tranh thủ đến thăm cố đô Uđông có tượng Phật bề thế: “Sẵn có xe hơi nên chúng tôi đi chỗ kia gọi là Ouđông xa Nam Vang được 34 ngàn thước. Nơi nầy là chỗ mồ mả chôn cất các vua Cao Mên khi trước. Ở đó có nhiều nóng ở gần nhau. Trên một nóng có một cái dinh Cao Mên lớn, cao được chừng mười thước tây, ở trong cột tròn lớn được thước tây bề trung, coi kịch cộm. Có một hình Phật bằng gạch, sơn nước vàng lớn cá thể, choán gần hết nửa bề dài cái dinh. Hình Phật nầy ngồi, thì ở dưới vuông vức ít nữa là mười hai thước, còn đầu thì đụng khít trên nóc đỉnh”[2]

Rồi từ Phnôm Pênh, tác giả theo đường thủy đến thăm Angkor và cảm nhận về miền đất Phật với sự pha tạp nhiều tôn giáo, tín ngưỡng:

“Nội cả và miền nước ta bên nầy thì có một mình nước Cao Mên là đầy dẫy những cuộc nhà cửa đền đài cất cách lạ lùng và cả thể, nhiều xứ khác ở xa không dám bì. Thứ nhứt là ở Angkor đây thì là lạ quá trí, cho nên người phương Tây và các nước khác, Langsa, Hồng Mao, Huê Kỳ, Nhựt Bổn, vân vân, mỗi năm đều luôn tới đền Angkor mà coi cho được, như là một sự lạ kia ở dưới thế, không nệ công lao khó nhọc đường xa xôi, tốn của mà đi cho tới. Nghĩ như vậy mà mình ở gần kề một bên mà không đi tới thì là uổng quá.

Angkor là nơi khi trước, hồi đời thứ năm sau Chúa giáng sinh, có một thứ dân Chà Và kia gọi là Hiudous đến mà lập đền đài về ở và lập thành lũy trọn hơn tám đời sau nữa. Ấy là theo sách nói như vậy, song nhiều sách không giống nhau, có khác trại nhau, vì truyện xứ Angkor nầy là lâu đời lắm, không biết dân Hiudous tới đây có ý gì mà làm công chuyện cả thể như vậy, rồi sau bỏ đi đâu mất, đến bây giờ người ta lên thì thấy nào những đền đài hư nát nên gọi là Ruines, còn dân ở thì đâu mất hết, kéo nhau đi đâu, hay là tuyệt nòi tuyệt giống đến đỗi không còn thấy ai ở hết, coi như xứ hoang, cây cối mọc cùng ngó như trong rừng vậy, vì là hoang không biết mấy đời nay”…

Đến thăm khu đền, tác giả tỏ ra đặc biệt khâm phục tầm vóc kỳ vĩ và tài năng người xây dựng:

“Đi coi Angkor thì phải là dửng dưng, tới đâu thì phải lắc đầu chắc lưỡi, kêu trời kêu đất, kêu ông kêu cha, vì thật là cả thể lạ lùng quá, hèn chi lẻ ngoại bởi tín dị đoan, nên nói là tiên trên trời xuống mà làm việc nầy.

Mà thật nghĩ lại mà coi: ở Angkor thì không có núi non chi hết, mà lấy đá ở đâu đặng đem lại đó mà cất đền đài cả thể minh mông, đi vô coi thì mỏi chơn mỏi giò mới hết một cuộc đền đài, lại cao hơn năm bảy chục thước tây. Sự lớn và sự cao nhà quan chánh soái hay là nhà thờ Đức Bà ở Saigon sánh lại với đền đài chùa miễu ở Angkor thì coi như không. Đá núi miếng nào miếng nấy bằng trương cái tủ, mà không biết khi trước họ làm sao mà đem lên trọn y nguy lên tới năm bảy chục thước cao, chẳng những vậy lại miếng đá nào cũng là trạm trổ đục cách khéo léo, rồi đem lại mà ráp lại với nhau vừa khít, không trật một mét, và chồng miếng nầy trên miếng kia, không hồ vôi, ciment gì hết, mà sao nó dính với nhau, không ngả. Sau nữa, nhà bằng đá như vậy thì biết là nặng nề bao nhiêu, mà sao còn có chỗ thì nhà còn đứng y nguy không lúng. Không hiểu hồi đó họ dùng cách nào mà làm nền chắc dữ tợn vậy. Mấy đời nay, dông gió cũng chẳng vừa gì đâu, mà sao có chỗ vẫn còn đứng sững?

Thiệt là lạ lùng quá! Việc cả thể như vậy thì là công cán thợ thầy biết là mấy ngàn mấy muôn con người ta!

Tôi đã có đi bên thành Rôma, bên nước Italia, cũng có thuật truyện trong Nam Kỳ địa phận rồi, song tôi tưởng cuộc đền đài đời xưa cất trong Rôma thì cũng sánh không được với cuộc Angkor nầy nữa”…

Khi đến thăm các đền Ăng co Thom, Ăng co Vat, người viết chủ ý phân tích và nhấn mạnh hình thể, chiều sâu ý nghĩa tinh thần của các tượng Phật và vị thế tư tưởng Phật giáo:

“Coi hình Phật thì biết đời trước trong Angkor thờ hai thứ đạo: Đạo Bouddha và đạo Brahma trộn với nhau, vì có chỗ thấy hai thứ bụt dựng hình gần nhau.

Thứ nhứt ở Angkor Thom và Bayon, thì bấy nhiêu hình Phật Brahma, có bốn mặt, cả thể lắm. Phật nầy kêu là Caturmukha, nghĩa là bốn mặt. Phật nầy có bốn tay, cầm cái Véda, một xâu chuỗi lần, một cái bình đựng tiền bố thí, một cái muỗng để tế lễ, cỡi một con ngỗng sơn vàng gọi là Hamsa, hay là ngồi trên một cái bông sen ở trong rún Phật kia mọc lên gọi là Vishnou, nằm ngửa trên mặt nước.

Phật Vishnou nầy họ kêu là một vị Phật lo cho cả và trái đất đặng bình an luôn. Phật nầy cũng có bốn tay, cầm đĩa, búa và cái gì nữa đó, ngó không ra. Thường thấy chạm hình Vishnou nằm ngửa trên mặt nước như mới nói trên đây, hay là cưỡi con Garouda là một con chim lạ kì: đầu chim, hay là có khi đầu cọp, mình và tay người, có cánh, thân dưới thì như cọp, còn bắp đuôi thì có vảy như cá.

Còn nhiều thứ Phật trong đạo Brahma nữa. Phật Civa, mình đeo một con rắn và một sợi dây chuyền bằng sọ người; cỡi một con trâu rừng trắng gọi là Nandin, cầm chĩa ba, da cọp. Có khi chạm hình Phật nầy trần truồng, tóc thắc đuôi, ngồi dạy dỗ dân trong rừng. Có lẽ hình ông vua Cuối ở tại Angkor Thom là hình Civa nữa chăng?

Phật Cakti hình đờn bà, thường vẽ ngồi gần bên chồng. Có Phật khác nữa là Indra, Ganeca, Kama, Skanda, Kubéra, Gaudharva, Ápsaras, Kinnaras, Cânaras, Siddhas và Vidyadharas. Tôi kể ra cho hết, không có ý biểu ai thờ, song cho ai đặng đi Angkor, nghe tới mấy tên đó thì mới hiểu là gì.

Còn đạo Bouddha thì thờ Phật Bouddha, là một người kia sanh ra năm 560 trước Chúa giáng sinh. Tên thiệt Siddhata, hay là Gautama, ăn học giỏi và cũng là quan võ giỏi. Có vợ và một đứa con tên là Rahula. Đó là nhắc lại một chút chuyện đạo Bouddha mà thôi, và cho đặng nhiều kẻ dị đoan đừng còn tin rằng là tiên trên trời nào đâu xuống đất mà cất đám Angkor nầy, vì kẻ cất đó cũng là người ta, như tôi đã nói rồi lúc trước, và thật là người ta, chớ không phải tiên gì đâu, vì người ấy cũng là thờ Phật khác là Brahma và Bouddha, cũng là người ta nữa mà thôi”…

2.3. Ký giả Nguyễn Tiến Lãng qua thăm đền Angkor Thom cảm nhận: “Cửa thành từ xa trông đã rõ vẻ nguy nga vĩ đại. Bề cao độ chừng sáu, bảy thước tây, đá xám điểm trên rêu mờ, trên nóc chạm bốn cái mặt người bốn góc: bốn cái mặt khổng lồ, dài rộng chừng ba, bốn thước tây, mắt đăm đăm, miệng mỉm nụ cười, dưới bóng mặt trời buổi trưa càng lộ nét lạ lùng khiến cho khách du như sợ như mê, tấm lòng bát ngát. Hai bên cái cổng đó là tường thành bao bọc chung quanh chốn kinh đô cũ, trên tường đá xen lẫn cỏ cây mấy đám um tùm”[3]…; tiếp đó là sự miêu tả cụ thể, chi tiết: “Đường đi quanh quất, hai bên đường, ở trước dải rừng biếc, trên tấm cỏ xanh ló ra đền đài đình tạ, lại có những chỗ gọi là nền đất khi trước có lâu đài xây trên nhưng lâu nay lầu đài đã đổ tàn thì chỉ còn lại mấy mảnh tường trên bãi cỏ và còn nền xây bằng đá có chạm tượng khắp chung quanh. Thấp thoáng vừa đi xe qua vừa trông như vậy, này đài Bái Ôn (Bayon), nọ nền cung vua thủa trước (Place royale), đây nữa là nền “những ông voi” (Place des éléphants); đền đất như vậy, vì quanh nền đền chạm tường vôi, “nền ông vua hóa hủi” (Terrasse du Roi lépreux), đặt tên thế vì trên đó có cái tượng đá, người ta gọi là tượng Ông Vua, mà tượng ấy lại có rêu mọc lốm đốm khắp mình, chẳng khác nào người hóa hủi. Đài Bái Ôn chót vót như muốn chống đỡ giời xanh, gồm lại năm mươi cái tháp chạm, bốn mặt khổng lồ, xa trông đã lắm vẻ ly kỳ, nhận kỹ lại càng tráng lệ. Chúng tôi định để đến chiều mát hãy qua chơi vì hiện nay nắng gắt giữa lúc quá trưa, cảnh đài ấy lại toàn bằng đá, đường đi như hang như hốc xen vào, các tháp đã bị nắng nấu nung, nếu đem dấn mình vào, tất là vất vả lắm”…

2.4. Trường hợp học giả Đinh Gia Thuyết lại dựa vào tài liệu của người anh em gửi Từ Campuchia về để giới thiệu, nhận diện, phân tích, bình luận: “Phật giáo nhập cảng xứ Cao Miên, không rõ có từ thế kỷ nào, nhưng hiện nay, khắp tỉnh 240 vạn người Miên, đều theo tôn giáo Thích Ca, ta có thể ví nước Cao Miên là nước Ấn Độ thứ hai, nghĩa là một nước toàn tòng Phật giáo. Ông Sãi là người thay mặt Phật, là người đã xuất gia đầu Phật, tức như các bậc đạo sư, Tăng thống của ta. Theo bản tổng kê của chính phủ Cao Miên, thì những người đi tu là ông Sãi được trừ sưu, cả thảy có đến 30.000 vị. Nguyên ở thành phố Nam Vang có chừng 40 ngôi chùa Đường Thổ và 7, 8 ngôi chùa của người ta, mỗi chùa ít nhất cũng độ 5 ông Sãi. Ông Sãi có nhiều hạng khác nhau”[4]

Sau khi phân tích, dẫn giải các phương diện “Nói về phục sức”, “Nói về ẩm thực”, “Nói về bảo bối” của các ông Sãi, học giả Đinh Gia Thuyết đi đến xác định mối quan hệ Phật giáo Việt – Miên và kỳ vọng phong trào chấn hưng Phật giáo phương Đông: “Mục đích của hội Chấn hưng Phật giáo, các giáo hữu ta đều đã rõ, tôi không cần phải truế từ. Nay nhân ngày Phật đản tôi có cái vinh hạnh được hầu chuyện các ngài, từ câu chuyện ông Sãi Cao Miên, sang câu chuyện tăng thống nước nhà, tôi chỉ xin đem quan niệm về tiến trình của Phật giáo nói phỏng bàn qua, giữa ông Sãi (Cao Miên) với ông Sư (Bắc Kỳ) đều là những người trượng Phật pháp, chủ trương các cảnh triền già, là ông thầy cả, là vị mục sư của các tín đồ, tôi dám mong các ngài thể lòng lân mẫn chúng sinh của Phật Tổ Như Lai mà lưu tâm đến nền Phật học, dù phái Tiểu thừa hay phái Đại thừa, để giúp cho hội Chấn hưng Phật giáo của Bắc Kỳ và viện Institut Bounddhique của chính phủ Cao Miên, được có cái kết quả mỹ mãn tốt tươi, cho nền Phật giáo ở Viễn Đông trở lên một tôn giáo cường thịnh trên hoàn cầu, thực là công đức vô lượng, phúc đẳng hà sa”…

2.5. Lại nữa, cư sĩ Thái Hòa trong đoàn Hội Phật giáo Bắc Kỳ qua Thanh Hóa, vào Huế thăm Hội Phật giáo Trung Kỳ, vào Sài Gòn thăm Hội Phật giáo Nam Kỳ rồi vượt ba trăm cây số tới Phnom Pênh. Cư sĩ Thái Hòa quan sát và nhận xét về sắc thái Phật giáo nguyên thủy Nam phương: “Bổn phận sư là chúc tụng cầu phúc cho quốc dân, bổn phận dân phải chăm chỉ cúng dâng các sư mọi sự ăn uống cần dùng. Nước Cao Miên nhỏ hơn nước ta nhiều, mà hiện nay có ba mươi sáu nghìn (36.000) vị sư, thuần đi khất thực, mà dân Cao Miên những hạng vô gia đình rất nhiều, chung quanh thành phố Nam Vang, chúng tôi nhận ra mỗi một nhà có gia đình hằng ngày phải lo nuôi sống lấy hai vị sư, lại còn phải lo cúng những tấm áo Cà sa quí giá nữa, một ông ba tấm, mỗi tấm mười đồng bạc trở lên”[5]

Nhận thức về sự khác biệt, Thái Hòa có đoạn đối thoại cởi mở, chân thành, thú vị: “Có một điều ngạc nhiên là nhân dân có người già bẩy tám mươi tuổi, vào chùa hay gặp sư ở đường quỳ xuống lậy, mà tự sư ấy cứ điềm nhiên không nói câu gì, đầu cũng không gật, mà người lạy kia cũng không lấy thế làm phàn nàn, vưỡn cứ gia công lậy mãi. Một hôm tôi hỏi mấy ông sư: Người ta lễ các ông sao các ông không đáp lễ? Như thế người An Nam chúng tôi cho là khiếm nhã, kiêu mạn. Các ông ấy giả nhời rằng: Chúng tôi vận sắc vàng, hình tượng chúng tôi cũng như hình tượng chư Phật, người ta lậy chúng tôi tức là lậy Phật, thế ông thử coi người ta lậy Phật, tượng Phật có nói năng và gật đầu không? Tôi nói người ta lậy tượng Phật, tuy Phật không gật đầu, nhưng giả có kẻ nào vô đạo đánh đập tượng, hay có vị Bồ tát phá chấp như ngài Đau-bà mà mang đốt tượng Phật đi, thời tượng ấy cũng không giận. Như bây giờ tôi thử hỏi các ông, người ta lậy các ông, các ông mần ngơ, ngộ người ta đánh mắng các ông, các ông có cự lại không? Các ông ấy nói rằng: Nếu họ hành động trái đạo thế, họ sẽ bị đọa Địa ngục. Tôi nói họ không tin Địa ngục, vả chăng tượng là một thứ Vô tri, nay các ông chưa hoàn toàn giác ngộ, mà lại tự đặt mình vào cái địa vị Vô tri, thời sao có giác ngộ được? Các ông ấy nói: Vô tri mới cận đạo. Rồi các ông ấy lại nói mấy câu cũng ám hợp với bài kệ trong Tam kinh rằng: Ví như người gỗ mà thấy con chim bằng giấy, người gỗ đã vô tình, mà chim giấy thấy người cũng không sợ, tâm đối với cảnh đã như thế, thời lo gì đạo Bồ đề không thành. Tôi nói đó là nói lấy cái nội tâm mà đối trị với cảnh phiền não ở ngoài, chứ đây là người ta lễ các ông, không phải là cảnh phiền não, mà sao lại vin vào mấy câu ấy được, như thế tôi e lạc vào ngoan không, thế rồi mấy ông nói lảng đi chuyện khác”…

Đến đoạn kết, Thái Hòa nhấn mạnh xu thế hiện đại hóa cũng như tính tương đồng và đôi nét khác biệt Phật giáo Việt – Miên: “Một buổi chiều tôi vào trong nhà thư viện Phật học của nhà vua Cao Miên, một cái nhà to bằng nhà trường Bác cổ Hà Nội, trong chùa đầy kinh sách chữ Ba-ly và chữ các nước khác, còn chữ Hán thời không có. Một gian riêng chứa đầy kinh bằng Bối diệp, tôi đếm vừa được 1200 cuốn. Lá Bối nó giống như lá dừa của ta nhưng dầy hơn và bền hơn, mỗi mảnh chiều rộng hơn một tấc ta, chiều dài một thước rưỡi, chữ viết hai mặt, ở giữa hai chỗ dùi hai lỗ để xâu giây, mà giây để lỏng, ngoài lại có hai mảnh gỗ khá dầy làm bìa, có giây trong để chịt. Lại trong nhà trường này, bà đầm Cắp-lét làm chủ, có bốn vị Đại đức và hơn mười người Cao Miên đang dịch bộ Đại tạng chữ Phạn ra chữ Cao Miên. Các vị ấy nói với tôi rằng: Công việc phiên dịch này làm nhanh cũng phải mất 200 năm, như thế đủ biết Phật giáo ở Cao Miên còn kém ở ta về đường nghiên cứu. Ta theo chữ Hán mà Đại tạng kinh của ta, các tổ đã dịch ra chữ Hán hơn một ngàn năm nay, mà Cao Miên bây giờ mới bắt đầu phiên dịch ra chữ bổn quốc. Song le, về đường hình thức tín ngưỡng thời Phật giáo ở Cao Miên hơn ta nhiều, bởi vì được nhà vua tán thành nên quốc dân phục tòng một cách triệt để”…

  1. Thực tế trên cho thấy ký giả người Việt đặc biệt khâm phục truyền thống văn hóa Phật giáo Campuchia qua việc đến thăm các di tích đền đài, chùa tháp. Qua các trang viết, tác giả thể hiện khả năng quan sát và bộc lộ tiếng nói của chủ thể, lời bình luận, đánh giá, ngợi ca khi được đến tận nơi chiêm bái dấu tích một nền văn minh cổ, rực rỡ và huy hoàng. Có thể xác định thể tài du ký giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX đã góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc và giúp cho người Việt Nam hiểu biết nhiều hơn về lịch sử – văn hóa Phật giáo cũng như đất nước và con người đất nước láng Campuchia. Từ đề tài này chúng tôi hy vọng hướng tới sưu tập, xuất bản được công trình Du ký về những ngôi chùa Campuchia nửa đầu thế kỷ XX, góp phần vào việc nhận diện đặc điểm Phật giáo ba nước Đông Dương trong tổng thể truyền thống, lịch sử và quá trình phát triển Phật giáo vùng sông Mê Kông.

* Viện Văn học

[1] X (1917), “Đi Nam Vian chơi”. Nam Kỳ địa phận, số 444 năm 1917, tr.491-493; số 445 năm 1917, tr.509-519; số 447 năm 1917, tr.540-542; số 448 năm 1917, tr.553-555. Các trích dẫn tác phẩm đều theo tài liệu này.

[2] J. Đ (1921-1922), “Đi chơi nơi Ruines D’angkor” (In 12 kỳ). Nam Kỳ địa phận, từ số 658 (ra ngày 13-10-1921, tr.636-638) đến số 670 (ra tháng 1-1922, tr.13). Các trích dẫn tác phẩm đều theo tài liệu này.

[3] Nguyễn Tiến Lãng (1932), “Chơi Angkor (Đế Thiên, Đế Thích – Cao Miên)”. An Nam tạp chí, số 5, ra ngày 1-12, tr.17-19. Đoạn dẫn sau đều theo tài liệu này.

[4] Đinh Gia Thuyết: Ông Sãi Cao Miên. Đuốc tuệ, số 92, ra ngày 1-9-1938, tr.15-26. Đoạn dẫn sau đều theo tài liệu này.

[5] Thái Hòa: Chúng tôi đi Cao Miên. Đuốc tuệ, số 103, ra ngày 15-2-1939, tr.11-17. Các đoạn dẫn sau đều theo tài liệu này.

Bình luận
Tin cùng chuyên mục