Ngôi chùa cổ 300 năm Sắc Tứ Trường Thọ – Hoành phi, Bao lam, Liễn đối

                                                                                THÍCH NỮ HIỀN NGHĨA

Chùa Sắc Tứ Trường Thọ tọa lạc tại 791 Phan Văn Trị, phường 7, Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được Hòa thượng Đại Năng thành lập vào năm 1720 (Canh Tý) với tên là Vĩnh Trường tự. Đây là một trong những ngôi chùa thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đầu tiên ở phủ Tân Bình, dinh Phiên Trấn, tỉnh Gia Định. Đại Nam Nhất Thống Chí chép rằng: “Chùa Pháp Vũ ở thôn Hòa Mỹ huyện Bình Dương, từ trước không rõ là ai dựng, năm Gia Long thứ 7, Hòa thượng Nguyễn Công Thắng sữa chữa, năm Minh Mạng thứ ba cho tên là Pháp Vũ tự”. Đến thời vua Tự Đức chùa đổi tên thành Sắc Tứ Trường Thọ tự. Thời Pháp thuộc chiến tranh loạn lạc, chùa phải di dời đến ba lần, từ vùng Đa Kao quận 1 về quận 12 rồi đến Gò Vấp, vị trí hiện tại. Chùa Sắc Tứ Trường Thọ ở Gò Vấp năm xưa có quy mô lớn. Chùa có Tăng đường (đông lang, tây lang) nhưng nay chỉ còn một dãy nhà hai khối kết vào nhau làm theo lối cổ truyền với kèo cột đơn sơ. Tuy nhiên trong ngôi chùa nhỏ bé lụp xụp này lại bảo tồn rất nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, gắn với việc hình thành và phát triển Phật giáo trên vùng đất Gia Định xưa[1].

Hoành phi

Toàn bộ chùa có 08 bức hoành phi, 04 bức tại chính điện, trước hậu tổ 01 bức, trai đường 03 bức. Hầu hết các bức hoành này đều do Phật tử cúng dường. Sáu bức hoành phi đều được tạo lập vào năm Quý Mão, nhưng chưa rõ là năm nào, còn một bức năm Canh Thìn và một bức không ghi năm tạo lập.

Tất cả các hoành phi đều được làm bằng gỗ. Bảy bức khắc chìm chữ Hán trên mặt phẳng, hoa văn trang trí trên những bức hoành này được khắc chìm, nổhi khác nhau. Chỉ có một bức “Chính pháp hưng long” là khắc chữ nổi, hoa văn trang trí cũng được khắc nổi theo chữ. Mặt hoành trơn láng, sơn nền đỏ, chữ vàng. Chạm khắc công phu, tinh tế với nguyên tắc đăng đối chiếm địa vị chủ đạo, chi phối toàn bộ bố cục các bức hoành.

Phong cách chạm khắc còn ảnh hưởng Trung Hoa, thể hiện qua chữ viết và hoa văn trang trí. Hoành phi là bảng nằm ngang, chữ viết chính và phụ đều bằng chữ Hán, lối viết các câu từ phải sang trái, phần lạc khoản viết dọc từ trên xuống. Hoa văn trang trí đường viền xung quanh là những dạng hoa văn thể hiện sự trang trọng và tôn nghiêm như mô típ “Lưỡng long chầu nhật”, chim phụng, mây bay, hình ô học, cuốn thư thắt nơ, quyển sách, bình hồ lô, hoa lá sen…

Hoành phi là một trong những dấu ấn về lịch sử ngôi chùa qua hai lần vua sắc tứ, trên bức hoành phi Sắc Tứ Pháp Vũ TựSắc Tứ Trường Thọ Tự. Các hoành phi còn lại phản ánh một phần nội dung tư tưởng PG, đề cao tinh thần nhập thế xiển dương Chính pháp và thể hiện tấm lòng mộ đạo, trình độ, năng lực của người dâng cúng. Đồng thời cũng phản ánh tư tưởng, phong cách nghệ thuật ở các ngôi chùa từ thế kỷ XVIII- XIX. Qua hình ảnh của các hoa văn trang trí nói lên tính “Tam giáo đồng nguyên” và tính chất dung hợp của PG NB. (xem thêm vị trí hoành phi trên sơ đồ tại phần phụ lục).

Hoành phi tại Chính điện

Hoành phi Giác Hoàng Điều Ngự (覺皇調禦)

Hoành phi được treo trên xà ngang của tiền đường trước bàn thờ Tam bảo, cao 76 cm, dài 212 cm, làm bằng gỗ, chạm chữ và hoa văn khắc chìm. Hoành phi có nẹp viền xung quanh, đường viền màu đen, nền viền đỏ, kỹ thuật tạo hoành bằng cách ghép gỗ. Nền viền trên và dưới đều khắc trang trí lưỡng long chầu nhật, bốn góc là hoa văn tựa như hình con dơi đang dang rộng đôi cánh, hai bên là hai con chim phụng đầu hướng lên trên, mắt nhìn vào ô chữ. Hai bên phải và trái bức hoành có phần lạc khoản ghi bằng chữ Hán, bên phải: Quý Mão niên nhị nguyệt, sơ thập lập[2] (Tiết Lập Xuân, ngày 10 tháng 2, năm Quý Mão); Bên trái: Bổn đạo: Phạm Văn Thiếp, Nguyễn Thị Lữ phụng cúng[3].

Lưỡng long triều ngọc[4] là mô típ hai rồng chầu ngọc, thường được khắc trên mái chùa, đình, đền miếu thể hiện sự quy phục thần thánh, là biểu tượng văn hóa của dân tộc. Long là linh vật đứng đầu trong tứ linh vật; Long, Lân, Quy, Phụng. Trung Quốc cho rằng tứ linh là đại diện của bốn vị thần cai quản bốn phương gồm: Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước. Tứ linh còn biểu tượng cho bốn nguyên tố cấu tạo nên vũ trụ là đất, nước, lửa, gió. Gần đây một số học giả như Kim Định, Nguyễn Thiếu Dũng, Thích Viên Như cho rằng Kinh Dịch có nguồn gốc từ người Việt. Bởi vì Dịch của Trung Quốc chỉ phổ biến Tiên Thiên Đồ (Trời) và Hậu Thiên Đồ (đất) còn Trung Thiên Đồ (nhân/ con người) đã được tổ tiên người Việt gìn giữ qua truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ[5], mà “Lưỡng long chầu ngọc” chính là Trung Thiên Đồ được cách điệu.

Tùy theo quan điểm và phong tục tập quán của từng địa phương, từng thời đại mà có quan niệm về các di sản văn hóa khác nhau. Riêng tác giả cho rằng hình tượng “Lưỡng long chầu ngọc” được khắc trang trí trên mái chùa, thiền viện, tu viện … và khắc, in trong các kinh sách, pháp khí… cũng là biểu tượng văn hóa của PG. Vòng tròn ở giữa là tượng trưng cho trí tuệ Phật (Phật tri kiến), còn hai con rồng âm dương hai bên là tượng trưng cho vương quyền, vua chúa, đại diện cho mọi sức mạnh ở thế gian, cũng là đại diện cho sức mạnh vũ trụ. Hai con rồng cùng chầu về hạt ngọc là thể hiện lòng tôn kính đối với đức Phật. Trí tuệ Phật vượt lên mọi tri kiến thế gian. Mọi quyền uy đều phải quy phục trước trí tuệ và lòng từ bi của đức Phật.

Phụng là linh vật cuối cùng trong tứ linh, còn gọi là Phượng hoàng, là linh vật tối cao sánh ngang với Rồng, là biểu tượng của thánh nhân, sự nhân từ, hạnh phúc. Người xưa quan niệm khi Phượng hoàng xuất hiện thì đất nước sẽ thái bình thịnh trị. Phượng hoàng là loài chim đẹp nhất trong 360 loài chim với sự kết tinh được vẻ đẹp, sự mềm mại, thanh lịch và sự duyên dáng của tất cả loài chim. Phụng còn là linh vật tượng trưng cho vương quyền, đó là hoàng hậu.

Người xưa dùng hình tượng con dơi để tượng trưng cho sự phước báu, vì con dơi âm Hán Việt là Bức, hình thức viết gần giống chữ Phúc, nên người ta dùng hình dơi để thể hiện cho phúc[6].

Chùa Sắc tứ Trường Thọ thuộc dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán, là một dòng thiền thuộc chi phái Lâm Tế nhưng mang đậm phong cách của văn hóa PG người Việt, được thiền sư Liễu Quán biệt xuất và phát triển vào thế kỷ XVIII tại miền Trung. Chùa Sắc tứ Trường Thọ trên vùng đất Gia Định – Sài Gòn cốt yếu truyền bá pháp môn niệm Phật Tịnh độ, nhưng bức hoành phi có ý nghĩa của Thiền tông Việt Nam (Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử), lại được treo ngay trước thượng điện. Phải chăng chư tổ muốn gửi gắm nơi đây một tư tưởng độc lập, mặc dù chùa tu theo pháp môn Tịnh độ có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng luôn được dung hòa và khế hợp với tư tưởng người Việt Nam, dù là Tịnh độ hay Thiền tông khi đến Việt Nam, dưới sự tiếp nhận và liễu đạt của người Việt thì nó trở nên độc lập, không bị lệ thuộc phương Bắc. Bức hoành phi còn chứng tỏ đây là nơi tu hành có sự dung hòa giữa Thiền và Tịnh.

Hoành phi Vô Thượng Chí Tôn (無上至尊)

Bức hoành chiều dài 135cm, cao 70cm, treo trên xà ngang trước bàn thờ Tam bảo, từ phải sang trái thuộc bức số 2. Cũng được làm bằng cách ghép gỗ có viền bao quanh, nền đỏ, chử vàng, ghi bằng chử Hán: Vô thượng chí tôn. Hai bên hoành là hai hàng chử Hán viết dọc, Bên phải ghi: Đại Nam tuế thứ quý mão niên trọng xuân thượng nhật cát tạo, (Nước Đại Nam Ngày đầu tháng hai mùa xuân năm quý mão xây dựng), Bên trái ghi: Khánh hạ đệ tử Đoàn Công Kiệt Trần Thị Diệu phụng cúng. Niên hiệu Đại Nam bắt đầu từ thời vua Minh Mạng đến hết đời vua Bảo Đại của nhà Nguyễn (1839-1945), như vậy năm Quý Mão trong niên hiệu Đại Nam là năm 1843. Thời gian chùa di dời được xác định trong khoảng từ năm 1865 – 1890, như vậy năm 1843 chùa vẫn còn ở Đa Kao quận 1 bây giờ với tên là Sắc Tứ Pháp Vũ Tự (Pháp Vũ Tự), có thể đây là một trong những năm chùa được trùng tu và khánh thành, vì hai chử “khánh hạ” khắc trong hoành có nghĩa là “chúc mừng”.

Nền viền hoành phi trang trí xung quanh được sơn màu đỏ, đường viền màu vàng, đã bị mờ.Toàn bộ viền trang trí bằng hình ảnh rồng ẩn hiện trong mây, phía trên và dưới hoành chạm rồng dạng “lưỡng long chầu nhật”.Xung quanh mặt trời rực lữa còn có thấp thoáng những áng mây nhỏ bay vờn, hai con rồng thấp thoáng trong mây cùng châu đầu về phía mặt trời. Bốn gốc hoành trang trí hình ô học, hai bên là hai con rồng uốn mình trong mây, đuôi rồng bắt đầu từ góc tiếp nối hình ô học phía trên, mình (bụng) rồng uốn xuống tiếp giáp với góc hình ô học phía dưới và đầu rồng hướng lên trên, uốn cong hướng về giữa bức hoành, mặt đưa vào ô chử hoành phi.Nét chạm khắc công phu tinh tế, nghệ nhân đã thả hồn vào từng con rồng, nhìn chúng uốn lượn oai hùng mà nét mặt lại toát lên vẽ hoan hỷ hiền lương.

Hoành phi Phật Nhật Tăng Huy (佛日增輝)

Treo trên xà ngang trước đức Đại Thế Chí, thẳng hàng với hoành phi trước Tam bảo, từ phải sang trái thuộc số 1. Hoành phi dài 135 cm, cao 70 cm, nền hoành đỏ, khắc chìm chử Hán sơn vàng. Hàng chử Hán ghi “Phật nhật tăng huy” (mặt trời Phật mỗi ngày thêm tỏa sáng). Bên phải bức hoành ghi hàng chử Hán đọc từ trên xuống: Đại Nam tuế thứ Quý Mão niên trọng xuân thượng nhật cát tạo; bên trái ghi: Khánh hạ đệ tử…Trần Thị Cải phụng cúng.(Nước Đại Nam Ngày đầu tháng hai mùa xuân năm quý mão (1843) xây dựng, đệ tử Trần Thị Cải cúng dường chúc mừng).

Trang trí hoa văn trên nền viền hoành phi này tương đối đơn giản hơn những bức trước, hình ô học ở bốn góc và chính giữa viền trên và dưới, xen kẻ giữa ô hình học trong góc và ở giữa là hai con dơi nằm đối xứng dang rộng đôi cánh, mắt nhìn về hình học ở giữa. Bên phải là một cuốn sách thắt nơ, bên trái là bình hồ lô với dây nơ mền mại, uyển chuyển quanh bình, cả hai đều nằm ở vị trí trung tâm. Bình hồ lô hay còn gọi là bầu rượu, là một trong bát bửu của Đạo giáo. Đạo giáo và Phật giáo đều xem hồ lô là biểu tượng của sự may mắn, là pháp khí của các vị tiên nhân cũng như một số Bồ tát trong Phật giáo. Hình dạng của hồ lô tượng trưng cho sự hợp nhất giữa trời và đất, nữa trên là trời, nữa dưới là đất, có thể nói hồ lô là vật tượng trưng của “Tam giáo đồng nguyên”.

Hoành phi Pháp Luận Thường Chuyển (法輪常轉)

Treo trên xà ngang trước đức Quan Thế Âm, thẳng hàng với hoành phi trước Tam bảo, từ phải sang trái thuộc số 3, có kích thước bằng và đối xứng với bức hoành số 1.

Nền hoành đỏ, chử Hán khắc chìm, màu vàng “Pháp luân thường chuyển” (Bánh xe Pháp chuyển mãi). Bên phải bức hoành phi có hàng chử Hán nhỏ khắc chìm, đọc từ trên xuống: Đại Nam tuế thứ Quý Mão niên trọng Xuân thượng nhật cát tạo (Nước Đại Nam Ngày đầu tháng hai mùa xuân năm quý mão (1843) xây dựng). Bên trái cũng ghi bằng chử Hán đọc từ trên xuống: Khánh hạ đệ tử Nguyễn Văn Nhiều phu thê đồng phụng cúng.(Vợ chồng đệ tử Nguyễn Văn Nhiều đồng cúng dường (để) chúc mừng). Chử Mão viết theo lối hành thư, niên hiệu Đại Nam từ năm 1839-1945, năm Quý Mão là 1843. “Trọng xuân thượng nhật cát tạo” nghĩa là tạo dựng nhằm thời đại cát, một ngày nào đó sau ngày Kinh trập và trước ngày Xuân Phân giữa mùa Xuân, tức là từ mồng 5 đến 19 tháng 2 năm Quý Mão.

Mô típ trang trí cũng giống như hoành phi số 1 “Phật nhật tăng huy” nhưng thay thế hình ảnh con dơi bằng dây hoa lá.

Hoành phi trước bàn tổ

Hoành phi Sắc Tứ Pháp Vũ Tự (敕賜法雨寺)

Hoành phi dài 165cm, cao 58cm, là một tấm bảng gỗ sơn nền đỏ, chữ Hán vàng khắc chìm và không có hoa văn trang trí. Hai bên có hai hàng chử Hán khắc nhỏ, rất mờ vì bị sơn đỏ tô chồng lên. Bên Trái ghi: Canh thìn niên xá nguyệt cát nhật cốc đán (ngày lành tháng tốt, năm canh thìn: 1820, 1880; 1940). Bên trái ghi: Tín nữ Trần Thị Hữu kính tống (thí chủ Trần Thị Hữu kính cúng dường (mang đến).

Theo sử liệu của Đại Nam Nhất Thống Chí nói: “Chùa Pháp Vũ ở thôn Hòa Mỹ huyện Bình Dương. Từ trước không rõ là ai dựng, năm Gia Long thứ 7, hòa thượng Nguyễn Công Thắng sữa chữa, năm Minh Mạng thứ 3 cho tên là Pháp Vũ Tự”.

Lại theo trong tư liệu của chùa hiện còn lưu giữ do phật tử Kiều Nguyên Trung Thắng lập năm 1994, có nhắc  một biển sắc tứ của vua Gia Long như sau: “ Tại nơi này hiện còn 2 tấm biển sắc tứ của các vua triều Nguyễn. Tấm thứ nhất đề: Sắc Tứ Pháp Vũ Tự – Gia Long niên hiệu, ngày mùng 5 tháng 2 Nhâm Tuất Niên…”Năm Nhâm Tuất được nhắc đến trong tài liệu này là năm 1802. Sau khi diệt xong nhà Tây Sơn, vào ngày 1 tháng 6 năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Gia Long, đóng đô tại thành Phú Xuân (Huế). Sau khi lên ngôi, vua Gia Long nhớ lại ơn xưa của các chùa tại Gia Định nên đã sắc tứ, trùng tu và ban thưởng cho các chùa. Nếu theo tư liệu của Kiều Nguyên Trung Thắng thì Sắc Tứ Pháp Vũ cũng được vua Gia Long ban sắc tứ trong thời gian này. Nhưng vì sao Đại Nam Nhất Thống Chí cũng nói năm Minh Mạng thứ 3 vua cũng cho tên Pháp Vũ Tự nữa thì chưa hiểu rõ.

Điều đáng chú ý là tấm bảng vua Gia Long Sắc Tứ hiện tại không còn thấy ở chùa.Lại thêm, phần lạc khoản trong tấm bảng hiện tại chùa lưu giữ hoàn toàn không khớp với hai thông tin sắc tứ của hai triều vua.Nó chỉ nói tên người đem đến và thời gian là ngày lành tháng tốt năm Canh Thìn.Năm Canh Thìn (1820) vua Minh Mạng lên ngôi, theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì sau khi lên ngôi 3 năm mới ban tên chùa là Pháp Vũ Tự tức là năm 1823 (Quý Mùi). Vậy nên năm Canh Thìn ở đây phải là những năm 1880 hoặc 1940. Lại thấy tấm bảng Sắc Tứ nhưng không đề tên vua và niên hiệu sắc phong, cho nên có thể đây là tấm bảng được tín nữ phật tử phát tâm cúng dường về sau, có thể là năm 1880/ 1940, với nội dung nhắc lại tên chùa từng được sắc tứ của chùa, còn bản thân hoành phi này không phải là bảng sắc tứ chính của nhà vua.

(tóm lại: Theo sử liệu của Đại Nam Nhất Thống Chí nói: năm Minh Mạng thứ 3 (1823) được vua sắc phong là Pháp Vũ Tự. Năm Canh Thìn (1820) vua Minh Mạng nối ngôi vua, đến 3 năm sau mới ban Sắc Tứ Pháp Vũ cho chùa Vĩnh Trường. Vậy nên năm Canh Thìn ở đây phải là những năm 1880 và 1940. Lại thấy tấm bảng Sắc Tứ nhưng không đề tên vua và niên hiệu sắc phong, cho nên có thể đây là tấm bảng được tín nữ phật tử pháp tâm cúng dường về sau, có thể là năm 1880/ 1940, với nội dung nhắc lại tên chùa từng được  sắc tứ.)

Hoành phi trong trai đường

Hoành phi Chính Pháp Hưng Long (正法興隆)

Hoành phi sơn son thếp vàng, là một tấm bảng gỗ lớn có nẹp viền xung quanh. Từ nhà tổ xuống trai đường, là bức hoành đầu tiên treo thẳng hành và mặt xoay cùng chiều với bức hoành trước hậu tổ, dài 210cm, cao 70cm. Mặt hoành trơn bóng, khắc nỗi chử Hán thếp vàng “Chính pháp hưng long”. Hai bên bức hoành ghi phần lạc khoản bằng chử Hán nhỏ khắc chìm, thếp vàng, bên phải ghi: Long Phi[7]quý mão niên mạnh xuân cốc đán (Long Phi, đầu mùa xuân/tháng Giêng năm Quý Mão). Bên trái ghi: Địa hạt Thủ Dầu Một, thôn Tân Thái, đệ tử Thâm Ân và Cao Văn Minh cùng cúng dường.

Trang trí trên nền viền là hoa văn chạm nổi, gồm 6 con rồng và những áng mây bay. Phía trên và dưới bức hoành là hình ảnh lưỡng long chầu nhật, tuy nhiên rồng ở đây được chạm nổi, nghệ thuật công phu và sắc xảo hơn những bức hoành trước, xung quanh mặt trời rực lữa là những đám mây nhỏ đang bay vờn. Những đám mây bay với nhiều hình dạng khác nhau, được rãi đều từ bốn góc, cho đến hai con rồng hai bên cũng ẩn hiện trong mây.

Hoành phi Tư Thực Phước Điền (資楨福田)

Hoành phi dài 158cm, cao 58cm, treo trên xà ngang đối diện với bức hoành “Chính pháp hưng long” và giữa hai câu đối “Chúc Nam Quốc chí tôn tứ hải nhân dân giai khể thủ; Lễ Tây Phương đại Thánh bách gia tăng chúng cộng quy y.” Bức hoành bằng gỗ, nền đỏ, chử vàng, khắc chìm chử Hán “tư thực phước điền” (Lấy của cải để gieo trồng phước điền). Bên phải lạc khoản ghi:“Gia Định tỉnh, vinh cồn thành phố. Tín chủ Dư Nam Hỉ, Bệ Như Nương, Dư Tuyền Lễ, Dư Thái Lễ, Dư Bính Lễ cùng cúng dường. Ruộng 105 mẫu, 7 sào sổ đất ở tại Gia Định, xã Chính Hòa. Nhờ ân đức bảo cầu nguyện cho gia chủ phước thọ tăng long”. Bên trái ghi: “Chùa Sắc Tứ Trường Thọ, Tâm Thông hòa thượng chứng minh. Vị điền chủ hiến cúng một nghìn lạng bạc.Thiên vận (trời xoay chuyển) làm vào năm Canh Thân (1920) tháng mười ngày 15”.

Mô típ rồng phi và lưỡng long chầu nhật được lặp lại trên hoa văn trang trí nền viền, chỉ thay hình ảnh đám mây bằng hình ảnh bốn con dơi ở bốn gốc hoành.

Hoành phi Sắc Tứ Trường Thọ Tự (敕賜長壽寺)

Treo trên xà ngang phía trước Phật Dược Sư, giữa hai câu đối “Thanh tịnh tâm trai đại khải hòa quang truyền tổ ấn; Hiện quyền thông bảo dán minh thượng thế tục tông phong”.Hoành phi dài 208cm, cao 65cm, làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng, có nẹp viền bao quanh, đường viền thếp vàng, nền viền màu đỏ, hoa văn trang trí trên viền cũng được thếp vàng. Viền trên lặp lại hình ảnh “lưỡng long chầu nhật”, hai bên góc là hai con dơi đang dang rộng đôi cánh, đối xứng với hai góc bên dưới là dây hoa. Viền dưới, trung tâm là một hoa sen lớn, từ trong góc hoa sen lớn đưa ra lá, hoa sen nhỏ và đài sen. Đối xứng hai bên hoa sen là chim hạc đứng trên đồng cỏ, đằng sau chim hạc là dây hoa. Cuốn thư thắt nơ chạm khá điêu luyện trên trung tâm viền ở hai bên hoành.

Phần lạc khoản ghi bên tay phải: Tuế thứ quý mão niên nhị nguyệt kiết nhật. Bên tay trái ghi: Đệ tử Lương Quang Thạnh phụng cúng.

Theo “Ngũ Gia Tông phái ký toàn tập”[8] niên hiệu Tự Đức thứ 22 (mùng 2 tháng 12 năm Canh Ngọ) nhà vua cho khai đại giới đàn và thỉnh hòa thượng Liễu Kiện tại chùa Sắc Tứ Trường Thọ làm pháp sư Đàn Giới, cộng với thông tin tư liệu hiện còn tại chùa Sắc Tứ Trường Thọ nói rằng năm hòa thượng về làm pháp sư tại đàn giới và được nhà vua thỉnh giảng kinh cho hoàng tộc, cũng là năm ngài được ban hiệu là Trường Thọ, năm đó ngài được 66 tuổi, vậy tức là năm 1870 (Canh Ngọ). Như vậy thời gian ghi trên phần lạc khoản không phải là thời gian vua sắc tứ mà là thời gian phật tử cúng dường hoành phi ghi tên chùa.

Bao Lam

Trong chùa có tất cả 12 bao lam, gồm 03 bao lam ở chính điện, 01 bao lam ở nhà tổ và 08 bao lam ở trai đường. Đề tài sử dụng khá phong phú đa dạng, thực vật thì có sen, mây, hoa, lá, trái, cây. Động vật thì có long, ly, quy, phụng, chim, sóc…

Có lẽ, dưới mái chùa nhỏ bé lụp xụp, nhờ những bao lam mà nơi thờ Phật được trang trọng, tôn nghiêm.Bao lam được đúc bằng nhôm, bề mặt mạ vàng, do hòa thượng Tịnh Thành thực hiện năm 2011. Tại chính điện có tất cả ba bao lam, bao lam trước Tam bảo, trước đức Quan Âm và ngài Thế Chí hai bên bàn Tam Bảo. Nghệ thuật tạo khuôn và đúc đồng xuất sắc được thể hiện trên từng chi tiết, hình ảnh của mỗi bao lam, cũng là mô típ quen thuộc với bốn linh vật, long, lân, quy, phụng để thể hiện niềm tôn kính đối với Đức Phật. Trên cao nhất là đôi rồng cùng châu đầu vào mặt trời “lưỡng long chầu nhật”, tạo hình thân rồng to, sừng dài, uốn lượn trong mây rất uy dũng. Kế tiếp dưới là phượng hoàng với đôi chân nhỏ nhắn duỗi thẳng trên những vòng mây, đang sãi rộng và vươn cao đôi cánh như muốn phô hết mọi duyên dáng, tinh hoa cái đẹp nữ hoàng của muôn loài chim. Chú kỳ lân bên dưới cũng thỏa sức oai hùng, với tư thế đang phi nhanh về phía trước, nhưng đầu lại ngoái nhìn ra phía sau, chân giẩm trên hai đồng tiền mới nhú ra khỏi vầng mây. Hiền lương nhất là ông rùa, đầu mình đều hướng về Đức Phật, miệng ngậm cành hoa sen dâng lên cao. Sự tinh xảo giữa các đường nét, kết hợp hài hòa bốn linh thú, nghệ nhân không quên chấm phá bằng những áng mây to nhỏ khác nhau để tạo nên một bao lam tuyệt đẹp.

Bao lam trước hai vị đại Bồ tát cũng lặp lại mô- típ long, lân, quy, phụng nhưng hình dáng lại khác hoàn toàn. Trên cao nhất không phải là lưỡng long chầu nhật mà là hai con rồng cùng châu về một đóa hoa sen, chỉ có đầu rồng còn thân hình thì biến thành dây lá và hoa sen, bên dưới mình phụng và lân cũng như vậy. Trong hình dáng tựa như dây hoa, lá sen nhìn những con vật oai hùng trở nên uyển chuyển, duyên dáng và hiền thục hơn rất nhiều.

Bao lam trước bàn tổ lại là một vẽ khác, trung tâm là một đầu rồng lớn, hai mắt mở to, miệng há rộng, bờm và râu đều xù ra, chỉ lộ hai chân trước bè ra hai bên dẫm lên lá sen đang ẩn trong mây. đối xứng hai bên là ô hình học, thỉnh thoảng lại có lá và hoa sen chui mình qua những kẻ ô, lại có vài đám mây nhỏ thấp thoáng, ẩn hiện. Bên dưới là hai đóa liên hoa nở to khoe hết đài đang mọc dài vượt thoát lên trên đón nhận ánh nắng mặt trời, “Hoa sen là biểu tượng của sự thanh khiết, sự giải thoát khỏi phiền não, đi đến thanh tịnh; là hình ảnh tượng trưng các vị tổ đã sống giữa cuộc đời nhưng vẫn giữ được sự thanh khiết”[9]

Bao lam trong trai đường cũng được lặp lại bởi mô típ hoa, lá sen, mây bay và tứ linh. Bên cạnh đó còn có hai bao lam diễn tả theo kiểu điểu -sóc. Ở giữa bao lam là một liên hoa, con chim là chủ đề rõ nét nhất trong bao lam, đối xứng hai bên là bốn con chim, nhưng mỗi con mỗi kiểu, không con nào giống con nào. Có con thì đang xãi đôi cánh lên cao trong tư thế chuẩn bị cất cánh bay cao. Có con thì xòe rộng đôi cánh, rồi lại duyên dáng uốn mình ra phía sau như đang thực hiện vũ điệu của loài chim. Bên dưới là những cành cây sai quả, chùm quả tròn to như một chùm nho, những chú sóc đang vui mừng hái quả với nhiều tư thế khác nhau, có con đang nhanh chân tiến đến chùm nho, có con đã hái trái và ngồi thưởng thức ngon lành.

Quy tắc đối xứng được áp dụng trên cùng một bao lam hoặc ba bao lam cùng hàng. Các bao lam ở chính điện và trai đường áp dụng quy tắc này rõ nét nhất, bao lam 1 và 3 đối xứng, lấy bao lam 2 làm giữa.

Hình ảnh con rồng được tái hiện nhiều với nhiều hình dạng khác nhau nhất trên các bao lam. Trong tứ linh thú, rồng là con vật đứng đầu tiên và “cho thấy ở đây cái cao xa và dường như không thật có – là con rồng – được hòa quyện với hình ảnh thật trong cuộc sống.”[10] Con vật nửa thật nửa ảo này từ rất xưa đã trở nên rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Con rồng nghiễm nhiên trở thành tên gọi của nhiều địa danh như Cửu Long giang là con sông 9 rồng làm nên đồng bằng Sông Cửu Long, một vựa lúa lớn của cả nước, Vịnh Hạ Long ở miền Trung hay thành Thăng Long ở Hà Nội.

Hoa sen là loài hoa quen thuộc nhất của miền quê Việt Nam, nhất là vùng đồng bằng Nam Bộ, Gia Định xưa cũng không thiếu những đầm sen, ao sen mênh mông. Từ thân, cành, rễ, hoa, lá, đài, hạt không bộ phận nào của cây sen là không có hữu dụng, ngó và hạt có thể chế biến thực phẩm còn lại là cây thuốc nam chữa được rất nhiều bệnh. Hoa sen còn là một trong những biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo, thể hiện sự tinh khôi, thanh khiết, gần bùn mà chẳng nghe tanh mùi bùn như chư Phật, chư Bồ tát ở trong thế gian nhưng tánh không ô nhiễm, chính vì thế mà hoa sen trở thành bảo tọa của chư Phật, chư Bồ Tát.

Liễn đối

Toàn bộ chùa có 12 câu đối (6 cặp) được treo dưới dạng liễn trong trai đường và trước hậu tổ. Riêng trước cổng tháp mộ của hòa thượng Tâm Thông và hòa thượng Tâm Giác cũng có 04 câu đối[11]. Câu đối được khắc chìm trên bảng gỗ, nền đỏ, chử thếp vàng. Hai đầu liễn đối có khắc chìm hoa văn trang trí, nếp hoa văn cũng được thếp vàng.

Các câu đối được chạm khắc rất tinh xảo theo từng nét viết khác nhau, nét móc, nét thả rất mảnh dẽ, sắc xảo. Liễn có dạng cong treo vào cột.

Liễn đối được sơn son thếp vàng, nên màu đỏ và màu vàng là hai màu chủ đạo, màu đỏ thể hiện sự trang trọng, màu vàng là màu của hoàng gia, cao sang, quý phái. Phong cách nghệ thuật ảnh hưởng Trung Hoa ngay trong bản thân chử viết. (xem vị trí liễn đối tại sơ đồ ở phần phụ lục)

1. Liễn đối trước hậu tổ. ký hiệu L1a – L1b

菩提果熟一真非色非空

般若花開萬法即心即佛

Phiên âm:

Bồ đề[12] quả thục nhất chân phi sắc phi không

Bát Nhã[13] hoa khai vạn pháp tức tâm tức Phật

Dịch nghĩa:                      

Quả Bồ đề chín muồi thì chỉ có một, không sắc không không

Hoa trí tuệ nở thì muôn pháp đều là tâm là Phật

Hai danh từ Phật học Bồ đề, Bát nhã là những từ đều chỉ cho sự giác ngộ, Phật tánh… tức là chỉ đến cứu cánh của đạo Phật. Ở đây câu đối lấy hai danh từ Bồ đề, Bát nhã là hai từ khác âm nhưng có nghĩa tương đồng để đối nhau. “Quả thục nhất chân” đối với “hoa khai vạn pháp”, “phi sắc phi không đối với “tức tâm tức Phật”. Là câu đối phú thuộc loại cách cú, một đoạn ngắn một đoạn dài, vế một kết thúc bằng thanh bằng, kết thúc vế hai đối lại là thanh trắc.Đây là hai vế đối tương đồng, vế một nói lên người tu hành Phật đạo đến chổ Bồ đề viên mãn rồi thì một pháp đó là pháp duyên khởi, không và sắc cũng do nhân duyên dã hợp mà thành, ngoài nhân duyên không có sắc cũng không có không. Với pháp duyên khởi thì một pháp hiện hữu giữa tất cả các pháp, tất cả các pháp hiện hữu từ một pháp, ngoài một pháp không có tất cả pháp, ngoài tất cả pháp không có một pháp, người thấy pháp tức là thấy Phật. Vế hai cũng đối lại với ý nghĩa Phật ở tại tâm, ngoài tâm đi tìm Phật là không có, muôn pháp cũng đều do tâm sanh, khi tu hành đạt đến trí tuệ giác ngộ thì tâm sẽ thấy được tánh bình đẳng khắp tất cả pháp, tánh bình đẳng đó cũng chính là tánh duyên khởi. Muôn pháp lại do tâm tạo, khi tâm thấy rõ pháp duyên khởi không còn chấp trước, phân biệt, tự tánh bình đẳng thì ngay đây chính là Phật.

Câu đối được treo ở hai cột hai bên trước hậu tổ.Trước khi lên chính điện để lễ Phật và tu theo thời khóa thì mọi người đều phải lễ tổ, câu đối như nhắc người tu hành dù theo pháp môn nào, trì chú, niệm Phật, tụng kinh hay ngồi thiền cũng đều là phương tiện để quy về một chổ chân tâm, cho nên không có phân biệt pháp môn cao thấp, tất cả đều đưa về Phật tánh thanh tịnh, tất cả đều chỉ là một.

Phần lạc khoản của vế trước câu đối có hàng chử: “Tín nữ Lý Thị Thể phụng cúng”. Vế sau không thấy ghi lạc khoản nên không biết câu đối này được phật tử Thể cúng dường vào lúc nào.

2. Liễn đối trong trai đường

Trong trai đường có tất cả 5 cặp liễn đối, 3 cặp ở sáu cột bên ngoài và 2 cặp ở 4 cột lòng trong vách tường.

*Ba cặp đối của sáu cột bên ngoài.

Liễn đối từ ngoài cửa đi vào cột 1 đối với cột 4

佛國來由妙演三乘秘訣

梵林遺肯清談萬法宗風

Phiên âm:

Phật quốc lai do diệu diễn tam thừa bí quyết

Phạm lâm di khẳng thanh đàm vạn pháp tông phong.

Dịch nghĩa:

Bí quyết diễn Tam thừa là diễn dịch ngôn căn của nước Phật

Vạn pháp Tông phong bàn về nguồn gốc của vườn thiền.

Nội dung câu đối nói lên mục đích cuối cùng của mọi phương tiện thuyết giảng cũng đưa về nước Phật, nói nhiều bao nhiêu nghĩa lý cũng chỉ để đưa người thâm nhập vào Phật lý thâm diệu. Chúng sanh mỗi người mỗi cõi, mỗi căn cơ, tùy theo căn tánh và quốc độ chúng sanh mà pháp môn tu có nhiều khác biệt, tông phái tu hành do đây cũng sinh ra nhiều chi nhánh, song tất cả đều không đi ra ngoài Giới, Định, Tuệ, mục đích cũng là trở về bản tâm thanh tịnh với trí tuệ giác ngộ giải thoát, đó chính là “…bàn về nguồn gốc của vườn thiền”.

Phần lạc khoản câu đối ghi:

“Ất Mùi niên, trọng đông cát nhật tạo” (làm nhằm ngày tốt tháng 11 năm Ất Mùi); “Đệ tử Nguyễn Thị Lâm Tức Thanh”.

Liễn đối từ ngoài cửa đi vào cột 2 đối đối với cột 3

祝南國至尊四海人民皆稽首

禮西方大聖百家僧眾共皈依.

Phiên âm:

Chúc Nam Quốc chí tôn tứ hải nhân dân giai khể thủ

Lễ Tây Phương đại Thánh bách gia tăng chúng cộng quy y.

Dịch nghĩa:

Chúc nước Nam chí tôn (hùng mạnh lớn nhất) nhân dân bốn biển đều cúi đầu

Lễ tây phương đại thánh (a di đà) tăng chúng bách gia cùng quy y[14]

Câu đối trên ca ngợi đất nước, cầu chúc đất nước giàu mạnh cũng như ca ngợi Phật ở Tây Phương, tức là Phật A Di Đà, thể hiện sự hưng thịnh của pháp môn Tịnh độ. Phần lạc khoản ghi, vế 1: “Ất Mùi niên, trọng đông cát nhật tạo” vế 2: “Đệ tử Phan Văn Chợ phụng cúng”. Như vậy hai câu liễn này được phật tử tên Chợ cúng dường vào năm Ất Mùi cùng năm với hai đối 1 và 4.

Trước hai bên Phật Dược sư cũng có cặp liễn đối

請淨心齊達啟和光傳祖印

現權遍寬旦鉻尚世續宗風

Phiên âm:

Thanh tịnh tâm trai đạt khải hòa quang truyền tổ ấn

Hiện quyền thông bảo dán minh thượng thế tục tông phong

Dịch nghĩa.

Tâm trai thanh tịnh nhận được trí sáng của tổ truyền

Hiện quyền thông bảo làm sáng rỡ tông phái ở đời.

Nội dunng câu đối có nghĩa tương đồng và tiếp nối, đầu tiên muốn nhận được tâm ấn của chư tổ thì phải “thanh tịnh tâm trai” có nghĩa là trai giới thanh tịnh. Trai giới thanh tịnh ở đây không phải chỉ là trai giới của người tu 5 giới hay 8 giới, 10 giới mà ở đây chỉ cho “tự tánh thanh tịnh giới”, người xuất gia tu hành, hành trì giới luật, thực tập thiền định cho đến lúc đạt được “tự tánh thanh tịnh giới”, đối với muôn pháp bên ngoài không còn chướng ngại, tâm tự thanh tịnh, tâm tự trai giới thì lúc đó mới có thể nhận được tâm ấn của chư tổ. Khi đạt được thanh tịnh tâm trai, nhận được hào quang tổ ấn, đối với ngũ dục hoàn toàn vô nhiễm, bấy giờ mới có thể tự tại phương tiện làm sáng rỡ tông phái, hằng truyền Phật pháp ở đời đó là “Hiện quyền thông bảo làm sáng rỡ tông phái ở đời”.

Hai câu đối không thấy đề lạc khoản, nhưng được treo hai bên bảng hoành phi Sắc Tứ Trường Thọ Tự, có lẽ hai câu liễn đối này cũng do ông Lương Quang Thạnh cúng dường vào tháng 2 năm Quý Mão cùng với hoành phi trên.

– Hai cặp đối của 4 cột bên trong vách tường, phía sau bàn thờ Phật Dược Sư

欝欝黃花皆般若

青青萃竹是真如

Phiên âm:

Uất uất hoàng hoa giai bát nhã

Thanh thanh tụy trúc thị chân như

Dịch nghĩa:

Sum xuê hoa vàng đều là bát nhã

Xanh xanh trúc biếc chính là chân như[15]

Đây là loại câu đối trong dạng thơ Đường luật bảy chử (thất ngôn), là cách đối thơ.Về ý nghĩa đây là câu đối chuẩn, với ý tương đồng đối nhau.Về đối chử thì luật trắc bằng được thể hiện rất chuẩn xác, vế trên kết thúc bằng thanh trắc, vế dưới kết thúc bằng thanh bằng rất đúng với điều luật của một câu đối chử chuẩn.Vì đây là câu đối được viết theo thể Đường luật, nên luật trắc bằng được áp dụng rất triệt để và đối theo dạng luật trắc:

Uất uất hoàng hoa giai bát nhã

Thanh thanh tụy trúc thị chân như

Ngoài đối nhau bằng quy luật bằng trắc, thể loại từ ngữ trong câu cũng được đối với nhau. Đầu tiên uất uất (tính từ) đối với thanh thanh (tính từ), Hoàng hoa (danh từ) đối với thủy trúc (danh từ), giai (ngoại động từ) đối với thị (cũng là ngoại động từ), Bát nhã (danh từ) đối với (chân như) danh từ.

Như vậy về hình thức, ý nghĩa và chử thì đây là một câu đối hoàn hảo[16].

Câu đối này liên quan đến hai điển tích trong thiền tông Trung Quốc và đến Việt Nam. Điển tích thứ nhất là vào đời Đường ở Trung Quốc có đại sư Huệ Hải, trong lúc thảo luận với một giảng sư Hoa Nghiêm kinh ngài đã xuất khẩu thành thơ để nói về tính bình đẳng của Phật tánh:

“Thanh thanh tụy trúc tổng thị pháp thân

Uất uất hoàng hoa vô phi Bát nhã”.

Đến Việt Nam, trong tác phẩm Thượng Sĩ ngữ lục đời Trần có kể câu chuyện thiền như sau:

Một hôm có thầy tăng hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ:

– Dám bạch thượng sĩ, “Thanh thanh tụy trúc tổng thị pháp thân” có phải vậy chăng ?

– Thượng Sĩ đáp:

Sa di tạc nhật xan khê dẫn (Sa di ngày trước ăn măng suối)

Mạc thị như kim nhữ pháp thân” (Chẳng phải như nay pháp thân người)”.

– Thầy tăng lại hỏi:

Uất uất hoàng hoa vô phi Bát nhã”, đó là gì?

– Thượng Sĩ đáp:

Đào hoa bất thị Bồ Đề thọ

Hà sự linh vân nhập đạo tràng

(Hoa đào không phải cội Bồ Đề

Bởi đâu linh vân vào được đạo tràng”.

Câu đối thể hiện tính bình đẳng của Chân như Phật tánh, được rút ra từ hai điển tích thiền tông ở Trung Quốc và Việt Nam, qua đây thể hiện kiến thức uyên thâm về Phật pháp, cũng như muốn nhắn gửi đến người đọc một triết lý Phật giáo về tính phổ đồng, bình đẳng của Pháp thân, của Chân như Phật tánh luôn luôn hiện hữu trong tất cả pháp. Đồng thời nói lên yếu tố thiền tông dưới mái chùa Tịnh độ với biết bao ý nghĩa thâm trầm của người hoằng dương Phật pháp.

Phần lạc khoản trên vế một ghi: “Giáp tuất niên”, ở vế 2 ghi: “Phạm Văn Thông, Phan Thị Trí phụng cúng”.Như vậy hai câu đối này được hai phật tử phát tâm ấn tống và cúng dường vào năm Giáp Tuất.

Hai câu đối cuối cùng thể hiện tinh thần “giáo nhân bất quyện” (dạy người không mệt mỏi).Trước thời sư ông Tâm Giác, hòa thượng Tâm Thông, hòa thượng Liễu Kiện đều là những bậc cao tăng tài đức.HT Liễu Kiện từng là người được nhà vua thỉnh về kinh giảng giới đàn và thuyết pháp trong triều đình. HT Tâm Thông là giáo thọ đã đứng ra cho khắc in nhiều bộ mộc kinh còn lưu giữ đến tận ngày nay.Trong dòng lịch sử, chùa Sắc Tứ Trường Thọ từng là một ngôi đại già lam, được vua sắc tứ, có nhiều Tăng chúng tu hành, có nhiều ảnh hưởng đến quần chúng nhân dân và sự tồn tại phát triển của Phật giáo trên mảnh đất Gia Định xưa cho đến ngày nay.

生前教養得人無子而有子 (ký hiệu L6a – L6b)

沒後聲名在世雖亡者不亡

Phiên âm:

Sanh tiền giáo dưỡng đắc nhân vô tử nhi hữu tử.

Một hậu thanh danh tại thế tuy vong giả bất vong”.

Dịch nghĩa:

(Sanh tiền giáo dưỡng được người, vốn không con nhưng lại có con

Về sau thanh danh ở đời, tuy người mất nhưng lại không)[17]

Phần lạc khoản ghi: “Canh Dần niên hạ nguyệt cốc đán (Buổi sáng mùa hạ năm Canh Dần); Đệ tử Nguyễn Thị Hiếu phụng cúng”. Hai câu liễn đối này do bà Nguyễn Thị hiếu phụng cúng vào năm Canh Dần.

Hoành phi và liễn đối được gìn giữ dưới mái chùa Sắc Tứ Trường Thọ là những tài liệu Hán Nôm vô cùng quan trọng, ngoài vai trò chứng tích lịch sử của chùa nó còn là tài sản chung của Phật giáo Việt Nam mang giá trị lịch sử tư tưởng triết học Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt mô típ “lưỡng long chầu nhật”, long, lân, quy, phụng, hoa lá sen, chim, sóc…và bửu báu trang trí trên hoành phi và bao lam là tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” đã hòa vào vùng đất Nam Bộ.

[1] TN. Hiền Nghĩa (2019), “Tháp Tổ Tâm Thông chùa Sắc Tứ Trường Thọ – Một dấu ấn kiến trúc tháp Á Đông”, Nguyệt san Giác Ngộ, số 285, tr.54-61.

[2] chữ立viết theo lối Thảo thư.

[3] 癸卯年二月初十日立, 本道范文貼阮氏侶奉供

[4] Lưỡng long chầu nhật còn được gọi là song long triều nhật, là hình tượng hai con rồng cùng châu đầu vào một biểu tượng hình tròn là viên ngọc.Biểu tượng hình tròn này có học giả gọi là “nguyệt” cũng có học giả gọi là viên “châu”. Theo học giả người Pháp – le Brentonrong cho rằng, hình ảnh “lưỡng long chầu ngọc” là có thật và nó bị lai tạo bởi hình ảnh rồng và tính đặc trưng của người Trung Hoa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Anh thì lại nói vòng tròn ở giữa không thể là mặt trăng vì mặt trăng thì không bao giờ có lữa bùng cháy. Từ đó Ông và một số học giả khác kết luận rằng đó là một quả cầu lữa “lưỡng long tranh châu”, là biểu tượng sức mạnh của vũ trụ.

[5] Theo Phong Thủy Học, Trung Thiên Đồ được chia thành hai vế, vế 1: Càn Đoài Tốn Khảm, vế 2: Khôn Chấn Cấn Ly. Vế 1 biểu tượng cho Lạc Long Quân (Càn), hình dạng con rồng dương với Càn 3 vạch liền là đầu rồng, Đoài Tốn đều có 2 vạch đứt hai bên là thân rồng, Khảm một vạch ở giữa là đuôi rồng.

Vế 2 biểu tượng cho Âu Cơ, hình dạng con rồng âm với Khôn 3 vạch đứt là đầu rồng, Chấn Cấn đều có hai vạch đứt hai bên là thân rồng, Ly một vạch đứt ở giữa đuôi rồng.

Hai con rồng âm dương đều châu đầu vào quẻ Càn đặt ở Phương Nam là biểu tượng mặt trời (cực dương) có ngọn lữa bao quanh, đó chính là “lưỡng long chầu nhật.”

[6] Trần Hồng Liên (2008), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử – văn hóa (tái bản lần thứ nhất), Nxb Khoa Học Xã Hội, TP. Hồ Chí Minh, tr. 122.

[7]Long phi: một trong những căn cứ địa (chiến hạm) chiến đấu của quân Nguyễn; Long Ngư, Long Thượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phụng Phi, Hồng Nhi, Long Nhi.

[8] Thích Huệ Sanh, dịch (2003), Ngũ Gia Tông phái ký toàn tập, Nxb Tôn Giáo, TP. Hồ Chí Minh, tr. 56/60.

[9] Trần Hồng Liên (2008), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử – văn hóa, Nxb Khoa Học Xã Hội, TP. HCM, tr 140.

[10] Trần Hồng Liên, Sđd, tr 144.

[11]Câu đối ở tháp mộ xem ở chương III, phần 3.2.1 Kiến trúc chùa.

[12] Bồ Đề: Bodhi, bản thể tự tâm đầy khắp thời gian không gian, tất cả đều thuộc về chính mình, ngoài tâm chẳng có pháp để đắc, nên giác ngộ cái tâm vô sở đắc tức là Bồ Đề. dẫn theo _ Thích Duy Lực, “Danh từ thiền học chú giả  – Ngữ vựng Phật học” nguồn: thuvienhoasen.org

[13] Bát Nhã: Trí tuệ của tự tánh (khác với trí tuệ của bộ óc) sẵn đầy đủ khắp không gian thời gian, chẳng có thiếu sót, chẳng có chướng ngại, cái dụng tự động chẳng cần tác ý, tùy cơ ứng hiện chẳng sai mảy may.

[14] Hai câu trên cũng có thể dịch là:      – Nhân dân bốn bể đều cúi đầu chúc mừng nước Nam chí tôn

                                                                 – Phật tử trăm nhà đều quy về lễ Phật phương Tây.

[15] Hai câu này cũng có thể dịch là: – Hoa vàng tươi tốt đều là trí tuệ

                                                            – Trúc biêc xanh xanh là Chân như

[16] Câu đối này có liên quan tới hai điển tích phật giáo, xem điển tích phần phụ lục.

[17] Hai câu này có thể dịch là: – Khi còn sống dạy được người thì không có con cũng như có con / Khi chết thì tiếng tăm ở đời khó quên không thể quên.

Bình luận
Tin cùng chuyên mục