Gây ác nghiệp khi phóng sinh không đúng cách
Giáo lý đạo Phật đều dạy rằng, phóng sinh không nên nặng phần hình thức, tránh cho các sinh vật phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm. Bởi có khi chúng phải mất mạng trước khi được ta phóng thích.
Công đức của phóng sinh
Phóng sinh là một nét đẹp, thể hiện lòng từ bi của người tu tập đạo Phật. Tuy nhiên, có một thực tế buồn hiện nay là người phóng sinh thì nhiều mà người hiểu tường tận để làm đúng ý nghĩa phóng sinh thì chưa được bao nhiêu.
Phóng sinh có thể hiểu là việc làm thể hiện lòng từ bi, mong muốn đem an lạc hạnh phúc đến cho tất cả chúng sinh. Lễ phóng sinh thường được các chùa tổ chức cho phật tử vào thời điểm cuối hoặc đầu năm nhằm mong cầu bình an, giải bớt ác nghiệp. Nguồn gốc của phóng sinh lần đầu tiên được biết đến qua lịch sử của đức Thích Ca khi ngài còn là một vị thái tử Tất Đạt Đa.
Nhiều nguồn sử lược về Phật giáo chép rằng, một lần Đề Bà Đạt Đa – anh em chú bác với Đức Phật đã giương cung bắn trúng một con chim thiên nga đang tự do bay trên bầu trời cao rộng. Thiên nga ấy rơi vào trong khu vườn của thái tử.
Nhìn thấy thiên nga đang quằn quại trong cơn đau dữ dội, với lòng từ bi của một vị thái tử mới 9 tuổi, ngài đã nâng thiên nga ôm vào lòng, chăm sóc vết thương, cẩn trọng tìm chỗ trú an toàn.
Bằng tình thương vô bờ ấy, không bao lâu vết thương của thiên nga bình phục hoàn toàn, vỗ cánh bay cao trong không gian bao la và không quên cất tiếng vui mừng tỏ lòng tri ân đối với người đã cứu mình. Sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề, suốt gần 50 năm thuyết pháp độ sinh ngài vẫn luôn đề cao tinh thần từ bi, bất sát.
Trong kinh Phạm Võng Phật dạy: “Người con Phật vì lòng từ bi mà làm việc phóng sinh và khuyên bảo người khác làm. Nếu thấy người sát sinh thì nên tìm cách cứu cho chúng được thoát khỏi nạn khổ”.
Thực tế, hiện trong hệ thống kinh kệ Đức Phật lưu lại vẫn tồn tại không ít lời khuyên nhủ về lợi ích của các pháp bố thí cúng dường. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh rằng, không phân biệt bậc tu xuất gia hay tại gia, muốn trường thọ, khỏe mạnh phải phóng sinh.
Theo Pháp sư Viên Nhân trong cuốn “Lợi ích của việc phóng sanh” thì “Phóng sinh tức là nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, kinh hoàng lúng túng, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Như vậy tức là hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống”.
Tương tự, Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện cũng dạy rằng: “Chúng sinh thương yêu nhất là sinh mạng, chư Phật thương yêu nhất là chúng sinh. Cứu được thân mạng chúng sinh thì thành tựu được tâm nguyện của chư Phật”.
Trong kinh Ưu Bà Tắc, Đức Phật dạy: Nhân quả báo ứng như bóng theo hình. Sát sinh thì oan oan tương báo đời đời kiếp kiếp không dứt. Khi phóng sinh là ta đã cứu mạng chúng sinh tức là đã gieo trồng thiện nhân. Một khi đã gieo trồng thiện nhân thì nhất định sẽ được thiện quả.
Ngược lại, nếu ai phê bình, cản trở người phóng sinh là trồng ác nhân ắt sẽ bị quả ác báo. Đạo lý của việc phóng sinh là nhắc nhở chúng ta cố gắng gieo trồng thiện nhân để gặt hái thiện quả.
Tốt nhưng phải biết cách
Hiện nay, có một thực trạng dễ thấy là, một số Phật tử mua chim, cá để phóng sinh nhưng họ không thả ngay mà đem vào chùa chờ các bậc chân tu làm lễ chú nguyện rồi mới thả.
Hay trong những dịp lễ lớn hoặc ngày rằm, một số Phật tử gọi điện thoại đến chỗ bán chim, bán cá, bán lươn phóng sinh để đặt số lượng mua để phóng sinh… những hành động này vô tình khiến ý nghĩa thiêng liêng của lễ phóng sinh bị vẩn tạp. Gián tiếp gây ra cách hiểu và tham ngộ giáo lý đạo Phật có phần sai lạc.
Cần phải khẳng định, trong kinh Phật không có bộ nào quy định là phải phóng sinh vào những ngày lễ, ngày rằm. Việc nhiều Phật tử tổ chức phóng sinh thường lệ vào ngày rằm, ngày lễ lớn xuất phát hoàn toàn từ thói quen. Và chính thói quen này vô tình tạo điều kiện cho những người cố tình săn bắt thật nhiều loài vật để đem bán trước cổng chùa hoặc nơi tập trung nhiều Phật tử qua lại, làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc phóng sinh.
Nhiều ý kiến cho rằng, phóng sinh là cơ hội để con vật có điều kiện quy y Tam Bảo và sám hối nghiệp chướng, tu tập đạo Phật. Do thể hiện lòng đại từ đại bi nên trong nghi lễ phóng sinh thường có nghi thức quy y, sám hối cho con vật trước khi phóng sinh. Quả thực, trong Kinh Nhật Tụng có khái lược nghi lễ phóng sinh, có thể triển khai thành một số bước như: Đọc Chú nguyện, tụng Chú Đại Bi, kệ giải nghiệp, Quy y Tam Bảo, Hồi hướng…
Mặc dù kinh sách diễn giải các bước thực hành nghi lễ phóng sinh có cảm tưởng dài và phức tạp. Tuy nhiên, thực tế ở các chùa nghi lễ trên đều được triển khai khá ngắn gọn nhưng đủ sức tế độ.
Riêng với phật tử hoặc người tu tập tại gia, việc phóng sinh hoàn toàn có thể tự thực hiện mà không cần phải đợi ngày rằm, mùng một để lên chùa khấn nguyện, làm lễ.
Để phóng sinh trở thành một lễ thông dụng, trang web Phatgiaoaluoi… tóm lược: Trước khi phóng sanh, chúng ta nhiếp tâm chú nguyện đơn giản để khuyến phát tâm Bồ đề và để cho chúng gieo duyên lành với Phật Pháp: “Nam mô A Di Đà Phật (3 lần). Hôm nay, tôi gặp quý vị là có nhân duyên với nhau, nguyện nhiều đời làm quyến thuộc Bồ Đề, xin quý vị sám hối nghiệp chướng và quy y Tam Bảo”.
Sau đó đọc tiếp: “Chúng sanh xưa nay tạo ác nghiệp, đều do ba độc tham sân si, từ thân miệng ý mà sanh ra, nay đối trước Phật cầu sám hối. Nam mô Cầu sám hối bồ tát (3 lần). Chúng sanh quy y Phật, chúng sanh quy y Pháp, chúng sanh quy y Tăng. Chúng sanh quy y Phật không đọa địa ngục. Chúng sanh quy y Pháp không đọa ngạ quỷ. Chúng sanh quy y Tăng không đọa súc sanh (3 lần). Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo”.
Thực tế, các giáo lý đạo Phật đều dạy rằng, phóng sinh không nên nặng phần hình thức, tránh cho các sinh vật phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm. Bởi có khi chúng phải mất mạng trước khi được ta phóng thích.
Về mặt hình thức, phóng sinh có nghĩa là đừng cùm kẹp mà để cho các loài vật được tự do. Còn về nghĩa bóng, phóng sinh là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham, cái tâm đố kị, hơn thua và thù hận… ra khỏi con người để thân tâm được tự do. Ý nghĩa sâu xa của việc phóng sinh trong đạo Phật là như vậy chứ không như nhiều người vẫn lầm tưởng là mua con chim, con cá nhốt lại rồi đợi thời, đem đi thả.
Có một điểm đặc biệt là, trong một buổi lễ phóng sinh phần quan trọng nhất không phải các nghi thức như: đọc Chú nguyện, tụng Chú Đại Bi, kệ giải nghiệp hay Quy y Tam Bảo… Trái lại, phần hồi hướng công đức lại mang tính trọng tâm hơn cả.
Tại sao như vậy, bởi lúc chúng ta phóng sinh chúng ta không bám chấp vào công đức, không nghĩ rằng ta làm việc này chắc chắn sẽ có nhiều công đức… thì đương nhiên công đức sẽ được tích tập. Phóng sinh chính là hành thiện, làm một việc tốt một cách không toan tính.
Phóng sinh (Tsethar) là một hành động và nghi lễ truyền thống trong Phật giáo chỉ cách thực hành để cứu súc vật, chim chóc, cá… khỏi bị giết hại hay giam nhốt.
Phóng sinh thường được hiểu đơn giản là khi gặp một con vật bị nạn, thì ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết, thì bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Phóng sinh là trao cho sinh vật nào đó cơ hội tiếp tục sống.
>>Xem thêm: Phóng sanh và sự nhiệm mầu chuyển nghiệp
Theo Sơn Bình/Báo Pháp Luật