Khái quát về Luật học Phật giáo (p4 – cuối)
TT. THÍCH TIẾN ĐẠT
Phần 1: bấm link
Phần 2: bấm link
Phần 3: bấm link
V. Mục đích của việc nghiên cứu Luật học
Phàm nghiên cứu một loại học vấn, trước phải xác định được mục đích của nó, sau đó mới đầu cuối nhất quán tiếp tục nỗ lực, tập trung tư tưởng dể mong đạt được mục đích đã đề ra. Chúng ta nghiên cứu Luật học cũng vậy, nếu không xác định mục đích, giả sử có thuộc lòng cả quyển Luật nhưng đối với việc tu học cũng không có lợi ích gì.
Mục đích nghiên cứu Luật học: Về phương diện tự thân chính là mong cầu “đoạn hết sinh tử vô cùng, cắt đứt nghiệp sai trái vô biên, phá mê lầm từ vô thuỷ, chứng pháp thân vô thượng”. Đồng thời về phương diện Tăng-già lại càng trọng yếu. Đó là xây dựng, củng cố và phát triển Tăng-già trên cơ sở thanh tịnh hoà hợp nhằm làm cho “Tỳ-ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ”. Đây chính là trách nhiệm phải gánh vác của đệ tử Phật, cũng chính là bản hoài chê định Giới Luật của Đức Thế Tôn.
1. Những khó khăn của việc nghiên cứu Luật học
Khi tiến hành nghiên cứu Luật học thì ngay một lúc không dễ gì giải quyết vì lúc đó Đức Phật còn tại thế, đích thân Ngài chế định rất nhiều Giới Luật. Sau khi Phật diệt độ, trải qua bao nhiêu thời đại thay cũ đổi mới, trong khoảng thời gian đó, tuy căn bản Giới Luật không thay đổi nhưng do sự truyền tập ban đầu và tiếp tục theo đó có sự bổ sung, hiệu đính rồi sau nữa do ý kiến bất đồng mà phát sinh sự phân chia. Do phân chia nên có sự biên tập, tổng hợp tìm tòi biên chép lại; sách vở lần lượt mai một, lại qua nhiều lần phiên dịch, nên khó nắm bắt một cách chính xác. Cân nhắc tư liệu để có thể sử dụng trong việc nghiên cứu thì Luật học thuộc tạng Pa-li của Phật giáo Nam truyền và Luật Tiểu thừa Hán dịch của Phật giáo Bắc truyền, chủ yếu là 5 bộ Luật có thể dùng làm tài liệu gốc cho việc nghiên cứu Luật học. Còn như có Kinh Luận khác và các sớ giải của Phật giáo Bắc truyền, Nam truyền, cứ có nội dung liên quan đến Luật học đều có thể lấy làm lài tiệu tham khảo. Tìm kiếm, đào xới, so sánh đối chiếu nhất định tìm ra chỗ nào là chế định ban đầu hay chế dịnh lại của thời đại Đức Phật? Sự tăng bổ, hiệu đính của các đệ tử sau khi Đức Phật diệt độ như thế nào? Những diễn dịch nhằm tháo gỡ điều gì? Tất cả những điều này đều có thể nghiên cứu tìm ra câu trả lời chính xác.
Luật học đã ra đời trên 2500 năm và nối tiếp từ Ấn Độ đến Trung Quốc rồi đến Việt Nam. Do tình trạng xã hội của các thời đại và phong tục của các dân tộc, các quốc gia có điểm bất đồng lớn; về mặt không gian có tính phổ biến, về mặt thời gian có tính liên tục thì Luật học Phật giáo không thể không theo thời biến đổi cho thích hợp, tuỳ xứ thích nghi ư? Vì do sự truyền tập mà bổ sung, hiệu đính, phân chia…. Cho nên trong Luật Ngũ Phận, Đức Phật có dạy: “Tuy điều ta chế mà đối với địa phương khác không cho là thanh tịnh thì không nhất định phải tuân theo; tuy chẳng phải điều ta chê mà đối với địa phương khác cho là thanh tịnh thì không được không làm theo”. Qua đó có thể thấy cái nhìn của Đức Phật về Luật học, tuy chủ trương trước sau là nghiêm khắc, nhất quán nhưng về không gian không hề mang tính cô lập, về thời gian lại luôn mang tính thực tiễn hiện hữu.
Tóm lại: Luật học sở dĩ rắc rối như thế hoàn toàn tuỳ thuộc vào nhu yếu của hoàn cảnh xã hội mỗi thời đại, luôn hướng đến con đường thích ứng. Cho nên ngày nay, nghiên cứu Luật học trong sự phức tạp rắc rồi này phải tìm tòi, phát triển ra những điều đơn giản, then chốt thiết yếu. Việc ấy thật không dễ dàng gì!
2. Những khó khăn của việc hoằng dương Giới luật
Đối với việc hoằng dương Giới Luật, chúng ta hy vọng xuất hiện một phong khí mới nhưng trên thực tế việc này không khả quan lắm. Trong bối cảnh ngày nay, chúng ta nhận thấy những khó khăn chủ yếu sau:
2.1. Luật bản quá nhiều, tổng hợp được chẳng phải dễ: (đây chính là những khó khăn trong việc nghiên cứu đã nêu trên).
2.2. Giới tướng rất phiền phức, không dễ gì ghi nhớ rỗ ràng hết được: Một vị Tỷ-khiêu học thuộc giới kinh đã là điều rất hiếm nhưng cũng chưa thể gọi là người hiểu Luật. Bởi trong mỗi điều giới đều có phận biệt duyên khởi, giải thích từ ngữ, phân biệt khai gia trì phạm,… Mỗi điều giới đều có xem xét sự khinh trọng về động cơ, phương tiện, kết quả để quyết định phạm, không phạm, khinh hay trọng và phương thức sám hối là đủ mà còn phải thông hiểu các nguyên tắc tổ chức Tăng-già và các biện pháp xử lý các công việc trong Tăng (các pháp Yết-ma). Vì thế mà nhiệm vụ của Tỷ- khiêu trong 5 năm đầu sau khi thụ giới Cụ tức là học, hiểu và thực hiện thành thạo Giới và Luật. Đây là điều rất khó.
2.3. Muốn hoằng giới cần phải trì giới: Phật giáo coi trọng tri hành hợp nhất, hành giải tương ứng. Cho nên người học Luật, hoằng Luật phải là người tiên phong trong việc giữ gìn Giới Luật. Song trong thực tế không thể mọi việc đều hành trì đúng như Luật, song người đó phải là người trung kiên của Giới luật, luôn trung thành với tinh thần căn bản của Giới Luật trong việc học tập thực hành và hoằng truyền.
2.4. Thực tế Phật giáo Việt Nam không coi trọng Luật học: Căn bản của Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay là Phật giáo Thiền tông, rồi Tịnh độ… Cho nên đối với Luật học không có sự quan tâm nhiều, đặc biệt ngày nay đối với Tăng Ni trẻ có xu hướng trọng giáo hơn trọng Luật. Đây chính là sự trở ngại lớn trong việc hoằng dương Luật học…
2.5. Luật văn cố định mà thời đại thì biến đổi: Nếu đem toàn bộ giới điều được chế định của Tỷ-khiêu, Tỷ-khiêu-ny ra xem xét, đối chiếu với thực tế ngày nay thì có đến quá nửa điều giới không còn được áp dụng. Văn luật vốn cố định do Phật chê’ cách đây trên 2500 năm nhằm thích ứng với điều kiện thực tế của Ấn Độ cho đến nay đối với chúng ta, thời đại, địa lý, phong tục và căn có đã sai khác quá nhiều so với thời Phật, nếu giữ nguyên như vậy thì không được nhưng bỏ nó, sửa đổi hoặc chế định mới lại thì không thể. Đây là điều hết sức khó khăn. Song tinh thần chế giới của Đức Phật cũng hết sức linh hoạt (như đã nói trong Luật Ngũ Phận quyển 22) đủ thấy Giới Luật không cứng nhắc cố định. Chỉ cần chúng ta không trái với thời đại, căn cơ, quốc độ mà ứng dụng cho thích hợp. Còn việc ứng dụng thế nào thì cần phải học tập nhuần nhuyễn Giới Luật rồi sau mới có thể áp dụng linh hoạt viên dung nhưng không trái với tinh thần của Luật chê. Thời đại có thay đổi song tinh thần của Luật chế dù trải qua hàng ngàn năm vẫn luôn mới mẻ sống động, vãn đủ sức duy trì và phát triển giáo hội ngày nay xương minh.
Kết luận
Luật học được cấu thành do toàn thể bảy chúng, tất cả chế độ đều do đó phát sinh, gọi là “một phương diện hành pháp, lập pháp phải thông, xử chúng quyết đoán cân nhắc phải dựa vào Luật giáo” (Hành Sự Sao Ký). “Không như gần đây, người thụ giới không biết thụ cái gì, người truyền giới cũng không biết truyền cái gì. Lúc sắp thụ giới mệt mỏi vô cùng; khi đã được rồi, giới không để ý đến, có đầu không có đuôi, thật rất đáng tiếc. Từ khi có một cơ hội cầu thụ giới, thụ rồi không theo thầy học giới, không tụng giới kinh, không học Luật điển, uổng công ở trong hàng ngũ Phật pháp, thiệt mình hại người, tốn hao.
Nếu loại này tiếp tục tồn tại thì thành diệt pháp” (Nghĩa Tịnh – Nam hải kỷ quy truyện, q3). “Ôi! Giới có thể khinh, sao ngươi phải đăng đàn thụ giới? Luật có thể huỷ, sao người phải cạo tóc mặc y? Thế thì, khinh giới tức là tự khinh, huỷ Luật lại thành tự huỷ” (Tư trì ký q3 – Linh Chi). Chế độ Phật giáo Việt Nam đã không có gốc rễ ở Luật nghi thì lại có hại cho nghĩa học. Cân nhắc tình hình thực tế ngày nay và trào lưu của thế giới, nếu không có sự cải cách triệt để, ắt không thể thích ứng với xã hội hiện đại. Cho nên chúng ta nghiên cứu Luật học phải lấy nhãn quan của thời đại, suy nghĩ miên mật ở trong Luật tạng phức tạp này tìm ra những điểm then chốt thiết yếu. “Theo thời biến đổi cho khế hợp, tuỳ nơi mà thích nghi”, coi trọng sự cấm chế làm đầu, lấy Luật học làm một loại cơ sở đặc biệt để xây dựng cơ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động có đường hướng, để thích ứng với nhu cầu của thời đại mới, đạt đến mục đích “Tỳ- ni trụ, Phật pháp cửu trụ”.