Chùa Trình Yên Tử – Cửa ngõ vào miền Đất Phật

                                                                        THÍCH NỮ MAI ANH

 1. Lịch sử hình thành và phát triển

Chùa Trình – Yên Tử, tên chữ là Thắng Nghiêm Tự (勝嚴寺), cũng gọi là chùa Bí Thượng , vì chùa tọa lạc trên một sườn đồi ở khu Bí Thượng, thuộc Tổng Bí Giàng, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên xưa (nay thuộc phường Phương Đông, Tp. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Dân gian quen gọi là chùa Trình – Yên Tử vì chùa nằm ở cửa ngõ vào khu di tích Yên Tử, là nơi các tín đồ, Phật tử thập phương thực hành tín lễ “đi trình về tạ” mỗi khi về với Yên Tử – miền đất Phật, đất Tổ linh thiêng của Phật giáo Việt Nam – Nơi gắn liền với cuộc đời tu hành, giác ngộ và xây dựng, phát triển Phật giáo Trúc Lâm của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.

Xưa kia, trước chùa là bến của một lạch sông thông ra sông Đá Bạc. Chùa được xây dựng bên ngã ba đường bộ, một ngã đi vào Yên Tử, một ngã rẽ về kinh đô Thăng Long và một ngã về thủ phủ An Bang (Quảng Ninh ngày nay). Tương truyền, chùa là nơi vua Trần Nhân Tông đã dừng chân nghỉ ngơi trước khi lên Yên Tử.

Vào thời kỳ Phật giáo Trúc Lâm phát triển, chư Tăng Ni, Phật tử khắp nơi tìm về Yên Tử để an cư, cầu đạo, ngôi chùa Bí Thượng được dựng lên, tham gia vào hệ thống chùa Yên Tử, và là trạm dừng chân cho khách giữa độ đường trước khi đi vào non thiêng.

Qua vũ lộ phong sương, chiến tranh tàn phá, ngôi chùa Bí Thượng được xây dựng vào thời Trần đã không còn. Theo các nhà khảo cổ học nghiên cứu năm 2006, chùa được xây dựng lại vào cuối thời Hậu Lê, theo hướng Tây Nam, quy mô kiến trúc kiểu chữ “Nhất” (一), chiều Đông Tây rộng 4,4m, chiều Nam Bắc rộng 5m. Cấu trúc khung cột gỗ kê trên chân tảng đá kiểu hai vì chính, hai vì phụ. Trong đó, hai vì chính cách nhau 2,8m, vì phụ cách vì chính 0,8m. Khoảng đầu thế kỉ XIX, chùa được dựng lại trên nền chùa cũ kiểu chữ “Nhất”, nhưng nhỏ hơn chùa cũ.

Khoảng đầu thập kỉ hai mươi của thế kỉ XX, chùa bị hỏa hoạn. Một nữ Phật tử họ Bùi đã phát tâm công đức xây dựng lại ngôi chùa, kiến trúc kiểu chữ “Đinh” (丁), rộng hơn nền chùa trước, gồm 3 gian Tiền đường và một gian Hậu cung. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa lại bị tàn phá, chỉ còn lại một ngôi tháp cổ. Năm 1993, nhân dân quanh vùng đã phát tâm công đức xây dựng lại ngôi chùa, gồm ba gian nhà cấp bốn, kết cấu xà, cột bê tông thép, lợp ngói bản. Năm 1999, chùa được tu sửa lại, khang trang hơn.

Đầu những năm 90 của thế kỉ XX, tuyến đường lớn vào non thiêng Yên Tử dài 14km được mở từ ngã ba Dốc Đỏ nối từ đường 18A qua Cửa Ngăn vào bến xe Giải Oan, đã nối liền tuyến đường hành hương của tín đồ, Phật tử và du khách thập phương về Yên Tử mà chùa Trình là trạm dừng chân đầu tiên để thưa trình Tam Tổ Trúc Lâm trước khi đi vào hệ thống chùa tháp Yên Tử lễ Phật, lễ Tổ và vãng cảnh non thiêng.

Năm 2005, Thượng tọa Thích Thanh Quyết được bổ nhiệm về Trụ trì chùa và cũng trong năm này, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh được thành lập, trụ sở đặt tại Chùa Trình – Yên Tử. Từ đây, ngoài tư cách là điểm dừng chân đầu tiên của tín đồ, Phật tử trong chuyến hành hương Yên Tử thì ngôi chùa trở thành trung tâm văn hóa – hành chính của Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.

Năm 2006, bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nguồn công đức của thập phương, chùa được xây dựng và mở rộng với quy mô to lớn, khang trang. Đồng thời, các hạng mục công trình tiếp tục được Thượng tọa Trụ trì cho mở mang, xây dựng, để rồi chúng ta có một ngôi già lam trang nghiêm, tố hảo như ngày hôm nay.

2. Kiến trúc thờ tự, cảnh quan của ngôi chùa hiện tại

Ngôi chùa hiện tại với quy mô kiến trúc kiểu “nội Công (工) ngoại Quốc (国)”; tượng thờ được bài trí theo kiểu chùa Việt miền Bắc và Phật giáo Đại thừa.

Tiền đường: bên trái thờ Đức Ông và hai thị giả, Hộ pháp Khuyến Thiện; bên phải thờ Đức Thánh Hiền và hai thị giả, Hộ pháp Trừng Ác, Địa Tạng Vương Bồ Tát. Tam bảo gồm năm cấp: trên cùng là Tam thế Phật (Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai); cấp thứ hai thờ Di Đà tam Tôn (gồm Đức Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí); cấp thứ ba thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Phật Niêm Hoa, tay phải cầm cành hoa sen đưa lên và miệng mỉm cười) và hai bên là tôn giả Ca Diếp, tôn giả A Nan; cấp thứ tư thờ Phật Mẫu Chuẩn Đề; và cấp dưới cùng là tòa Cửu Long. Hai bên Tả vu, Hữu vu thờ Thập bát La Hán (18 vị La Hán).

Hậu Đường (nhà Tổ) chính giữa thờ Tam Tổ Trúc Lâm (Trúc Lâm Sơ Tổ Trần Nhân Tông, Đệ Nhị Tổ Pháp Loa và Đệ Tam Tổ Huyền Quang); bên trái có hai ban thờ, một ban thờ Đức Thánh Trần và hai Thị giả, một ban thờ 2 pho tượng ở Tam Bảo chùa cũ, đứng thị giả hai bên pho tượng Đức Phật Thích Ca, có lẽ là Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiền; bên phải một ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu và một ban thờ di ảnh cố Thượng tọa Thích Viên Thành.

Các pho tượng đều được đúc bằng đồng hoặc tạc bằng gỗ mít, gỗ hương. Ngói lợp là ngói mũi hài. Trên bờ nóc Tiền đường đắp hàng gạch hoa chanh, chính giữa đắp nổi bức Đại tự bằng chữ Hán ghi “賁上寺” (Bí Thượng Tự), hai đầu nóc mái có hình đầu rồng nổi ngậm bờ nóc, có sóng nước vân mây, các góc mái có đầu rồng uốn cong hình ngọn sóng, vân mây vút lên. Phía trước Tiền đường là gác chuông. Sân Tiền đường lát đá xanh, sân Hậu đường lát gạch bát. Sân giữa Tiền đường và Hậu đường trồng hai cây ngọc lan đã lâu năm, không rõ từ bao giờ, bốn mùa tỏa bóng mát, mỗi độ hạ về, hương ngọc lan thơm ngát cả sân chùa.

Bộ Hoành phi câu đối, Cửa võng sơn son thếp vàng được lắp đặt cuối năm 2019 càng làm cho không gian thờ tự thêm phần tố hảo, uy nghiêm.

Trong chùa còn ba ngôi tháp 3 tầng được đắp sửa lại khi xây dựng chùa năm 2006, nhưng tư liệu không còn, trên tháp không có chữ, chỉ biết đó là 3 ngôi tháp thờ chư vị tổ sư đã từng tu học và trụ trì ở đây.

Phía Đông của ngôi chùa là tòa nhà Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh được xây dựng năm 2007. Trong đó, có Văn phòng Thường trực Ban Trị sự, một Hội trường lớn và một Hội trường nhỏ là nơi tổ chức các hoạt động tôn giáo của chư Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh. Nơi đây cũng đồng thời trở thành trường hạ tập trung cho chư Tăng Ni tỉnh Quảng Ninh hàng năm về chuyên tâm tu học suốt ba tháng hạ, với số lượng hành giả an cư mỗi năm một đông hơn.

Năm 2011, cổng Tam quan được xây dựng khang trang, tạo nên vẻ tôn nghiêm, bề thế của ngôi chùa cửa ngõ vào Yên Tử và Trụ sở của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh. Sau cổng Tam quan là khu vực sân lớn Đại Hùng, nơi tổ chức các sự kiện lớn của Ban Trị sự và của chùa như Lễ Mở Cửa Rừng, Khai hội xuân Yên Tử hàng năm, các lễ Vía Bồ tát Quán Thế Âm, kỉ niệm Đức Phật Thích Ca thành đạo… Hai bên đường vào chùa trồng hai hàng mai vàng Yên Tử. Mỗi dịp tết đến xuân về, con đường vàng rực sắc mai, điểm tô cho không gian mùa xuân thêm tươi sáng. Dưới gốc đa cổ thụ bên phải lối vào chùa là pho tượng Đức Phật Thích Ca bằng đá xanh an nhiên tọa thiền được an vị năm 2018, càng làm cho không gian chùa thêm thiền vị và linh thiêng.

Bên phải sân Đại Hùng là công trình Vườn Tâm được khánh thành nhân dịp Lễ tưởng niệm 710 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Ngoài việc khu vườn có hình chữ “Tâm” (心), thì việc thiết kế và đặt tên là “Vườn Tâm” còn có ý nghĩa nhắc nhở mỗi người rằng Tâm giống như một khu vườn, cần được gieo trồng những hạt giống lành, chăm bón và tưới tẩm hàng ngày, đừng để cho nó khô héo và cỏ gai mọc đầy, có như vậy khu vườn mới xanh tốt, trăm hoa đua nở. Cũng vậy, tâm ta có được chăm sóc, nuôi dưỡng và điều phục mới có thể trở thành người tốt, làm lợi ích cho cuộc đời. Khu vườn được thiết kế độc đáo, hài hòa với thiên nhiên, với những đồi thông nhỏ xanh mát, những tảng đá lớn được dựng xen kẽ dưới những tán cây cổ thụ và cỏ hoa được trồng ven những lối đi. Bên cạnh là hồ Liên Trì được thiết kế hình chiếc đồng hồ cát, và một hồ nhỏ có tên là hồ Kim Quy, làm cảnh quan thêm hữu tình, thi vị. Đây là nơi Tăng Ni, Phật tử trở về có thể thư thái thiền hành, tản bộ, hay ngồi nhâm nhi một vài ly trà bên hồ Kim Quy và hòa mình cùng với thiên nhiên cây cỏ, ngắm những đàn cá tung tăng bơi lội. Tuyên bố An Tử Sơn được dựng nổi bật ngay lối vào Vườn Tâm, là điều mà chư tăng muốn gửi gắm nơi tín đồ, Phật tử và du khách thập phương khi ghé thăm nơi này.

3. Trung tâm văn hóa hành chính, tu học và hoằng pháp của Phật giáo tỉnh Quảng Ninh

Từ khi Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh được thành lập, đặt trụ sở tại chùa và tòa nhà Ban Trị sự được xây dựng, nơi đây trở thành trung tâm văn hóa, hành chính, tu học và hoằng pháp của Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, đúng với vị thế của một ngôi chùa trung tâm, Trụ sở Ban Trị sự và cửa ngõ vào miền đất Phật, đất Tổ của Phật giáo Việt Nam.

Trụ sở Ban Trị sự là nơi xử lý tất cả các công việc hành chính của Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, cũng là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động tôn giáo của Phật giáo tỉnh như các kì họp Ban Trị sự; các hội thảo chuyên đề trong Phật giáo; mở các Đại giới đàn cho các giới tử xuất gia cầu thụ giới pháp; các hội nghị phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh… Là nơi đón tiếp các phái đoàn Phật giáo và liên tôn giáo trong cũng như ngoài nước, để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong quản lý, tu học và hoằng pháp.

Mỗi mùa hạ, Tăng Ni trong tỉnh lại vân tập về đây an cư kết hạ tập trung, chuyên tâm tu học suốt trong 3 tháng. Ba năm trở lại đây, số hành giả an cư mỗi năm đều trên 200 vị. Tỉnh Quảng Ninh hiện có ba trường hạ: Trường hạ của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tại chùa Trình – Yên Tử, trường hạ Tổ đình Quỳnh Lâm và trường hạ Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (chùa Lân). Trong đó, trường hạ tại chùa Trình – Yên Tử luôn có số lượng hành giả an cư tập trung đông đảo nhất.

Các khóa tu, khóa lễ, các buổi giảng pháp được tổ chức thường xuyên tại đây. Khóa tu Ngày An Lạc (trước đây là khóa tu Bát Quan Trai giới) được tổ chức định kì vào thứ 7 và chủ nhật tuần thứ 3 của tháng theo lịch âm, số lượng Phật tử tham dự thường xuyên khoảng 500 vị. Các sự kiện trong Phật giáo như các lễ vía Bồ Tát Quán Thế Âm, Phật đản, Vu lan, kỉ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo… được tổ chức quy mô lớn với số lượng tín đồ, Phật tử tham dự cả ngàn người. Trong các buổi lễ, ngoài các nghi thức hành chính và tâm linh thì đều có thời thuyết pháp để tín đồ Phật tử hiểu thêm về giáo lý đạo Phật và nắm rõ hơn đường hướng tu tập, hướng thiện.

Chùa cũng là nơi tổ chức khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên hàng năm với số lượng khoảng 500 em. Mỗi khóa tu thường kéo dài 3 ngày, 5 ngày hoặc 7 ngày. Qua đó, bước đầu giúp các em hình thành thói quen tự lập theo nếp sinh hoạt tự giác của chùa và phần nào định hướng tư duy, lối sống cho các em theo hướng tích cực, lành mạnh, và hướng thiện. Chùa thành lập câu lạc bộ võ thuật đã nhiều năm, các em được học miễn phí. Ngoài việc được học võ để rèn luyện sức khỏe và để tự vệ, các em còn được quý thầy cô và các võ sư dạy về đạo đức, kỉ luật và ý thức trách nhiệm của một võ sinh cũng như một Phật tử. Nhiều lớp thanh thiếu niên từng trưởng thành từ nơi đây, đã trở thành những con người sống có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội.

Các công tác xã hội, từ thiện cũng được Thượng tọa Trụ trì và chư tăng rất quan tâm, chú trọng. Hàng tháng, chùa đều tham gia nồi cháo tình thương phát miễn phí cho bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (Tp. Uông Bí). Các dịp Tết nguyên đán, chùa tổ chức thăm và tặng quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; cùng chung tay với địa phương hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, xây nhà tình nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ quỹ khuyến học; ủng hộ các công tác xã hội khác như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh…

Như vậy, qua năm tháng thời gian, chùa Trình – cửa ngõ linh thiêng của Yên Tử, không chỉ là nơi thực hành tín lễ “đi trình về tạ” của du khách thập phương khi về miền đất Phật, đất Tổ của Phật giáo Việt Nam mà còn là trung tâm văn hóa, hành chính, tu học và hoằng pháp của Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, sơn môn Tổ đình Yên Tử. Ngôi chùa vẫn đang được tiếp thêm những luồng sinh khí mới, là nơi quy ngưỡng cho đông đảo Tăng Ni, Phật tử xa gần.

Bình luận
Tin cùng chuyên mục