Trao đổi ý kiến về bài viết “Bàn về việc thỉnh oan gia trái chủ và Dâng sao giải hạn”

GIÁC QUẦN

Chúng tôi có nhận được phản hồi từ độc giả Trinh Le (PGS.TS. Lê Bá Trình) với bài viết “Bàn về việc thỉnh oan gia trái chủ và Dâng sao giải hạn” đã đăng trên khuongviet.vn, ngày 29-9-2021 như sau:

“1. Tác giả nói linh hồn (tâm thức) của người chết trú tại Thân trung ấm 49 ngày hay thời gian lâu hơn trước khi tái sinh vào Lục độ. Điều này có đi ngược lại với quan điểm “vô ngã” của giáo lí: Ngũ uẩn với tâm thức đều vô ngã, không có gì bất biến?

2. Nói Ngạ quỉ có thể ban ơn, làm hại người, vậy giữa các cõi: Trời, Thần, Người, Súc sinh, Ngạ quỉ, Địa ngục có mối liên hệ với nhau như thế nào mà từ cõi này lại đi báo oán ở cõi khác?

3. Vong linh – Ngạ quỉ làm sao hiểu được kinh Phật để sám hối tội lỗi, trong khi ở trần thế cũng không phải ai cũng hiểu được kinh Phật (lời Phật dạy)?

4. Ai là người có quyền chấp nhận sự cầu mong của thân nhân vong linh – ngạ quỉ để họ được hồi hướng công đức, giảm bớt tội lỗi và được chuyển nghiệp, cái gì của Luật nhân quả làm nên điều này hay do một “đấng vô hình”, “đấng quyền năng” nào đó quyết định, điều này đi ngược với giáo lí của Đức Phật…

Tôi có cảm giác bài viết này là công cụ để biện minh cho việc làm “thỉnh oan gia trái chủ” và “Dâng sao giải hạn” vốn đem lại quá nhiều tiêu cực cho cuộc sống ở cõi ta bà này”

Ban biên tập nhận thấy, đây là ý kiến có tính phản biện cao và quan điểm rõ ràng, do vậy việc làm rõ những luận điểm nghi vấn trên là cần thiết và có ý nghĩa đối với tôn chỉ “nghiên cứu và phổ biến tri thức Phật học” của Tạp chí, vì vậy Tạp chí Khuông Việt xin trao đổi lại như sau:

Trước hết xin khẳng định, khi viết bài về việc thỉnh oan gia trái chủ và dâng sao giải hạn, chúng tôi hoàn toàn không có ý định làm “công cụ biện minh cho việc làm “thỉnh oan gia trái chủ” và “dâng sao giải hạn” ở đâu đó, như độc giả Le Trinh đã “cảm giác”. Phần mở đầu và kết luận bài viết chúng tôi đã nói rõ: “Trong thời đại Công nghệ thông tin hiện nay, việc thiếu thống nhất trong nhận thức lí luận về những nguyên lí, giáo lí căn bản trong Kinh tạng Phật giáo là nguyên nhân chính gây nên tình trạng nhiễu loạn thông tin, khiến quần chúng nói chung và Phật tử nói riêng hoang mang bất định, gây phương hại không nhỏ trong đời sống tinh thần của xã hội, và mục đích của bài viết là hi vọng góp thêm tiếng nói để có được sự thống nhất trong nhận thức đó. Chúng tôi đã nhấn mạnh:“Chư tôn đức Giáo hội, cơ quan quản lí hữu quan các cấp cũng như dư luận xã hội đã phê phán nghiêm khắc lời nói và việc làm mang đậm mầu sắc mê tín dị đoan nhảm nhí, phản cảm, có biểu hiện phục vụ mục đích trục lợi, gây hoang mang lo lắng trong quần chúng, làm phương hại tới uy tín và danh dự của Phật giáo và Giáo hội”.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy cũng cần nhấn mạnh rằng, chúng ta cần thận trọng khi dùng khái niệm “mê tín dị đoan”, để rồi phê phán thiếu cân nhắc một hiện tượng bất thường nào đó. Bởi vì, “mê tín” là niềm tin mê muội, mù quáng, thiếu lí trí… đương nhiên cần phê phán, còn “dị đoan” lại ở cấp độ khác và nội hàm không hoàn toàn giống mê tín.  “Dị đoan” (異端) được hiểu theo hai nghĩa chính: là quan điểm phi chính thống; là tri thức không phù hợp với nhận thức đương thời, phổ biến. Như vậy, cùng một vấn đề hay hiện tượng, đối với quan điểm của hệ thống (chính trị, giáo lí) này là đúng đắn, là “chính pháp” nhưng với hệ thống khác lại là “dị đoan”; Có những tri thức khoa học, hay tri thức được đúc rút từ kinh nghiệm, vì “vượt trước thời đại”, đã từng bị coi là “dị đoan”, nhưng từng bước được khoa học chứng minh, được coi là sự thật được nhiều người đồng thuận, chấp nhận….

Sau đây chúng tôi xin trả lời từng câu hỏi của độc giả Le Trinh

1. Việc cho rằng tâm thức/thần thức của con người sau khi chết đi còn tồn tại ở cõi Thân trung ấm hoàn toàn không trái ngược với quan điểm  “vô ngã” của giáo lí Phật giáo. Quan điểm “Vô ngã” không có nghĩa phủ nhận sự tồn tại của sự vật hiện tượng (kể cả Ngũ uẩn và tâm thức). “Vô/không” ở đây không có nghĩa là “hư không”, “không tuyệt đối” (nothingness). Quan điểm “Vô ngã” của Triết học Phật giáo là phủ nhận cái “ngã” do giác quan, tri thức, trí tuệ của chúng ta nhận biết và ghi nhận đối với các sự vật và hiện tượng (“chư pháp”), bởi vì chư pháp đều do những nhân duyên kết hợp mà thành, tồn tại được nhờ vào những yếu tố không phải là nó (chẳng hạn sự sống của thân thể con người được duy trì nhờ vào thức ăn, nước uống, khí trời…), và cũng luôn luôn trong trạng thái vận động từ chỗ và đến chỗ không phải là nó (vận động là tuyệt đối) (chẳng hạn thân thể sống luôn diễn ra quá trình đồng hoá, dị hoá, luôn trong biến đổi “sinh, lão, bệnh, tử”…). Nhưng, mặt khác, nó vẫn có “sự tồn tại luôn trong trạng thái không tồn tại”. Mỗi cá nhân (“Ngã”) luôn “tồn tại trong trạng thái không tồn tại” (Vô ngã) “của chính mình”, không những trong hình tướng của sự hội họp Ngũ uẩn, tâm thức… mà còn muôn vàn hình tướng khác trong Tam giới. Quan điểm Vô ngã sử dụng cái nhìn biện chứng để thấy bản chất sự vật hiện tượng biến hiện trong dòng chảy “vận động” không ngừng nghỉ.

Ý nghĩa của vô ngã trong triết học Phật giáo | Hoa Sen Phật
“Vô ngã” của Triết học Phật giáo là phủ nhận cái “ngã” do giác quan, tri thức, trí tuệ của chúng ta nhận biết và ghi nhận đối với các sự vật và hiện tượng (chư pháp)

2. Chúng sinh trong Sáu cõi khác nhau nếu có nhân duyên với nhau sẽ có mối liên hệ với nhau, tìm đến nhau, đương nhiên trong những không gian – thời gian khác nhau sẽ có những phương thức liên hệ và tác động, cũng như hiệu năng khác nhau.

3. Đúng là ngay “ở trần thế cũng không phải ai cũng hiểu được kinh Phật”, vong linh cũng vậy. Tùy theo căn cơ, sự nỗ lực tự thân của mỗi vong linh và sự trợ giúp của trùng trùng nhân – duyên mà kết quả của sự giác ngộ, chuyển nghiệp sẽ khác nhau.

4. Theo giáo lí Phật giáo, không ai hay “đấng quyền năng” nào “có quyền chấp nhận sự cầu mong của thân nhân vong linh – ngạ quỉ để họ được hồi hướng công đức, giảm bớt tội lỗi và được chuyển nghiệp, mà chính cái tâm chí thành chí thiết của thân nhân vong linh cùng với việc thực hành pháp sự đúng chính pháp, sự thành tâm sám hối của bản thân vong linh để được chuyển nghiệp theo hướng tích cực.

“Người ta không thể hiểu được sự huỷ hoại mà mình đã gây ra cho người/vật khác cho đến khi nào một việc tương tự được gây ra cho chính họ. Chính vì vậy mà Ta ở đây!”NGHIỆP

Luật Nhân Quả trong triết học Phật giáo, đúng hơn phải là Luật Nhân – Duyên – Quả, không phải là một định luật cứng nhắc “Nhân nào Quả ấy”. Đành rằng chất lượng của Nghiệp do mỗi cá nhân tạo ra cho đến khi mệnh chung (Nhân) có ý nghĩa cực kì quan trọng tạo nên Nghiệp lực để tìm đến cảnh giới tái sinh (Quả), nhưng Duyên (trong triết học hiện đại gọi là “điều kiện” trong quan hệ Nhân Quả) nhiều khi đóng vai trò quyết định đến khuynh hướng, kết quả của quan hệ Nhân Quả. Duyên trong Luật Nhân Quả ở đây chính là thái độ, việc làm của thân nhân vong linh và việc thực hành pháp sự “Giải oan gia trái chủ”.

Phật giáo là một hệ thống tôn giáo – triết học chứa đựng những giá trị mang tính nhân văn và biện chứng sâu sắc. Thuyết “Nhân – Duyên – Quả Luân hồi nghiệp báo” là nguyên lí nền tảng của triết học Phật giáo, trong đó lí luận “Vô ngã” là hạt nhân.

Xin trân trọng cảm ơn, chúc Quí độc giả Vô lượng an lạc.

Bình luận
Tin cùng chuyên mục