Lễ hội Vu Lan và Trai Đàn Chẩn Tế
CS. QUẢNG TUỆ
Trong quan niệm về nhân sinh – thiên nhiên – vũ trụ của người Phương Đông, chu kì thời gian và tiết nhịp của nó có ý nghĩa cực kì quan trọng. Quan niệm đó không chỉ định hướng trong hoạt động sản xuất “kiếm sống” của con người mà còn chi phối tới cảm thức tâm linh và hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, lắng đọng thành nếp sống – nét văn hoá độc đáo.
Theo Dịch thời (một loại Dịch nghiên cứu về qui luật của mối quan hệ nhân sinh và vũ trụ), xét theo mối quan hệ tương tác âm – dương, một ngày, một năm được chia thành hai chiều, hai khuynh hướng rõ rệt: trong một ngày, từ giờ Tý (23h00 ngày hôm trước đến 01h00 ngày hôm sau) đến giờ Tỵ (09h00 – 11h00) là chiều hướng dương thịnh âm suy, từ giờ Ngọ (11h00 – 13h00 đến giờ Tuất (21h00 – 23h00) là chiều hướng dương suy âm thịnh; trong một năm, từ tháng 11 (tháng Tý, theo Âm – dương hợp lịch là tháng có tiết Đông chí) đến tháng 4 có khuynh hướng dương thịnh âm suy, từ tháng 5 (tháng Ngọ, có tiết Hạ chí) đến tháng 10 có khuynh hướng âm thịnh dương suy. Dương là ấm nóng, biểu thị sự phát triển sinh sôi nảy nở.… Âm là nguội lạnh, biểu thị sự lụi tàn, thê lương chết chóc …
Cùng với nhận thức lí tính về qui luật âm dương của thiên nhiên – vũ trụ đã hình thành nên cảm thức tâm linh tín ngưỡng tôn giáo, nó qui định thời gian, không gian và nội dung của các lễ hội dân gian – tín ngưỡng tôn giáo truyền thống (1). Chiều thời gian dương thịnh (từ tháng 11 đến tháng 4), nhìn chung không gian lễ hội được mở rộng, tính chất “hội hè, đình đám” nổi trội, con người như muốn được giao hoà cùng thiên nhiên vũ trụ trong công trình “sinh sinh bất tức” của tạo hoá. Ngược lại, chiều thời gian âm thịnh (từ tháng 5 đến tháng 10), về cơ bản không gian lễ hội được thu hẹp lại, phần nghi và lễ có tính chuẩn mực và nghiêm cẩn hơn, chú ý nhiều hơn tới chiều sâu của cảm thức tâm linh tình tự của mỗi cá nhân tham gia lễ hội. Theo kết quả thống kê của các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, một năm chúng ta có tới gần 800 lễ hội trải rộng khắp các miền đất nước, trong suốt cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Trong đó có hai lễ hội phản ánh đậm nét nhân sinh quan – vũ trụ quan – tín ngưỡng tôn giáo, được nhiều người quan tâm nhất, được tổ chức với qui mô nhất là Lễ hội Thượng nguyên Thiên quan tứ phúc (上元天官賜福) và Lễ hội Trung nguyên Địa quan xá tội (中元地官赦罪)(2).
Lễ hội Thượng nguyên được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng, ngày trăng tròn đầu tiên của một năm mới. Tháng Giêng thuộc quẻ Địa Thiên Thái (地天泰), là tiết “Tam dương khai thái”, mở đầu của Mùa xuân – Mùa lễ hội, cầu mong “nhân phong vật thịnh”. Ngày này mọi nhà đều bài trí ban thờ, sắm sửa cỗ bàn cúng ông bà tổ tiên, thổ công thổ địa thổ kì…, biện lễ lên đình lên chùa cầu mong Phật Thánh phù hộ, ban phúc lành cho cả năm. Theo Phật giáo, ngày mồng một và ngày rằm là ngày của Phật, kết hợp với tín ngưỡng dân gian, người Phật tử đến chùa dâng lễ vật cúng Phật với niềm tin: “Lễ chùa quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”; ngày đó Phật giáng lâm xuống mọi chùa chiền để độ trì cho mọi người tai qua nạn khỏi, phúc lộc dồi dào, khoẻ mạnh quanh năm…. Từ một lễ hội dân gian mang đậm tính chất tôn giáo, Lễ hội Thượng nguyên (còn gọi là Hội đèn Quảng Chiếu) trở thành một nét sinh hoạt văn hoá Phật giáo có qui mô quốc gia của Thăng Long thời Lý – Trần. Sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi, năm Bính Ngọ (1126) “Mùa xuân, tháng Giêng, mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày đêm” (3).
Rằm thámg Bảy là ngày trăng tròn đầu tiên của mùa thu, mùa chủ về sự tàn úa thê lương. Tháng bảy thuộc quẻ Thiên Địa Bĩ (天地否), nghĩa trái nghịch với quẻ Thái. Không gian vũ trụ và sinh học của một vùng từ dải Trường Giang Trung Quốc hắt xuống phía nam ra Biển Đông vào tiết thu mang dấu ấn rất đặc trưng. Có trời thu trong lạnh hiu hắt cô liêu với những cánh chim sải cánh về Nam tránh rét… khiến Vương Bột (649 – 675), một trong “Tứ kiệt” của thi đàn thời Sơ Đường, trong Đằmg vương các tự đã vẽ nên bức tranh đặc tả cảnh thu bất hủ: “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc” (Ráng chiều với cò lẻ cùng bay, Nước thu cùng trời dài một sắc). Cũng có tiết Ngâu, “Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt” và “Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng” (Nguyễn Du), “nước mắt Ông Ngâu Bà Ngâu” trong câu chuyện Ngưu lang Chức nữ đượm màu huyền thoại phản ánh cái thê lương thao thiết của cỏ cây và nỗi lòng nhân thế trong cảnh chia li: “Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây. Lòng vắng muôn bề không liếp che, gió về. Ai nức nở thương đời, châu buông mau, dương thế bao là sầu…” (Giọt mưa thu, Đặng Thế Phong). “Thiên nhân tương dữ” (Trời và người có mối thông quan lẫn nhau). Trời ấy, cảnh ấy là cơ sở cảm thức nhân sinh – vũ trụ của Lễ hội Trung nguyên Địa quan xá tội vốn là sự kết hợp giữa Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian, một lễ hội mang ý nghĩa văn hoá nhân sinh sâu sắc. Người ta tin rằng, ngày Rằm thámg bảy Địa quan mở cửa địa ngục xá tội cho các vong hồn bị giam hãm, nhân gian làm lễ cúng vong và thí thực cho các vong hồn (kể cả những vong hồn bơ vơ không có người chăm sóc) được lên trần hưởng lộc.
Phật giáo là một hệ thống tôn giáo – văn hoá – đạo đức lấy từ bi – trí tuệ làm đầu cho nên khi được truyền bá vào vùng Nam Trung Quốc và Việt Nam nó đã nhanh chóng hội nhập cùng những yếu tố văn hoá bản địa phù hợp và bản địa hoá một cách nhuần nhị và sâu sắc. Nghi thức cúng thí thực cô hồn và lễ Vu Lan báo hiếu vốn có từ trong kinh điển Phật giáo cùng với Lễ hội Trung nguyên Địa quan xá tội qua quá trình tiếp – biến (4) lâu dài trong lịch sử trở thành một trong những lễ hội lớn nhất trong năm, ở đó dường như không thể phân biệt đâu là Phật giáo, Đạo giáo hay tín ngưỡng dân gian.
Với người Phật tử Việt Nam, Lễ Vu lan báo hiếu hay tết Trung nguyên xá tội vong nhân được tổ chức vào ngày Rằm tháng bảy là một trong những ngày lễ chính bởi nó còn có ý nghĩa:
1) Còn gọi là ngày Phật Hoan Hỉ, ngày kết thúc 3 tháng an cư thanh tịnh của chúng Tỳ-kheo.
2) Ngày Tăng Tự tứ. Đức Phật dạy hàng Tỳ-kheo vào ngày kết thúc an cư phải cầu mong những vị có giới đức thanh tịnh hơn mình chỉ ra cho lỗi lầm. Nếu mình tự nhận thấy lỗi cũng phải tự phát lộ sám hối trước chúng để tâm được thanh tịnh.
3) Ngày Tăng Thụ tuế. Thụ tuế là nhận thêm tuổi. Thế gian tính một năm thêm một tuổi, nhưng theo luật Phật chế, hàng xuất gia thụ giới của Đức Phật được tính tuổi theo Hạ lạp. Nghĩa là, năm nào có an cư kết hạ tu hành trọn vẹn 3 tháng thì ngày Tự tứ được tính thêm một tuổi hạ. Hạ lạp còn gọi là Giới lạp hay Pháp lạp.
Đương nhiên là sau khoá an cư kết hạ uy đức của chư vị Tỳ-kheo càng được tăng trưởng, tinh thần vững tiến… cho nên giai tiết Vu Lan là dịp tốt nhất để tác tạo phúc duyên, hồi hướng công đức cầu siêu nguyện độ cho cửu huyền thất tổ, lịch đại tôn linh, lục thân quyến thuộc, cha mẹ nhiều đời, tuỳ duyên giúp đỡ xoa dịu nỗi đau thương của những người trong cơn khốn khó, cúng tiến các loại âm linh cô hồn… để hương linh họ được văn kinh thính pháp trực vãng Tây phương. Dù cùng được cử hành trong ngày Rằm tháng bảy nhưng nghi thức và ý nghĩa của lễ Vu Lan và Cúng thí thực cô hồn có khác: Vu Lan báo hiếu là cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, còn thí thực là bố thí thức ăn (tinh thần và vật chất) cho chúng vong không nơi nương tựa không người cúng cấp.
Nghi thức cúng thí thực cô hồn vốn là một hành nghi của Mật giáo vốn bắt nguồn từ kinh Phật thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỉ Đà-la-ni, Phật dạy ngài A-nan cách thức cúng thí để thoát khỏi nạn Ngạ Quỉ đồng thời tăng phúc thọ. Trong các loại cúng thí cô hồn, trai đàn chẩn tế (còn goi là Hội Mông Sơn thí thực) được tổ chức qui mô nhất. Trai đàn chẩn tế là pháp thức để siêu độ vong linh những người đã chết mà vì oan nghiệp nào đó chưa siêu thoát hoặc tái sinh được. Tuy xuất phát từ Mật tông nhưng trong hành nghi của Trai đàn chẩn tế bao gồm cả tư tưởng giáo lí của Thiền tông và Tịnh độ tông. Với sự chú tâm thanh tịnh hợp nhất Thân (tay bắt ấn), Khẩu (miệng niệm chú), Ý (tâm quán tưởng chủng tự) của vị sư Gia trì và giọng thỉnh ai của các vị Kinh sư cùng tang linh mõ khánh… đã tạo nên sự hợp nhất của tự lực và tha lực thành một năng lực vô biên có thể mời thấu và bạt độ mọi cô hồn.
Theo truyền thống, hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn thường tổ chức những Đại trai đàn bạt độ chẩn tế cô hồn, được xã hội thừa nhận tán thán. Dù bất cứ ở nơi thôn quê với am miếu cô hồn, hàn lâm sở nơi hoang vắng, tha ma mộ địa với nghi lễ giản đơn hay chốn thành thị với nghi thức quy mô trang nghiêm cấp Nhà nước, thì một lễ Bạt độ giải oan, chẩn tế cô hồn đều phải đạt được 3 mục tiêu chính là:
Thứ nhất, cô hồn cần được người sống thương tiếc ghi nhận và vinh danh, hoặc cảm thông chia sẻ và tha thứ
Thứ hai, oan hồn cần được giải tỏa những oan ức, dằn vặt do sự hiểu lầm, nghi kị lúc còn sống… đã dẫn tới cái chết oan khiên
Thứ ba, cầu cho các oan hồn uổng tử, những cô hồn vất vưởng được nghe kinh thính pháp để tự chuyển nghiệp, được siêu thoát.
Như vậy, nghi lễ Bạt độ giải oan chẩn tế cô hồn, tự bản thân nó đã có ý nghĩa khuyến thiện lợi tha, phù hợp với đạo lý truyền thống người Việt và đúng chính pháp Từ Bi (cứu mọi người bị chìm đắm đau khổ), Hỉ Xả (hóa giải mọi oán thù), và Trí Tuệ (phá trừ vô minh là con đường duy nhất đúng đắn để tự chuyển nghiệp, giải thoát). Mặc dù là nghi lễ giành cho người chết, nhưng theo Phật giáo, công đức đó người chết chỉ nhận được một còn sáu phần thuộc về người sống, được tăng phúc tăng thọ. Ngay với đạo lí – tâm lí thông thường, đây là một phương thức trị liệu tâm lí rất cần thiết và hiệu quả cho người sống: Làm tròn bổn phận với người chết mà trước đây mình không có điều kiện hoặc vô tâm; Tự tâm hóa giải những ân oán khúc mắc mà thuở còn sống không làm được; Khắc phục sự ám ảnh dằn vặt trong chính mình để sống thanh thản hơn, sống tốt hơn. Với ý nghĩa đó, nghi lễ bạt độ giải oan chẩn tế cô hồn không ngoài mục đích bao quát nhằm đạt tới là “ÂM SIÊU DƯƠNG THÁI”. Ở Việt Nam, chúng ta chưa có tư liệu để biết chính xác khoa nghi thí thực được truyền vào từ khi nào nhưng theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì, với hành trạng của Đệ Tam tổ Huyền Quang và sách vở của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đến thời Trần khoa nghi này đã khá phổ biến. Hiện nay trong các chùa phổ biến dùng bản dịch Nôm Khoa nghi thí thực nổi tiếng của cố Hoà thượng Bích Liên (Thích Trí Hải, 1876 – 1950), cũng có nơi dùng bản Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du (1766 – 1820), được coi như một “kinh” để thỉnh cô hồn trong nghi thức cúng thí. Chúng tôi ngờ rằng Văn tế thập loại chúng sinh chính là một bản dịch thoát của Mông Sơn khoa với thể thơ song thất lục bát giầu chất trữ tình lâm li tha thiết và với nội dung đời hơn, bình dân gần gũi hơn mà vẫn thấm đậm triết lí sâu sắc của nhân sinh quan Phật giáo.