Thờ cúng tổ tiên của người Việt xuất phát từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
Thờ cúng tổ tiên, ông bà đã trở thành một phong tục của người Việt tồn tại qua bao thế hệ là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người xuất phát từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam.
Trong quá trình phát triển của lịch sử khái niệm tổ tiên cũng có sự biến đổi phát triển. Nó không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi huyết thống gia đình, họ tộc… mà đã mở rộng ra phạm vi cộng đồng, xã hội. Sự hình thành và phát triển của các quốc gia, dân tộc thường gắn liền với tên tuổi của những người có công tạo dựng, giữ gìn cuộc sống của cộng đồng. Họ là những anh hùng, danh nhân mà khi sống được tôn sùng, kính nể, khi mất được tưởng nhớ, thờ phụng trong các không gian tôn giáo. Ở Việt Nam, họ là những tổ sư, tổ nghề, thành hoàng làng, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa…
Về nguồn gốc tâm lý, thờ cúng tổ tiên được hình thành trên cơ sở niềm tin vào sự bất tử của linh hồn tổ tiên. Tổ tiên khi còn sống thì “khôn”, đến lúc chết thì “thiêng”, vẫn ngự trên bàn thờ, vừa gần gũi, vừa xa lạ, lại rất đỗi linh thiêng. Con cháu thành kính, tôn thờ tổ tiên là tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Ý thức về tổ tiên là ý thức về cội nguồn. Thờ cúng tổ tiên là sự phản ánh liên tục của thời gian, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự sống là bất diệt, chết không phải là hết. Các thế hệ tiếp nối nhau, chết chỉ là sự bắt đầu của một chu kỳ sinh mới.
Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng mà thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập “mối liên hệ” giữa người sống với người chết, giữa người ở thế giới hiện tại và thế giới tâm linh.
Nội dung tín ngưỡng của tục thờ cúng tổ tiên là quan niệm về sự tồn tại của linh hồn và mối liên hệ giữa người đã chết và người sống (cùng chung huyết thống) bằng con đường: hồn về chứng kiến, theo dõi hành vi của con cháu, quở trách hoặc phù hộ cuộc sống của họ. Trong tín ngưỡng này, đạo lý là nội dung nổi trội. Một trong những đạo lý đó là “uống nước nhớ nguồn”.
Các nghi thức thờ cúng tổ tiên ở nước ta tuy phần lớn phỏng theo nghi lễ Nho giáo, nhưng lại có những yếu tố rất gần gũi với Phật giáo hay Đạo giáo. Mặt khác, với tính chất một tín ngưỡng dân dã, các hành vi lễ thức thường được thực hiện theo tâm thức dân gian và cũng không hoàn toàn thống nhất ở các gia đình, các địa phương.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được thể hiện ở 3 cấp độ khác nhau: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình, họ tộc (dòng họ), tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong làng xã (tín ngưỡng thờ thành hoàng làng) và đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (thờ cúng tổ tiên trong cả nước).
Với niềm tin thiêng liêng rằng, tổ tiên tuy đã chết nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại, có khả năng che chở, phù giúp con cháu, được thể hiện thông qua nghi lễ thờ phụng. Đó là sự biết ơn, tưởng nhớ và tôn thờ những người có công sinh thành, tạo dựng, bảo vệ cuộc sống như: cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ, tổ sư tổ nghề, thành hoàng, tổ nước…
Quan hệ huyết thống của Việt Nam khá phức tạp. Gia đình chỉ là một đơn vị độc lập tương đối bởi vì giữa các gia đình trên một phạm vi nào đó lại tồn tại một quan hệ ràng buộc mà người ta gọi là họ hàng, dòng tộc. Và theo “quy định” huyết thống ấy, nhiều gia đình sẽ họp thành một ngành, nhiều ngành họp thành một họ. Mỗi họ có một ông Tổ chung.
Thủy tổ là người sáng lập ra dòng họ, từ đó hệ thống các đời cùng dòng máu nối tiếp nhau phát triển theo thời gian. Họ là sự tập hợp tự nhiên những người cùng dòng máu, tụ hội theo từng đời và nhiều đời do cùng một ông tổ sinh ra. Dòng họ ở đây được tính theo trục dọc có thể theo họ mẹ hoặc họ cha, nhưng hầu hết được lấy theo họ cha. Để tưởng nhớ về nguồn gốc của họ tộc mình, mỗi dòng họ đều xây nhà thờ thủy tổ của dòng họ (còn gọi là từ đường).
Thờ cúng tổ tiên, ông bà đã trở thành một phong tục trong đời sống tâm linh của người Việt tồn tại qua bao thế hệ là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người; đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Dân Việt trọng lễ nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ và có hiếu với ông bà tổ tiên, với nguồn gốc của mình.
Đến thế kỷ XV, khi Nho giáo chiếm địa vị ưu thế trong xã hội, gia đình, gia tộc, và vấn đề “dương danh hiển gia” được đề cao, nhà Lê đã thể chế hóa việc thờ cúng tổ tiên. Bộ luật Hồng Đức quy định rõ, việc con cháu phải thờ cúng tổ tiên 5 đời (tự mình là con, tính ngược lên 4 đời là: Cha, mẹ, ông bà, cụ, kỵ); ruộng hương hỏa, ruộng đèn nhang, cơ sở kinh tế để duy trì thờ cúng tổ tiên dù con cháu nghèo cũng không được cầm bán… Đến thời Nguyễn, nghi lễ thờ cúng tổ tiên được ghi rõ trong sách “Thọ mai gia lễ”.
Thờ cúng tổ tiên cùng huyết thống có nhiều hình thức, cấp độ khác nhau. Trước hết là việc thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình (thờ cúng gia tiên). Mang đặc tính của cư dân nông nghiệp đa thần giáo, trong gia đình người ta thường thờ phụng nhiều vị thần. Bên cạnh việc thờ tổ tiên, thờ Phật, người ta còn thờ bà Cô, ông Mãnh là những người thân thích, chết trẻ, hoặc chết vào giờ linh thiêng. Trong các vị thần được thờ tại gia, thường không có vị thần nào được sắp xếp ngang hàng với tổ tiên.
Bàn thờ tổ tiên là không gian linh thiêng để các thành viên trong gia đình thể hiện, gửi gắm lòng tưởng nhớ, biết ơn tiên tổ. Bàn thờ là nơi tổ tiên “đi”, “về” và ngự trên đó. Hai cây đèn tượng trưng cho Mặt Trời, Mặt Trăng, hương là tinh tú. Từ những đặc tính cơ bản này, người Việt đã hội dần vào bàn thờ nhiều hình tượng phụ mang tính thiêng liêng khác. Khi phát hiện ra lửa, người ta nhận thấy chỉ có khói bay lên và dần dần khói lửa đã đi vào hội lễ, từ đó nảy sinh nến và hương trong việc tín ngưỡng.
Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ); ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho Mặt Trời ở bên trái và Mặt Trăng ở bên phải. Khi cần giao tiếp với tổ tiên (thỉnh cầu, sám hối…) người ta thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương. Mọi nguyện cầu theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên. Mọi biến cố trong gia đình đều được gia chủ báo cáo với gia tiên.
>>Xem thêm: Đạo Phật và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam
Nhật Phương (Tổng hợp)