Nghiệp báo dưới góc nhìn Đạo Phật

Tác giả: Võ Thị Hồng Thúy

Học viên lớp Thạc sỹ Phật học Khóa I

Học Viện Phật Giáo Việt Nam Tại Hà Nội

Phật giáo được truyền bá vào nước ta từ hơn hai ngàn năm trước, với nhiều nét tương đồng với văn hoá, lối sống, phong cách tư duy của người Việt, nên đã nhanh chóng trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của cư dân nơi đây. Trải qua nhiều thăng trầm trong việc hoằng dương Phật pháp và sự kết hợp với phong tục tập quán, văn hóa bản địa, Phật giáo đã áp dụng nhiều phương tiện để giáo hóa dân chúng, đặc biệt đến thời Lý, Trần thì đã trở thành Phật giáo Việt Nam hóa, Phật giáo “tại thế gian, bất ly thế gian giác”, đi sâu vào đời sống thế tục với những câu chuyện mang tính giáo dục cao.

Cho đến nay, trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn thường nghe nói tới cụm từ “gieo nhân nào gặt quả ấy”, “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão” v.v., đồng thời nó cũng được giải thích thông qua nhiều cách khác nhau, và thường được ông bà cha mẹ giải thích rằng, vì kiếp trước không bố thí cúng dường cho nên kiếp này bị nghèo khổ, vì kiếp trước không dâng hoa cúng Phật nên kiếp này có thân hình xấu xí v.v., hay những câu chuyện cổ tích trong dân gian như Tấm Cám, Thạch Sanh v.v. là những ví dụ điển hình cho thuyết này. Có thể thấy đây là những câu chuyện và sự truyền miệng trong nhân gian, tương ứng với thuyết Luân hồi Nghiệp báo trong giáo lý nhà Phật. Mặc dù biết đây là những phương tiện để hướng con người làm thiện, tránh ác, nhưng cần phải giảng giải một cách tường tận, giúp mọi người có cái nhìn đúng đắn về Luân hồi Nghiệp báo của Phật giáo, sau khi đã hiểu thì mới sinh lòng tin, mà lòng tin là nền tảng cho sự thành công của bất kỳ công việc nào, đối với lĩnh vực tôn giáo thì càng cần phải có lòng tin sắt đá, từ đó quyết tâm tu tập để chuyển hóa nghiệp, đạt được mục tiêu cuối cùng là giải thoát.

Theo Từ điển Phật Quang, thì Nghiệp báo (業報) cũng gọi Nghiệp quả. Từ gọi chung của nghiệp và báo, nghĩa là sự báo ứng hoặc quả báo của nghiệp. Tức là quả báo khổ, vui do nghiệp nhân thiện, ác của thân, khẩu, ý, chiêu cảm.

Có thể thấy, Nghiệp được chia làm ba loại lớn thân, khẩu, ý, tức là ý niệm, ngôn ngữ và hành vi. Mọi chúng sinh đều có tư tưởng ngôn hành của mình, chính những tư tưởng ngôn hành đó khiến mọi chúng sinh đều có năng lực tạo ra bản thân và hoàn cảnh xung quanh mình, nên gọi là “Nghiệp”. Để nhấn mạnh ba thứ đó đều cùng có chức năng tạo tác như nhau, nên còn phân biệt là “Ý nghiệp”, “Ngữ nghiệp”, “Thân nghiệp”. Trong Kinh Trung A hàm, Đức Phật đã dạy:

Cù đàm chủ trương có bao nhiêu nghiệp để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp? Thế Tôn lại đáp:“Này Khổ Hạnh, Ta giảng thuyết về ba nghiệp để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Thế nào là ba? Là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.

Ni kiền Trường Khổ Hạnh hỏi:

Thưa Cù đàm, ba nghiệp này tương tự như vậy, Ngài chủ trương nghiệp nào nặng nhất để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp? Là thân nghiệp chăng? Khẩu nghiệp chăng? Ý nghiệp chăng? Thế Tôn lại đáp:

Này Khổ Hạnh, ba nghiệp này tương tự như vậy, Ta giảng thuyết ý nghiệp là nặng nhất để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Thân nghiệp và khẩu nghiệp thì không phải vậy. [1]

Đức Phật đã chỉ rõ cho ta thấy về tác dụng của ba nghiệp trong toàn bộ sự tạo tác không hoàn toàn giống nhau, trong đó Ý nghiệp là thống soái chi phối toàn bộ hoạt động của con người. Tuy chia làm ba loại, nhưng cuối cùng vẫn thống nhất trong Ý nghiệp. Vậy nghiệp vận hành như thế nào và có ảnh hưởng ra sao đối với đời người?

NGHIỆP VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO TRONG CUỘC ĐỜI CỦA CON NGƯỜI

Bằng những học thuyết về Ngũ uẩn, Thập nhị nhân duyên, Tứ diệu đế v.v. Phật giáo đã phủ định vai trò quyết định của một vị thượng đế tối cao đến sự hình thành con người cũng như cuộc sống của họ. Theo Phật giáo con người được hình thành theo lý thuyết duyên khởi, luật nhân quả, nghiệp báo v.v. Trong quá trình phát triển của mình, Phật giáo trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau từ Phật giáo nguyên thủy đến Phật giáo đại thừa, rồi các tông phái Phật giáo khác nhau, nhưng cơ bản thì vẫn xoay quanh vấn đề về sự khổ đau của con người và cách thức để giúp chúng sinh giải thoát khỏi những khổ đau trong cuộc sống, giúp chúng sinh tiến gần về cõi Niết bàn.

Khi nói về nghiệp vận hành và có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc đời con người, thì phải đề cập đến Thập nhị nhân duyên, cũng gọi Thập nhị chi duyên khởi, Thập nhị nhân duyên khởi, Thập nhị duyên khởi v.v., đó là 12 điều kiện cấu thành sự sinh tồn của loài hữu tình. Phật giáo nhắc đến sự vận hành của mười hai nhân duyên cũng chính là nói về sự vận hành con người trong vũ trụ. Trong Kinh Trường A hàm, Phật giảng về mười hai chi này và quan hệ của chúng như sau:

Này A Nan! Bởi nhân duyên như thế: do vô minh làm duyên cho hành, do hành làm duyên có thức, do thức làm duyên có danh sắc, do danh sắc làm duyên có lục nhập, do lục nhập làm duyên có xúc, do xúc làm duyên có thọ, do thọ làm duyên có ái, do ái làm duyên có thủ, do thủ làm duyên có hữu, do hữu làm duyên có sinh, do sinh làm duyên có lão tử ưu bi khổ não, tập trung thành một khối đại hoạn. Đó là nhân duyên của cái đại khổ ấm (thân) vậy.[2]

Mười hai nhân duyên là giáo lý Duyên khởi của Phật giáo. Nếu nhìn theo chiều dọc từ trên xuống dưới, thì chi phần trên làm duyên cho chi phần dưới phát sinh. Vô minh là Hoặc nhân của quá khứ, làm duyên phát sinh Hành nghiệp. Vì là nhân quá khứ, nên hiện tại chúng ta không thể sữa đổi gì được đối với Vô minh, mà chủ yếu chỉ chuyển hóa nhân hiện tại là Ái, Thủ, Hữu. Nhân hiện tại bị diệt trừ thì không có quả vị lai. Vô minh có mặt trong Hành nên tác ý khởi niệm, sinh phiền não; đến lượt phiền não trở lại tác động làm Vô minh nặng thêm. Đây là liên hệ hai chiều, Vô minh duyên Hành và Hành cũng duyên Vô minh. Vô minh cũng đồng thời có mặt trong Thức, Danh sắc, Lục nhập v.v.. Nếu Thức không có Vô minh vì sao lại bị nghiệp dẫn lối, Thụ sinh theo nghiệp? Nếu Lục nhập không có Vô minh sao đối duyên xúc cảnh lại sinh tâm phân biệt, không thấy được thực tướng của các pháp? Nếu Ái không có Vô minh thì không có ý thức chấp ngã và ngã sở. Vì có Vô minh mới có phiền não, mà phiền não khổ đau thì luôn hiện hữu trong cuộc sống. Suy ra toàn bộ các chi phần khác, chúng ta sẽ thấy rõ sự tương quan trùng trùng điệp điệp, mỗi chi phần có liên hệ nhân duyên với chi phần kế cận, đồng thời cũng liên hệ như thế với tất cả những chi phần còn lại. Sự tương quan này mật thiết trong cả không gian lẫn thời gian, không có điểm đầu tiên, cũng không có điểm tận cùng. Mười hai nhân duyên là cơ sở lý luận của luân hồi nghiệp báo trong Phật giáo. Nó là sợi dây xích nhân quả trải qua ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, quả đời nay tất nhiên có nhân đời trước, nhân đời nay ắt sẽ dẫn tới quả đời sau. Sự vận hành tuần hoàn của mười hai chi trong nhân quả ba đời là như sau:

Sợi dây xích nhân quả mười hai nhân duyên đã nhấn mạnh về tính tất nhiên của mối liên hệ nhân quả này là không thể mất đi và không thể biến đổi, đều phát sinh trên bản thân con người có hành vi đó, không có liên quan gì với người khác và sức mạnh khác. Bởi vậy tư tưởng hành vi của bản thân chúng sinh được coi là hạt giống nhân duyên sinh thành và quyết định vận mệnh sau đó, gọi là “Nghiệp”, từ đó khiến tự thân nhận được kết quả tương ứng, đấy gọi là “Báo”, hai khái niệm này đã tạo thành cặp phạm trù nghiệp báo.

ẢNH HƯỞNG CỦA NGHIỆP ĐỐI VỚI CUỘC ĐỜI CỦA CON NGƯỜI

Những gì chúng ta làm có động cơ từ những gì ta nghĩ, các hành động có chủ ý, khi được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo ra một thói quen, cách suy nghĩ, cảm nhận, hành động và phản xạ theo thói quen đó sẽ xây dựng và hình thành nhân cách của con người, và nhân cách đó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời của chính chúng ta, đúng như câu nói: “Gieo ý tưởng, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận.” Cách nói này tương ứng với thuyết Duyên khởi của Phật giáo, mệnh đề cơ bản của thuyết duyên khởi trong Phật giáo là: “Vì cái này có, cái kia có. Vì cái này sinh, cái kia sinh. Vì cái này không, cái kia không. Vì cái này diệt, cái kia diệt.[3]

Ý muốn nói thế giới là những mối liên hệ phổ biến, không có hiện tượng tồn tại cô lập, bất cứ hiện tượng nào cũng đều ở trong sinh biến diệt hoá, không có sự vật vĩnh hằng bất biến. Những sự liên hệ và biến hoá này chỉ khi ở trong điều kiện nhất định mới có thể dẫn khởi, đấy gọi là “duyên khởi”, nghĩa là: “Có nhân, có duyên để thế gian tập khởi; có nhân, có duyên cho sự tập khởi của thế gian. Có nhân, có duyên để thế gian diệt; có nhân, có duyên cho sự diệt tận của thế gian.[4]Trong này, nhân là chỉ những điều kiện có tác dụng mang tính quyết định trong các duyên. Lìa nhân duyên thì không có mọi thứ trong thế gian.

Nhiệm vụ chủ yếu của thuyết Duyên khởi là phải nói rõ nguồn gốc của các hiện tượng xã hội nhân sinh và sự thay đổi của thế giới. Vì sao thế gian hữu tình lại có sự phân biệt giữa lục đạo? Vì sao cùng là con người mà lại có các hiện tượng xã hội bất bình đẳng, có sự giàu nghèo, sang hèn, trên dưới v.v.? Có sự phân biệt về vận mệnh cá nhân như sang hèn, thọ yểu v.v.? Vì sao lại có đủ loại khác biệt của giới tính như nam nữ, đẹp xấu, trí ngu v.v. Nói cách khác chính là do sự hành nghiệp của chúng sinh là thiện hay ác, mà họ được thụ báo với quả tương ứng đúng như lời Đức Phật trả lời câu hỏi của ngài Anh Vũ Ma nạp Đô đề tử như sau:

Bạch Cù đàm, do nhân gì, do duyên gì, chúng sinh kia đều thọ thân người mà có người cao kẻ thấp, có người đẹp kẻ xấu. Vì sao vậy? Bạch Cù đàm, tôi thấy có kẻ sống lâu, người chết yểu; có kẻ nhiều bệnh, người ít bệnh; lại thấy có kẻ thân hình đoan chính, có người không đoan chính; lại thấy có kẻ có oai đức, người không oai đức; lại thấy có kẻ sinh nhằm dòng dõi tôn quý, có người sinh nhằm dòng dõi ti tiện; lại thấy có kẻ giàu có, có người nghèo hèn; lại thấy có kẻ thiện trí, có người ác trí.

Đức Thế Tôn trả lời: “Chúng sinh kia do nơi hành nghiệp của chính mình, nhân bởi nghiệp mà thọ báo, duyên vào nghiệp, y nơi nghiệp, tùy theo nơi nghiệp xứ có cao thấp mà chúng sinh có tốt đẹp hay không tốt đẹp.[5]

Đức Phật đã giải thích sự khác nhau về cuộc sống của con người chính là sự khác biệt về Nghiệp. Nghiệp chính là chủ nhân khiến sự sống của con người có sự khác biệt. Có nghĩa là cuộc sống mà chúng ta đang sống, đều do chính chúng ta tạo ra, không có một thế lực của Thượng đế hay Phạm thiên, ngay cả đức Phật cũng không có quyền năng quyết định cuộc sống chúng ta. Ngài chỉ cho chúng ta biết, con người vốn có khả năng hiểu biết, sự hiểu biết đó là chủ nhân quyết định cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau cho đời sống hiện tại và ngày mai của chính mình, đó là ý nghĩa của câu y nơi nghiệp, tùy theo nơi nghiệp xứ có cao thấp mà chúng sinh có tốt đẹp hay không tốt đẹp.

Thuyết Duyên khởi của Phật giáo đã nói rõ giữa nhân duyên và kết quả tồn tại một mối liên hệ biện chứng, đã tồn tại thì đều có nguyên nhân, mà đã có nguyên nhân thì ắt sẽ có kết quả, không có nguyên nhân thì không có kết quả, cũng không có kết quả mà không có nguyên nhân, nhân ắt có quả, quả ắt có nhân. Mối liên hệ tồn tại giữa nhân quả này là một qui luật tất nhiên không thể nghịch chuyển, không thể trốn tránh, không thể phá bỏ, nó giống như mối liên hệ giữa hạt giống và quả trong sự sinh trưởng của thực vật, chính là bản mẫu của luật thép nhân quả, nhà Phật luôn luôn viện dẫn làm ví dụ để nói rõ quá trình của đời người, trạng thái tồn tại của chúng sinh chính là hạt giống, hoạt động của bản thân chúng sinh là nhân duyên tạo nên bản thân chúng sinh, sáng tạo ra điều kiện sinh hoạt tương ứng và quyết định toàn bộ vận mệnh của chúng sinh. Điều kiện sinh hoạt, thân phận xã hội và toàn bộ cảnh ngộ của chúng sinh, chính là kết quả tất nhiên của các hoạt động do chính chúng sinh tạo nên. Hết thảy chúng sinh đều ở trong màng lưới đan nhau của luật thép nhân quả như vậy. Hiện trạng của chúng sinh là do tư tưởng hành vi trong quá khứ của họ gây ra. Hiện tại họ chỉ là một hình thái tiếp nhận những hành vi trong quá khứ, bởi vậy tư tưởng hành vi quá khứ là “nhân”, tình trạng cuộc sống hiện tại là “quả”, tư tưởng hành vi hiện tại ắt gây ra tình cảnh cuộc sống trong tương lai, do đó quả của tương lai đã bắt nguồn từ nhân trong hiện tại. Vì thế, chúng ta chỉ có thể chuyển hóa ba nhân hiện tại là “Ái, Thủ, Hữu” để diệt trừ quả “Sinh Tử” trong vị lai, như Kinh Pháp Cú câu 216 nói:

Tham ái sinh sầu ưu,

 Tham ái sinh sợ hãi.

 Ai thoát khỏi tham ái,

 Không sầu, đâu sợ hãi.

Từ những lý thuyết trên, có thể rút ra được kết luận chính xác rằng, cá thể là bất hủ, nhưng cá thể này trong quá khứ rất có thể là một vị “trời” nào đó, tới hiện tại có thể đã biến thành “súc sinh”; hiện tại thế có thể ở tầng thấp nhất của xã hội, tương lai thế có thể sinh ở tầng lớp cao nhất trong xã hội, điều này hoàn toàn dựa vào việc người đó hành thiện tu đạo hay là trầm mê làm ác. Vì thế, cá thể dù là trong cảnh ngộ gian nan thế nào, đều có lý do để nuôi hy vọng tràn trề, còn kẻ quyền thế cũng không có gì bảo đảm sẽ giữ được vị trí của mình mãi mãi. Cho nên thuyết Nghiệp báo chính là tự làm tự chịu, chớ hỏi trời, đừng trách người, vận mệnh nằm ngay trong tay mình, mọi cảnh ngộ hoàn toàn đều do mình chịu trách nhiệm. Vậy Nghiệp có thể chuyển đổi được không? Chuyển đổi bằng cách nào? Nếu không chuyển đổi được thì tu có ích gì, vì mọi nhân xấu ác đã sớm hình thành từ trong quá khứ, đời này chỉ việc nhận quả báo mà thôi, không lẽ tu chỉ để cho đời sau thôi ư?

NGHIỆP CÓ THỂ CHUYỂN ĐỔI ĐƯỢC KHÔNG HAY CỐ ĐỊNH MÃI MÃI?

Theo thuyết nhân quả thì người đã tạo nghiệp phải nhận quả báo tương ứng, vậy trước kia lỡ gây nhân xấu ác, thì bây giờ chúng ta tu có được lợi ích gì, vì nhân nào quả nấy? Nếu gây nhân nào phải chịu quả nấy, thì tu làm sao hết khổ? Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa đơn giản, thông thường thì sẽ hỏng mất Bồ đề tâm, vì có tu cũng chẳng chuyển được quả xấu. Nhưng lý nhân quả của đạo Phật đã chỉ cho ta thấy, Tu là để chuyển hóa nỗi khổ đau thành yên vui hạnh phúc, tùy vào khả năng tu tập của chúng ta. Trong Kinh Tăng Chi Bộ Đức Phật dạy ai gieo nhân bất thiện, nhưng biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ thay đổi. Nếu người gây nhân bất thiện mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm thì mới gieo nhân nào thọ quả nấy như sau:

Có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỳ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.[6]

Có thể thấy, nếu biết ăn năn, tu tập và làm những nghiệp thiện để bù đắp lại những nhân xấu ác đã gây ra, thì quả báo sẽ được xoay chuyển, có thể giảm nhẹ đi, cho đến chút ít cũng không thấy, nên Phật dạy Tu là chuyển nghiệp. Vì thế, nói nhân nào quả nấy là chỉ cho những người không chịu tu, vì họ chấp nhận số phận đã an bài nên càng tạo nghiệp xấu nhiều hơn, còn người biết tu thì sẽ biết sám hối, tuỳ theo khả năng tu tập của từng người mà quả khổ sẽ thay đổi, chứ không cố định “nhân nào quả đó” như khi chưa biết tu, tức chưa biết sửa đổi. Điều này Phật lại nói rõ trong Kinh Tăng Chi Bộ 1 như sau:

Ví như, này các Tỳ kheo, có người bỏ một nắm muối vào trong một chén nước nhỏ. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỳ kheo, nước trong chén ấy có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được, phải không?

– Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Nước trong chén nhỏ này là ít, do nắm muối này, nước trở thành mặn, không uống được.

– Này các Tỳ kheo, ví như có người bỏ một nắm muối vào sông Hằng. Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo, sông Hằng ấy có vì nắm muối này trở thành mặn và không uống được phải không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Lớn là cả khối nước sông Hằng. Khối nước ấy không vì nắm muối này trở thành mặn và không uống được.[7]

Ở đây, nhân xấu ác ví như vị mặn của nắm muối khi hòa tan trong ly nước nhỏ, không thể giải khát được vì quá mặn. Nhưng cùng là vị mặn của nắm muối hòa tan vào sông Hằng, thì gần như không còn vị mặn, nước có thể sử dụng được bình thường. Cũng như thế, người mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm, khi tạo nhân xấu ác thì trả quả ác nguyên vẹn, giống như nắm muối hòa tan trong ly nước nhỏ, do lượng muối và nước tương đương nên không giải khát được. Nhưng người biết tu thân, tu giới, thì giống như nắm muối hòa tan vào sông Hằng, không thấy vị mặn nữa, nước vẫn được sử dụng bình thường. Chính vì vậy, khi chót làm điều xấu ác, thì chúng ta phải biết tu thân, tu giới, tu tâm, mới chuyển hóa được quả xấu. Cho nên tu là chuyển nghiệp, tu là chuyển hóa khổ đau thành yên vui hạnh phúc. Vậy chúng ta chuyển đổi nghiệp bằng cách nào?

PHẬT DẠY PHƯƠNG PHÁP CHUYỂN ĐỔI NGHIỆP

Như trên đã trình bày, nhân quả xấu có thể thay đổi được tức là có thể chuyển nghiệp được, vậy làm thế nào để chuyển nghiệp? Trong Kinh Trung A hàm Phật dạy Tu là quán sát ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý:

Này La vân, nếu trong quá khứ đã có những vị Sa môn, Phạm chí tạo nghiệp thân, khẩu, ý; đã quán sát rồi, lại quán sát nữa; đã thanh tịnh, lại thanh tịnh nữa. Tất cả những vị ấy, ngay nơi nghiệp thân, khẩu, ý của mình, quán rồi lại quán nữa, đã tịnh rồi lại tịnh hơn nữa. Này La vân, nếu trong vị lai sẽ có những vị Sa môn, Phạm chí tạo nghiệp thân, khẩu, ý, sẽ quán rồi lại quán nữa, sẽ thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn. Tất cả những vị ấy ngay nơi thân nghiệp, khẩu, ý nghiệp của mình, quán rồi lại quán nữa, sẽ thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn.

“Này La vân, ngươi nên học như thế. Chính Ta cũng ngay nơi nghiệp thân, khẩu, ý của Ta, đang quán rồi lại sẽ quán, đang thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn[8].

Bằng những lời pháp thoại trên, Đức Phật khuyên mỗi người chúng ta phải biết thường xuyên theo dõi, cân nhắc và phản tỉnh thật kỹ mọi hành động của tam nghiệp thân, khẩu, ý, dù chúng là thiện hay bất thiện, thì cũng phải quán sát để từ đó nỗ lực thực hành hoặc chuyển hoá chúng từ xấu thành tốt, từ ác sang thiện, để luôn giữ được thanh tịnh, thậm chí đã thanh tịnh rồi vẫn phải quán sát để càng thanh tịnh hơn.

Trong kinh Trung A hàm Phật đã chỉ rõ cho chúng ta biết tam nghiệp Thân, Khẩu, ý có 10 nghiệp bất thiện đưa đến khổ báo, thụ khổ quả, đó là: “Thân cố ý tạo ba nghiệp bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ khổ quả. Miệng có bốn nghiệp, ý có ba nghiệp bất thiện, đưa đến khổ báo, thọ khổ quả.” [9] Vậy chúng ta phải thanh tịnh mười nghiệp bất thiện này như thế nào trong đời sống hàng ngày? Đó chính là phải tu Thập thiện, để tạo nhân duyên, phúc báo, sao cho đời này được yên vui, kiếp sau cũng được giàu sang, phú quý. Thập thiện gồm ba nghiệp thiện về Thân, bốn nghiệp thiện về Khẩu, ba nghiệp thiện về Ý, cụ thể như sau:

Về Thân: Phải thanh tịnh ba nghiệp

1, Không sát sinh: Từ bỏ sát sinh có nghĩa là không hủy hoại cuộc sống của mọi loài, của bản thân, không sai người khác giết hại, không sinh lòng vui mừng khi thấy người khác giết. Không những không sát sinh, mà chúng ta còn phải tìm mọi cách để cứu sống chúng sinh như cứu người trong lúc nguy nan, phóng sinh các loài động vật, không nuôi chim lồng, cá chậu v.v…

2, Không trộm cắp: Ai cũng biết trộm cắp là lấy những tài vật thuộc quyền sở hữu của người khác mà không có sự ưng thuận, hay cưỡng ép người ta ưng thuận bằng vũ lực hay quyền hành. Những vật quý giá như nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc, ngọc ngà v.v. cho đến vật hèn mọn như lá trầu, trái ớt, người ta không cho mà mình cố lấy đều là trộm cắp.

3, Không tà dâm: Tà dâm tức là muốn nói về sự dâm dục phi lễ, phi pháp. Khi vợ chồng có cưới hỏi đủ lễ gọi là chính, ngoài ra, lén lút tư tình làm việc phi pháp với người khác phái gọi là tà. Nhưng nếu vợ chồng chính thức đi nữa, mà nằm không phải chỗ, gần gũi nhau không chừng mực thì cũng thuộc về tà dâm. Nói tóm lại, phàm những sự phóng tâm đắm sắc, nghĩ ngợi bất chính, chơi bời lả lơi, cũng đều thuộc về loại tà dâm.

Về Khẩu: Phải thanh tịnh bốn nghiệp

4, Không vọng ngữ, nói dối: Từ bỏ nói dối có nghĩa là không nói sai sự thật, trừ khi gặp trường hợp đặc biệt, vì muốn đem đến yên vui cho người khác, thì có thể tạm thời nói không đúng sự thật, nhưng sau đó phải tìm cơ hội giải thích lại cho người đó biết.

5, Không nói lời hung dữ, thô ác: Từ bỏ nói lời hung ác có nghĩa là không dùng lời lẽ thô tục, hung bạo v.v., làm cho người khác phải buồn phiền, không được định tâm. Là người Phật tử, chúng ta phải luôn biết vận dụng “Tứ nhiếp pháp” để giao tiếp với mọi người xung quanh, cho nên luôn nói những lời dịu dàng, từ ái hợp với chân lí, như thế tình cảm giữa người với người trong gia đình, xã hội v.v. mới ngày càng trở nên sâu đậm, cùng giúp đỡ nhau tu theo thiện pháp, để cùng được hưởng cuộc sống an vui, hạnh phúc.

6, Không nói lời thêu dệt: Từ bỏ nói lời thêu dệt có nghĩa là không nên thêm bớt trong lời nói để làm cho câu chuyện sai với sự thật. Hoặc dùng lời nói hoa mỹ, bóng bẩy mê hoặc nhằm hãm hại người v.v., là người Phật tử tu hành đạo giải thoát, khi nói ra bất cứ điều gì đều phải đúng như thực, đạo đức, khế hợp với ý đạo, để đem lại yên vui cho bản thân và những người xung quanh.

7, Không nói hai lưỡi: Từ bỏ nghiệp nói hai lưỡi, có nghĩa là không được dùng những lời lẽ không đúng với sự thực để gây chia rẽ mối quan hệ của những người xung quanh, gây thương tổn cho nhau.

Về Ý: Phải thanh tịnh ba nghiệp

8, Không tham lam: Tham lam là gốc của sinh tử luân hồi. Tham lam hay tham dục nghĩa là tham đắm ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thuỳ), tài là của cải vật chất, danh là danh vọng, sắc là sắc đẹp, thực là sự ăn uống và thùy là ngủ nghỉ. Năm điều này chúng ta không ai có thể tránh khỏi, hơn nữa lòng tham của con người là vô đáy, có bao nhiêu cũng chưa thấy đủ. Cho nên Phật dạy chúng ta phải từ bỏ tham lam, bởi khi đắm chìm trong ngũ dục là sa vào con đường tội lỗi, gieo nhiều ác nghiệp và cuối cùng phải chuốc lấy khổ đau, đọa đày mãi trong lục đạo luân hồi.

9, Không Sân nhuế: Từ bỏ sân hận nghĩa là không hung hăng, nóng giận khi đối đầu với những việc trái ý nghịch lòng. Sân hận là một tính xấu, nó như ngọn lửa, mỗi khi bùng cháy thì có thể đốt sạch cả rừng công đức đã gieo trồng nhiều đời, cho nên Đức Phật dạy rằng: “Một niệm sân nổi lên là trăm nghìn cửa nghiệp chướng đều mở”. Do đó, người Phật tử phải làm chủ tâm mình, luôn hành trì Tứ vô lượng tâm, thương yêu tất cả mọi loài để diệt trừ lòng sân.

10, Không tà kiến: Người không tà kiến có cuộc sống trí tuệ sáng suốt, tỉnh táo, sống hòa hợp đúng đắn, được mọi người nể trọng. Là người có sự hiểu biết đúng đắn (chính kiến) và suy nghĩ đúng đắn (chính tư duy), không nhận định một cách mê mờ, không cố chấp vào kiến thức chủ quan của mình, không tin vào tà thuyết hay những điều không hợp với giáo lý nhà Phật. Người không tà kiến là người có trí tuệ, biết rõ luật nhân quả, biết làm điều lành tránh điều ác.

Qua lời Phật dạy có thể thấy, số phận con người hoàn toàn tùy thuộc vào những hành động bằng thân, khẩu, ý của họ, không do bất cứ đấng quyền năng hay ngoại lực nào chi phối, chỉ có ý nghĩ tạo nghiệp của con người mới quyết định số phận của họ ngay thời khắc hiện tại và trong suốt cả cuộc đời. Con người là nhà thiết kế cho chính cuộc đời mình và phải chịu trách nhiệm cho khổ đau và hạnh phúc của chính bản thân mình, nên khi phản tỉnh phát hiện những sai lầm hay xấu ác của bản thân, thì phải tu sửa và điều chỉnh hành vi của mình cho thiện. Như vậy, một người Phật tử chân chính không thể là một người chạy trốn thực tại, mà phải đối diện với cuộc đời đúng như nó có và không được lẩn tránh nó. Một thái độ thụ động không thể nào ngăn chặn được nghiệp lực, trái lại tích cực hoạt động vì điều thiện mới là điều hết sức thiết yếu cho hạnh phúc của con người. Vì thế, Đức Phật dạy không nơi ẩn náu nào có thể thoát khỏi quả của nghiệp: “Không trên trời, giữa biển, Không lánh vào động núi, Không chỗ nào trên đời, Trốn được quả ác nghiệp.[10]

Như vậy, nghiệp báo trong Phật giáo đã giải thích được những bất bình đẳng hiện hữu giữa nhân loại. Những bất bình đẳng này không chỉ do đặc tính di truyền, môi trường xung quanh và thiên nhiên tạo ra, mà còn do nghiệp hay kết quả của những hành động chúng ta tạo tác nữa. Thực sự nghiệp chỉ là một trong những yếu tố có trách nhiệm cho sự thành công và thất bại trong cuộc đời chúng ta.

[1]Thích Tịnh Hạnh dịch (2000),  Đại Tập 4 – Bộ A hàm IV – Kinh Trung A hàm Số 2, Kinh Ưu ba ly, Nxb Đài Loan, tr.113.

[2] Thích Đức Trí tuyển dịch (2003), Kinh Trường A hàm, Kinh Đại Duyên Phương Tiện, Nxb Tôn Giáo, tr.218.

[3] Kinh Phật Tự Thuyết Udana, Tiểu Bộ Kinh I, trang 291.

[4] Thích Tịnh Hạnh dịch (2000), Đại Tập 5 – Bộ A hàm V – Trung A hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A hàm Số 1, Tạp A hàm Quyển 2 – Kinh 33: Phi Ngã, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, trang 588.

[5] Kinh Anh Vũ, Tuệ Sỹ dịch (2008), Kinh Trung A hàm Tập 2, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.185

[6] Kinh Tăng Chi Bộ 1 (1996), Chương III Ba Pháp X. Phẩm Hạt Muối, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr. 452.

[7] Kinh Tăng Chi Bộ 1 (1996), Sđd., tr. 453.

[8] Thích Tịnh Hạnh dịch (2000), Đại Tập 3 – Bộ A hàm III – Kinh Trung A hàm Số 1, Kinh La – Vân, Nxb Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, tr. 92-94.

[9] Thích Tịnh Hạnh dịch (2000), Sđd., tr. 97

[10] Kinh Pháp Cú 09, Phẩm Ác, tụng 127

Bình luận
Tin cùng chuyên mục