Học viện Phật giáo Hà Nội: Đào tạo sau đại học khẳng định vị thế của giáo dục Phật giáo
Sáng nay, tại Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội tổ chức cuộc họp bàn về nội dung đào tạo sau đại học tại Học viện.
Tham dự cuộc họp có Hòa thượng Thích Thanh Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học Viện; Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Viện trưởng Học viện Phật giáo; Giáo sư Lương Gia Tĩnh – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cùng một số nhà khoa học, nhà chuyên môn tham dự.
Nội dung cuộc họp nhằm rà soát các vấn đề liên quan đến hệ sau đại học, từng bước ban hành bộ quy chuẩn, xây dựng hoàn thiện theo chuẩn cụ thể.
Giáo sư Lương Gia Tĩnh – Phó Viện trưởng, Trưởng phòng đào tạo Học viện khẳng định, vấn đề đào tạo sau đại học rất quan trọng, khẳng định uy tín, ảnh hưởng của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung đối với xã hội. Học viện không chạy theo về số lượng mà tập trung đào tạo tốt nhất về chất lượng giáo dục.
“Đây là khoá đầu tiên đào tạo sau đại học tại Học Viện Phật giáo tại Hà Nội nên không tránh được những thiếu sót từ khâu quản lý, đội ngũ khoa học. Chính vì vậy, sự đóng góp ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, giảng sư, giảng viên của các học viện phật giáo trong cả nước và các trường đại học là rất có ý nghĩa để tiếp tục hoàn thiện các chương trình giảng dạy và bộ quy chuẩn cho Học viện”, GS Tĩnh nói.
Tại cuộc họp các giảng viên bày tỏ ý kiến về việc cần phải xây dựng công cụ quảy lý ngay từ các khâu đầu tiên như xin phép, hồ sơ lý lịch khoa học phải đầy đủ từ lúc đầu sau đến lúc bảo vệ thành công.
Với hệ thạc sĩ thống nhất áp dụng theo 03 bước: Đề cương, Bảo vệ cơ sở, Bảo vệ chính thức, khuyến khích có tối thiểu 01 bài đăng trên các tạp chí nghiên cứu làm căn cứ cộng điểm, hội đồng khoa học gồm 05 người.
Hệ tiến sĩ thống nhất áp dụng thêm bước Gửi phản biện kín và khuyến khích có tối thiểu 02 bài đăng trên các tạp chí nghiên cứu và Hội đồng khoa học gồm 07 người.
Chú ý đến quy cách, nội dung trình bày, đưa ra biểu mẫu chung các học viên và nghiên cứu sinh, tham khảo bộ quy chuẩn chung theo từng bước các trường đại học lớn khác như Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội…
Ngoài ra tiến hành mời các nhà nhà nghiên cứu và xây dựng danh sách các giáo sư, các nhà khoa học của Học viện, với nhiều lĩnh vực, chuyên môn. Từ đó, hướng dẫn cho các học viên và nghiên cứu sinh, chọn đề tài, và người hướng dẫn phải có chuyên môn phù hợp phù hợp với đề tài.
Năng Lượng