Kinh luân – Pháp bảo trong đời sống tâm linh Tây Tạng
TIẾN ANH
Kinh luân là một bộ phận không thể tách rời khỏi văn hóa và thực hành tâm linh Phật giáo Tây Tạng.
Nhắc đến Kinh luân, phải nhắc đến phái Drikung Kagyu, có một vị Rinpoche mà ai cũng biết tới đó là ngài Garchen. Vì khi đề cập tới ngài, là đề cập tới lòng Đại Bi. Ngài sinh trưởng tại miền Ðông Tây Tạng vào năm 1936, Ðại sư Garchen Rinpoche thuộc dòng Drikung Kagyu là hoá thân của một vị đại thành tựu giả tên Siddha Gar vào thế kỷ 13 – đệ tử tâm truyền của ngài Kyobpa Jigten Sumgon, vị Tổ lừng danh của giòng phái Drikung Kagyu của Phật giáo Tây Tạng.
Ngài được biết đến rất nhiều qua những chứng đắc sâu dày, cũng như qua tình yêu thương và tâm từ bi vô bờ bến dành cho tất cả chúng sinh. Trên tay ngài lúc nào cũng cầm một ‘kinh luân’ (prayer wheel), bất luận là đang làm gì, chiếc kinh luân đó cũng được ngài quay vòng liên tục để phóng toả ánh từ bi đến khắp các cõi. Garchen Rinpoche nói: “Ánh từ bi đó chính là ân phước của đức Bạch Quan Âm (Tara, Quan Âm Trắng) ban truyền”. Ánh từ bi đó cũng phát ra tự trong đáy lòng của ngài.
Bánh xe cầu nguyện này làm bằng sắt, trong bánh xe này là vô vàn thần chú OM MANI PADME HUM được in lên giấy lụa mỏng, cuốn quanh một trục quay. Có những bánh xe được quay bằng tay, hay bằng sức nước, lửa và gió.
Nếu trong bánh xe này có 1.000 thần chú Om Mani Padme Hum thì cũng tương tự như tụng 1000 biến chú này vậy. Nếu trong bánh xe có 100.000.000.000 biến chú mà bạn quay 1 vòng cũng như tụng ngần nấy thần chú. Đây là phương tiện thiện xảo nhất để tích tập công đức một cách rốt ráo trong thời gian ngắn.
Ở Tây Tạng, trước khi đi vào chùa luôn có 1 hàng bánh xe cầu nguyện như vậy để cho Phật tử đi vào quay, nhằm tạo được phước đức một cách đơn giản nhất. Các Phật tử mang kinh luân bên mình hàng giờ trong ngày, thậm chí trong các chuyến hành hương dài, quay chúng bất cứ khi nào tay họ rảnh.
Vì trong bánh xe này có chứa Thần chú OM MANI PADME HUM, thần chú của lòng đại bi của bồ tát Quan Thế Âm. Chú là những âm thanh vi diệu của chư Phật, bí mật khó hiểu và không thể nghĩ bàn.
Sáu âm tiết của câu thần chú được viết bên trong kinh luân cầu nguyện là:
1. OM: Đây là âm Sanskrit theo nền tảng Hindu, được tôn vinh và ý nghĩa trong nhiều tôn giáo như Ấn Độ giáo, Phật giáo và Jaina. Trong thần chú OM MANI PADME HUM, nó mang nghĩa Khoan dung, tẩy sạch Bản ngã / cái Tôi, được thể hiện qua màu Trắng biểu tượng cho Trí tuệ của thần linh.
2. MA: Đại diện cho Đạo đức, tịnh hoá sự Ghen tỵ / Tham đắm hưởng lạc, thể hiện qua màu Xanh biểu tượng cho lòng Từ bi của thần linh.
3. NI: Thể hiện sự Kiên nhẫn, tịnh hoá Dục vọng / Khao khát, thể hiện qua màu Vàng biểu tượng cho Thân thể, lời nói, chất lượng suy nghĩ và hành động.
4. PAD: Thể hiện sự Tinh tấn, tịnh hoá sự Ngu dốt / Định kiến, thể hiện qua màu Xanh lam với biểu tượng của Bình đẳng.
5. ME: Thể hiện Giải thoát, tịnh hoá sự Nghèo khó / Chiếm hữu, thể hiện qua màu Đỏ với biểu tượng cho Phúc lạc.
6. HUM: Thể hiện cho Trí tuệ, tịnh hoá tính Hiếu chiến / Thù hận, thể hiện qua màu Đen biểu tượng cho lòng Trắc ấn.
Kinh luân là công cụ mạnh mẽ cho sự cầu nguyện. Bồ tát Quan Âm nói rằng: “Ai niệm sáu âm này trong khi quay kinh luân thì có phúc báo bằng nghìn vị Phật”. Nó giúp tích luỹ công đức và thanh lọc những chướng ngại trong cuộc sống.
Kinh luân lớn nhất ở Tây Tạng, Om Mani Dunkhor, chứa 100 triệu thần chú Mani. Kinh luân Tibet Tech, nhỏ gọn nhưng chứa đựng số lượng thần chú nhiều hơn bất kỳ những cái đã từng được làm trước đây. Với 1.349.580.000.000 thần chú trong mỗi vòng quay, Kinh luân Tibet Tech có khả năng tạo ra vô số công đức, niềm an bình và từ ái vô biên, xoa dịu nỗi đau khổ của chúng sinh.
Những lợi ích của Kinh luân
Sự thực hành Kinh luân có rất nhiều lợi ích kỳ diệu. Tương truyền, kinh luân được mang đến trái đất từ thế giới của loài Rồng (là những chúng sinh sống trong các đại dương) nhờ Bồ tát Long Thọ vì ngài được mách bảo bởi bồ tát Quan Âm trong một linh kiến rằng “những lợi ích của nó đối với chúng sinh là vô cùng to lớn”. Ngài Long Thọ đã trao cho vị Dakini mặt sư tử phương pháp thực hành kinh luân, về sau vị này dạy lại cho Đức Liên Hoa Sinh, người đã truyền nó vào Tây Tạng.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng một lần quay kinh luân còn tốt hơn là nhập thất trong nhiều năm, dù nhập thất là một thực hành tâm linh mãnh liệt. Ngài bảo “Chuyển bánh xe pháp còn tốt hơn lắng nghe, suy tư và thiền định trong một tỷ năm”. Đức Liên Hoa Sinh bảo “ngay cả với kẻ thiếu kiên trì, vẫn có được những năng lực kỳ diệu. Những ai tinh tấn trì tụng Sáu âm và quay kinh luân thì không nghi ngờ gì nữa họ sẽ đạt được thập địa”.
Sử dụng kinh luân là một trong những cách thức dễ dàng nhất để tịnh hóa nghiệp tiêu cực trong quá khứ, mọi ác hạnh, nhiễm ô và những chướng ngại ngăn che chúng ta nhận ra tự tính của mình và vạn pháp. Đức Phật dạy “Lợi ích nhất chính là mọi nghiệp lực và vô minh phiền não tích tập trong chuỗi tái sinh dài vô tận được tịnh hóa dễ dàng không nhọc công”.
Chuyển thân, khẩu, ý của hành giả thành thân, khẩu, ý của một vị Phật. Thân của người đó trở thành cõi tịnh độ.
Chuyển nhà cửa và của cải của hành giả thành cõi tịnh Potala an lạc và quý báu hoặc cảnh giới cao của chư Thiên.
Cứu mọi chúng sinh trong khu vực chung quanh kinh luân không đọa vào các cõi thấp (như súc sinh chẳng hạn).
Tịnh hóa thân, khẩu và ý của hành giả.
Tích lũy lượng công đức bao la cho chính mình và mọi chúng sinh trong vùng
Ngăn chặn những tai họa gây ra bởi các tinh linh và ác ma.
Chữa lành mọi bệnh tật và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Sau đây liệt kê những lợi lạc của việc quay kinh luân được mô tả trong hai bản văn
Phật giáo Tây Tạng cổ. Trước hết là những lợi ích đề cập đến trong “Ma ni’i phan yon” hoặc “Lợi lạc của Mani”:
Những bổn tôn thiền định, chư Dakini và hộ pháp sẽ tự nhiên gia hộ bạn khi quay kinh luân.
Quay kinh luân có năng lực ban phước nhanh chóng; nó có sự thiện xảo thật lớn lao về mặt phương tiện; hành động của nó thật nhanh chóng; nó có năng lực giải thoát khỏi những chướng ngại ma quỷ, ngoại đạo, phá giới, 80,000 loài ma, 360 tinh linh xấu, 18 cái chết phi thời, ngăn ngừa mọi chướng ngại và sẽ bảo hộ chúng ta. Mọi kẻ thù đều vượt qua.
Kinh luân như viên ngọc báu: bất cứ điều gì bạn muốn, nó sẽ hoàn thành những thành tựu thông thường và siêu việt.
Quay kinh luân với sự ăn năn sám hối lớn lao sẽ loại trừ 5 hành động bị báo ứng nhãn tiền, 4 trọng tội, 8 tà kiến, 10 hành vi bất thiện.
Trong lúc bạn quay, bất kỳ ai nhìn thấy bạn quay kinh luân, chạm vào bạn hoặc kinh luân, nhớ nghĩ đến bạn hay kinh luân, được bóng của bạn hoặc kinh luân phủ lên sẽ không bao giờ đọa vào 3 đường ác, và được đưa vào con đường của Phật quả.
Tiếp theo là những lợi ích của việc quay kinh luân theo Ma ni ′khor lo′i phan yon hay còn gọi là “Lợi lạc của kinh luân”:
Quay kinh luân 1 lần tương đương với việc đọc 1 lần Tanjur (luận giải về giáo lý của Phật)
Quay 2 lần đồng đẳng với việc đọc Kanjur 1 lần (kinh Phật)
Quay 3 lần sẽ loại bỏ những chướng ngại của thân, khẩu, ý.
Quay 10 lần sẽ loại bỏ khối ác hạnh to lớn như núi Tu-di.
Quay 100 lần sẽ sánh ngang Yama, vua Pháp.
Quay 1000 lần sẽ nhận ra ý nghĩa của Pháp thân, làm lợi ích cho chính mình.
Quay 10,000 lần sẽ có khả năng làm lợi ích cho kẻ khác
Quay 100,000 lần sẽ được sinh làm người hầu của Đức Chenrezi.
Quay 1 triệu lần, chúng sinh trong sáu cõi sẽ đạt được đại dương hạnh phúc.
Quay 10 triệu lần, sẽ cứu thoát tất cả chúng sinh hữu tình khỏi địa ngục.
Quay 100 triệu lần, bạn sẽ đồng đẳng với Đức Chenrezi tôn quý.
Theo Chu klung chen po ′i m do (Kinh dòng sông vĩ đại) mỗi lần quay kinh luân sẽ có lợi lạc nhiều hơn việc thiền định trong 7 năm. Quay 1 lần lợi lạc to lớn hơn việc giảng, học giáo lý và thiền định trong 1 tỷ năm; lợi lạc hơn hẳn nỗ lực thực hành lục độ trong 1 tỷ năm, đạt ích lợi vượt trội hơn cả giảng dạy và học hỏi Tam Tạng kinh điển và 4 cấp độ Tantra trong 1 tỷ năm. Trì tụng thần chú Lục tự và quay kinh luân vào những ngày thiêng liêng thì có phước ngang bằng với 1000 vị Phật. Những ai quay kinh luân sẽ trở thành những bậc Bồ tát thân cận của 1000 vị Phật.
Nếu bạn có một Bánh xe Cầu nguyện trong nhà bạn, căn nhà của bạn sẽ giống như Potala, cõi tịnh độ của Đức Phật Di Lặc. Vào lúc chết, khi đặt kinh luân ngay trên lỗ Brahma sẽ tạo ra sự chuyển di thần thức. Nếu bạn có một bánh xe cầu nguyện ở bên cạnh khi bạn chết, bạn không cần tới pháp Chuyển Di Thần Thức (phowa). Việc có Bánh xe Cầu nguyện tự nó trở thành một phương pháp để chuyển di tâm thức bạn tới một cõi tịnh độ. Chỉ nghĩ tưởng tới một Bánh xe Cầu nguyện là đã trợ giúp cho một người hấp hối phóng tâm thức của họ lên kinh mạch trung ương và thoát ra đỉnh đầu để tái sinh trong cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà và Đức Phật Di Lặc. Chỉ chạm vào một Bánh xe Cầu nguyện là đã đem lại một sự tịnh hoá to lớn những nghiệp tiêu cực và các che chướng.
Cũng theo kinh điển Phật giáo, việc lắp đặt kinh luân mang lại lợi ích ý nghĩa vô cùng lớn lao. Khi an vị kim luân ở trên núi cao, tất cả chúng sinh phía dưới dù chạm vào hoặc trực tiếp đón nhận luồng gió phát ra từ kinh luân hay chỉ cần có duyên chiêm bái đều có thể giải thoát khỏi khổ đau của loài ngã quỷ. Khi đặt kinh luân trên ngọn lửa, tất cả chúng sinh ngửi mùi khói hoặc nhìn thấy tia sáng phát ra từ ngọn lửa đều được giải thoát. Khi kinh luân được đặt trên mặt đất, tất cả chúng sinh chạm vào mặt đất đó cũng thoát khỏi mọi đau đớn, khổ sở của quỷ đói. Để một kinh luân trong nhà sẽ mang lại từ trường an lạc, quân bình vô cùng tích cực. Các bậc thầy Kim Cương thừa dạy rằng một ngôi nhà có kinh luân sẽ được bảo hộ như Potala, cõi Tịnh độ của Đức Quan Âm, mà không cần có sự sắp đặt phong thủy hoặc an vị nào khác. Nếu biết cách an vị một Kim luân vương tại nơi nhiều người qua lại và nơi chư Thiên thường ghé thăm thì đó sẽ là bánh xe chuyển Pháp vĩ đại. Chúng sinh hữu tình hay vô tình có phúc duyên nhìn thấy bánh xe này sẽ tức thời tiêu tan mọi phiền não!
Quán tưởng đúng đắn khi quay kinh luân
Việc quay kinh luân không phải là một thực hành với tâm lơ đãng. Việc hành trì kinh luân phải được thực hiện với những mục đích đúng đắn. Việc quay kinh luân phải quán tưởng nó như sự hiển lộ của thân, khẩu và ý của chư Phật. Trên phương diện thân, tay của chúng ta quay và chuyển động kinh luân. Về phương diện khẩu, miệng chúng ta trì tụng một trong những thần chú của kinh luân (Om Mani Padme Hum). Về phương diện ý, chúng ta chuyên chú vào việc quán tưởng hoặc trì tụng, phát khởi động lực của chúng ta là vì lợi lạc của chúng sinh và sự an bình của xung quanh và toàn thể pháp giới.
Mỗi kinh luân dù lớn hay nhỏ đều có thể được người bệnh sử dụng để chữa trị. Pháp tu này rất thiết thực và rất có ý nghĩa. Kinh luân làm cho vùng đất Tây Tạng trở nên thiêng liêng và cao quý, giống như một cõi tịnh độ là vì vậy.